+ Liên tiếp 14 lần vỡ đường ống dẫn nước sông Đà, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng trăm nghìn hộ dân tại Hà Nội, nhưng kết luận điều tra bổ sung vụ án lại “tha”, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo Vinaconex. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trước hết, khâu điều tra rất quan trọng. Để quyết định có truy tố không, Viện KSND cũng phải dựa vào kết quả điều tra, đề xuất của cơ quan điều tra dựa trên chứng cứ thu thập được.

Hồ sơ vụ án thể hiện trước hết ở kết quả điều tra. Trong kết luận điều tra, cơ quan Công an xác định vai trò của từng người, hành vi của từng người, sai phạm của từng người, kèm theo chứng cứ, như bản cung, lời khai, vật chứng...

Tôi đọc báo, thấy có thông tin “liên ngành Tư pháp Trung ương” quyết định không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các thành viên Hội đồng quản trị Vinaconex. Nếu có thì việc đó không đúng theo quy định của luật tố tụng hình sự, vì 3 ngành đó (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án – PV) có chức năng giám sát, kiểm soát lẫn nhau.

Theo cải cách tư pháp, TA là khâu quyết định cuối cùng. Nếu như qua xét xử, TA thấy đáng phải truy tố mà không truy tố, bỏ lọt tội thì Tòa sẽ quyết định khởi tố hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Trong điều tra hình sự, Viện KSND không lấy kết luận điều tra, hồ sơ điều tra có sẵn mà có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp điều tra từ ban đầu, ngay quyết định khởi tố điều tra vụ án đã do Viện KSND phê chuẩn và đã có Công tố viên theo dõi.

Viện KSND có hai chức năng. Thứ nhất, chỉ đạo điều tra để tìm ra chứng cứ, chứng minh có phạm tội hay không phạm tội, nếu phạm tội thì có cần truy tố hay không. Thứ hai, là kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong điều tra. Nói một cách khác, có việc lọt tội hay không thì Viện KSND phải có trách nhiệm xem xét và kết luận.

Còn việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, Bộ Luật Hình sự năm 1999 hiện đang có hiệu lực thi hành đã quy định rõ như trong quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử, nếu do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội, hay mức độ phạm tội ít nghiêm trọng, thì có cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định không truy tố, hoặc không kết tội.

+ Đặt vụ không truy cứu hình sự các lãnh đạo Vinaconex, trong đó có một vị nguyên là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội bên cạnh vụ hai thanh niên cướp bánh mỳ với tổng giá trị 45 nghìn đồng bị Tòa tuyên 8 -10 tháng tù giam vào ngày 20/7, khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng pháp luật chỉ “xử” dân mà không “xử” quan?

Theo tôi biết, quan điểm, đường lối chỉ đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp luật hình sự của Nhà nước đã nói rõ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không có pháp luật áp dụng riêng cho quan chức hay pháp luật áp dụng riêng cho dân thường.

Có thể có khác trong biện pháp áp dụng, ví dụ có người thì bắt tạm giam, có người thì không cần, nhưng không phải do chức vụ, địa vị của bị can, mà phụ thuộc việc tạm giam có cần thiết đối với từng cá nhân hay không.

Hoặc trong quá trình xét xử, nếu bản thân người phạm tội hoặc gia đình người phạm tội có công với đất nước thì có thể giảm nhẹ hình phạt 1 phần nào, nhưng đây là giai đoạn lượng hình (xác định khung hình phạt – PV) và cũng theo quy định của pháp luật.

Luật pháp áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người dù là cán bộ cấp cao hay người dân thường. Chính vì vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà có chuyện phân biệt quan và dân, cấp cao, cấp thấp là không đúng với đường lối của Đảng, với Hiến pháp và pháp luật hình sự.

Còn ý kiến cho rằng cướp bánh mỳ thì bị tù, làm vỡ đường ống nước Sông Đà 14 lần ảnh hưởng đến đời sống hàng trăm nghìn hộ dân lại không bị xử hình sự, tôi cho rằng, không thể so sánh đơn giản như vậy.

Quyết định có khởi tố, truy tố hay không phải căn cứ hành vi phạm tội của từng người trong từng vụ cụ thể. Đối với vụ Vinaconex phải xem vai trò của từng người. Vì trong vụ này vẫn có người bị khởi tố, truy tố và được đưa ra xét xử, tức là vẫn có người phải chịu trách nhiệm.

Còn một số người không bị xử lý hình sự thì phải xem xét vai trò của họ trong vụ án, đối chiếu với pháp luật hình sự, nếu không đến mức thì  không truy tố, cho dù thiệt hại lớn. Nhưng nếu thực sự hành vi của những người đó đáng truy tố mà không truy tố vì lý do ốm đau, vì là quan chức thì không đúng với pháp luật hình sự Việt Nam.

+ Vậy trong vụ này, cơ quan nào phải vào cuộc để có câu trả lời cuối cùng, minh bạch tránh gây thắc mắc, bức xúc trong nhân dân, thưa ông?

Trong giai đoạn này, đó là Viện KSND! Như tôi đã nói, Viện KSND có hai chức năng. Viện KSND cùng cấp phải xem lại quá trình điều tra vì điều tra hình sự cũng là công việc của cơ quan công tố, cũng như phải kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong quá trình điều tra xem có đúng luật không.

Trường hợp, vụ việc có nhiều quan điểm trái chiều, những vụ việc nghiêm trọng, quy mô thiệt hại lớn, kéo dài, ảnh hưởng đến dư luận thì Viện KSND trên 1 cấp phải vào cuộc. Nếu vụ Vinaconex bỏ lọt tội phạm thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm mà đầu tiên là Viện KSND. Còn nếu Viện KSND vẫn quyết định không truy tố thì TA trong khi xét xử sẽ kết luận có lọt tội hay không. 

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 15/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam -Vinaconex”. Trong hồ sơ chuyển tới Viện KSND Tối cao, cơ quan này đề nghị truy tố 9 bị can.

Riêng Hội đồng quản trị Vinaconex lúc đó gồm các ông: Phí Thái Bình (Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Nguyễn Văn Tuân (Tổng giám đốc), Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm (các ủy viên), theo kết quả điều tra bổ sung, khi thực hiện vai trò nhiệm vụ của chủ đầu tư cấp nước sông Đà đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite sợi thủy tinh khi chưa thẩm định; lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực và kinh nghiệm, cung cấp sản phẩm cho dự án không đảm bảo chất lượng nên công trình liên tục bị hư hỏng trong quá trình vận hành, khai thác.

Cơ quan điều tra xác định, việc làm của các thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex có dấu hiệu của tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra những người này khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu. Việc ra các quyết định trái quy định là muốn công trình nhanh, giá thành rẻ; không xác định được động cơ vụ lợi. Người chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Văn Tuân mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu nên liên ngành Tư pháp Trung ương thấy rằng không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các thành viên Hội đồng quản trị Vinaconex.

Trước đó, ngày 31/5/2016, TAND TP Hà Nội đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo cáo trạng, dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, do Vinaconex làm chủ đầu tư. Từ tháng 2/2012 đến tháng 9/2015, tuyến ống nước sạch Sông Đà – Hà Nội vỡ 14 lần, khiến doanh nghiệp khai thác phải chi hơn 13,4 tỷ đồng để khắc phục sự cố; ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn Hà Nội.

 Thảo Nguyên