“Một người lo bằng cả kho người làm”

Đây là chia sẻ của Tiến sỹ Trần Hữu Thăng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Hội Y học Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các khóa VI, VII và VIII bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra tại Hà Nội trong 3 ngày 18-20/9.

Tiến sỹ Trần Hữu Thăng nhấn mạnh, điều cần tránh nhất trong phản biện là “một người nói xong tất cả gật đầu hùa theo”. Việc Thủ tướng sử dụng chữ sắc sảo là để phân biệt rõ những cá nhân thật sự tâm huyết, có chính kiến.Ông Thăng rất tâm đắc với nội dung phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khai mạc Đại hội ngày 19/9. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Mặt trận Tổ quốc “chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách; làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn". Thủ tướng cũng đề nghị Mặt trận cần lựa chọn các nội dung, vấn đề liên quan tới quyền, lợi ích chính đáng của người dân, những vấn đề bất cập mà nhân dân quan tâm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp, mỗi địa phương.

Vậy làm thế nào để có thể lựa chọn được những người sắc sảo? Theo ông Thăng, khi ông học ở Đức, ông được dạy rằng, muốn phát hiện được nhân tài cần 2 yếu tố: Một là phải hết sức dân chủ và hai là tất cả đều công khai, minh bạch.

“Cũng như khi tổ chức đám cưới, đám tang ở quê, cần những người sắc sảo chứ quá đông người tham gia vào sẽ gây vướng víu. Nói như các cụ ngày xưa là: “Một người lo bằng cả kho người làm”, ông Thăng lý giải thêm.

Tiến sỹ Trần Hữu Thăng lưu ý, trong phản biện và giám định – điều mà Tổng Hội Y học Việt Nam thường xuyên phải thực hiện trong hàng chục năm qua – cần mời những nhà khoa học giỏi thật sự tham gia.

“Tôi rất vinh dự khi Ban Chấp hành Tổng hội Y học Việt Nam khóa I có tới 3/4 các thành viên được Đảng và Chính phủ lấy tên để đặt cho các đường phố. Trong đó có những tên tuổi lớn như Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch… Đây là một vinh dự chưa từng có trong lịch sử”, ông Thăng nói thêm.

Một yếu tố khác khiến công tác phản biện xã hội của Mặt trận phần nào bị hạn chế theo Tiến sỹ Trần Hữu Thăng chính là, “khi một người thẳng thắn nêu vấn đề thì có khi những người khác lại không ủng hộ, lại cho rằng họ nói quá, thành thử ra họ e ngại". Do vậy, trong phản biện, không chỉ cần sự sắc sảo mà đôi khi, cả sự dũng cảm nữa- dũng cảm bảo vệ chính kiến của mình. 

Những điểm sáng cần ghi nhận

Dù còn những hạn chế trong công tác phản biện xã hội trong thời gian qua, song theo Tiến sỹ Thăng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã làm được rất nhiều việc tích cực, đáng ghi nhận “khiến tôi luôn tự hào là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Điểm được ông Thăng nhận định “thích thú nhất” là bất kỳ chiến dịch gì được Mặt trận phát động cũng đều thắng lợi, được toàn dân hưởng ứng. Trong đó tiêu biểu là phong trào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

“Ngành Y chúng tôi hiện nay có nhiều bác sĩ là thành viên của Tổng hội Y học Việt Nam đã thấm nhuần và thực hiện kê thuốc do Việt Nam sản xuất. Chúng ta đủ năng lực sản xuất thuốc tốt, không cần dùng đến thuốc Tây”, ông Thăng nhấn mạnh điều này là bởi "không ít bác sĩ nhận hoa hồng của các hãng thuốc Tây để họ kê đơn thuốc Tây dù nhiều loại thuốc của Việt Nam vừa tốt, rẻ lại được kiểm soát chất lượng".

Ngoài ra, Mặt trận cũng đã thực hiện rất tốt phong trào “Vì người nghèo” hay “Ngôi nhà Đại đoàn kết”. Tiến sỹ Thăng nhận định, đây là những phong trào thể hiện rất rõ tinh thần của Mặt trận là phục vụ có ích thật sự cho dân.

Theo ông Thăng, nếu biết tổ chức tốt hơn nữa, khu trú được những vấn đề trọng tâm thay vì “giải mành mành” ra quá nhiều, biết cầu thị lắng nghe những nhận xét thẳng thắn, khách quan, không xuất phát từ bất kỳ định kiến gì, công tác Mặt trận sẽ được cải thiện tốt hơn nữa./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN