Chiều 28/5, QH nghe tờ trình, thẩm tra ở hội trường và thảo luận tại tổ dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, dự luật đã kế thừa các quy định hiện hành về các trường hợp, thẩm quyền quyết định, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất với Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế và tình hình hiện nay, dự thảo đã quy định chặt chẽ hơn về đối tượng, thẩm quyền, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, vừa đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, xã hội, vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Cụ thể, tạm hoãn xuất cảnh với các trường hợp bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Để tránh việc lạm dụng, tùy tiện trong việc áp dụng các biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế, dự thảo luật cũng quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh…

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Theo đó, chỉ tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, dân sự, kinh tế; người có nghĩa vụ trong vụ án hình sự, dân sự, kinh tế nếu có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, vụ việc, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc việc thi hành án…

Đối tượng vào diện tình nghi sao vẫn bỏ trốn được?

Về vấn đề này, phát biểu tại tổ, ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) nhận định, quy định còn chưa chặt chẽ.

“Có những người phạm tội tham nhũng, vi phạm khuyết điểm, khi có dấu hiệu nhưng đang trong quá trình xử lý, điều tra nghiên cứu mà chưa có quyết định khởi tố thì ngăn chặn những đối tượng này xuất cảnh như thế nào?”, ông Hạ đặt vấn đề.

ĐB đoàn Bạc Liêu đưa ra một loạt dẫn chứng, như trường hợp Vũ Đình Duy trốn ra nước ngoài, rồi Trịnh Xuân Thanh, Vũ Nhôm thì “trốn hụt”, thậm chí giờ là Bùi Quang Huy – Giám đốc của Nhật Cường cũng bỏ trốn.

Theo ĐB, bên cạnh những điều kiện về quyền của công dân, nhưng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh cũng phải quy định để ngăn chặn, ngăn ngừa những “đối tượng như vậy trốn ra nước ngoài”, tránh tình trạng như vụ Vũ Đình Duy phải đình chỉ vụ án chờ đến khi nào bắt được.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, ĐB Nguyễn Văn Hiển cũng nêu thực tế vừa qua, dư luận rất bức xúc với các trường hợp không nằm trong diện quy định tạm hoãn xuất cảnh. Điển hình như Trịnh Xuân Thanh hay ông chủ Nhật Cường Mobile.

“Những trường hợp này chưa bị khởi tố vụ án, chưa bị bắt, chưa bị tạm giữ và cũng chưa có đơn tố giác. Nhưng trong tình huống như vậy, rõ ràng vụ việc rất nghiêm trọng, tại sao họ vẫn xuất cảnh, vẫn bỏ trốn được?”, ông Hiển đặt câu hỏi.

ĐB Nguyễn Văn Hiển. Ảnh: Quochoi.vn

Theo ông, luật phải xử lý được vấn đề trên.  “Các cơ quan có thẩm quyền trong tình huống cụ thể cần xem xét có biện pháp hạn chế xuất cảnh với những trường hợp này, đó là việc hoàn toàn cần thiết”, ông Hiển góp ý vào dự thảo luật.

Cũng nhắc đến những cái tên Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh, Giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) lưu ý, khi làm chuyên án, chúng ta phải có trinh sát theo dõi, dự phòng các trường hợp cấm xuất cảnh, để thả lỏng thì không chấp nhận được

“Tất cả các đối tượng liên quan đến các vụ án đang được xem xét, điều tra phải cấm xuất cảnh, phải đề phòng vì thực tiễn đã xảy ra, lại toàn trường hợp “đầu to”. Có dấu hiệu rồi mà đi không biết là sơ hở to lớn”, ông Nhưỡng nhấn mạnh và cho rằng, lúc đó, Nhà nước sẽ mất nhiều tiền của, công sức, lại tạo ra dư luận không tin tưởng vào hoạt động của chúng ta.

Tạm hoãn xuất cảnh người bị đơn tố giác cần cân nhắc

Trong khi đó, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh), quy định tạm hoãn xuất cảnh người bị đơn tố giác cần cân nhắc. Bởi có trường hợp do làm ăn mâu thuẫn nên gửi đơn tố giác. Nếu cơ quan chức năng xem xét đơn không thận trọng, tạm hoãn xuất cảnh, sau này biết tố giác sai, nhưng người ta mất cơ hội làm ăn.

Ông Nghĩa kiến nghị, bổ sung quyền được khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị tạm hoãn xuất cảnh để những người thực thi công vụ thấy có trách nhiệm đối với đất nước, nhân dân.

“Có những trường hợp rất đáng tiếc đáng lẽ phải bắt ngay chúng ta không bắt được và họ chạy trốn ra nước ngoài đến nay chưa bắt được. Nhưng có nhiều trường hợp mình làm không đúng, họ chỉ biết khi ra đến sân bay”, ĐB đoàn TP Hồ Chí Minh nói.

Với góc độ, theo ĐB Hiển, nêu quy định trong dự luật chỉ cần một công dân đưa đơn tố giác, dù chưa xác minh đủ chứng cứ phạm tội đã ngăn người đó xuất cảnh, như vậy là không đúng.

“Cơ quan có thẩm quyền phải kết luận rằng tố giác này có căn cứ hay không, lúc đó chúng ta mới áp dụng biện pháp hạn chế xuất cảnh. Nếu quy định như thế này thì rộng quá và thừa”, ông Hiển phát biểu.

Hương Giang