Chất lượng, mô hình tăng trưởng chuyển biến tích cực

Tốc độ tăng trưởng GDP cao gấp đôi so với lạm phát. Thu ngân sách Nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương đạt kết quả đáng mừng. “Chúng ta có thể yên tâm là chúng ta vượt thu ngân sách Trung ương”, Thủ tướng nói.

Cũng theo lãnh đạo Chính phủ, chưa bao giờ Việt Nam đạt xuất siêu trên 7 tỷ USD. Không chỉ vậy, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới năm nay cũng cao hơn so với các năm; tăng trưởng tín dụng thấp 15-16% trong bối cảnh khai thác dầu khí sụt giảm.

Tuy vậy, nền kinh tế vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Thủ tướng nêu, giải ngân đầu tư công còn chậm; kinh tế tư nhân tuy có bước phát triển đáng mừng, đã xuất hiện một số DN ngày càng lớn mạnh song chưa liên kết, tham gia sâu vào mạng lưới, chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn nên chưa thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai, bão lũ, sạt lở đất bờ sông, bờ biển nhiều nơi diễn ra nghiêm trọng vẫn chưa có giải pháp toàn diện, căn cơ. Xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc nhất là một số lĩnh vực liên quan đến người dân…

Cho nên, “không chỉ động viên mà cũng phải phê bình và tự phê bình trong hệ thống của chúng ta”, Thủ tướng nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước với ý là phải tự “sửa mình”, tự thấy mình trong quá trình phát triển đất nước với trách nhiệm chúng ta đang đảm nhận để làm tốt hơn.

Tại phiên họp thường kỳ này, Chính phủ cũng nghe, thảo luận về một số báo cáo tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện 3 Nghị quyết của Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế (Nghị quyết 05), hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN (Nghị quyết 11), phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (Nghị quyết 10) và Nghị quyết 24 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Thủ tướng nhấn mạnh, 3 Nghị quyết nêu trên rất quan trọng, tạo nền tảng cho chúng ta thành công thời gian tới. Cho nên, cần thực hiện quyết liệt hơn nữa, đi liền với đó là kiểm tra, đôn đốc.

Riêng việc thực hiện Nghị quyết 10, theo Thủ tướng, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, các cấp, các ngành, các địa phương phải tạo mọi điều kiện thuận lợi như vốn, đất đai… để kinh tế tư nhân phát triển. 

Ông cho biết, đã trao đổi với lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương về việc phối hợp kiểm tra một số ngành, địa phương về phát triển kinh tế tư nhân, nhất là các địa phương trọng điểm, để thúc đẩy vấn đề này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương để kiểm tra một số ngành, địa phương về việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tư nhân - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Cán cân thương mại thặng dư 7,2 tỷ USD

Cũng trong chiều cùng ngày, công bố số liệu thống kê năm 2018, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, GDP năm 2018 là mức tăng cao nhất từ năm 2008 trở lại đây.

Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành hơn 5,53 triệu tỷ đồng. GDP bình quân đầu người khoảng 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD. Mức này tăng 198 USD so với năm 2017.

Trong mức tăng chung nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,76%, góp 8,7% vào tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp, xây dựng là 8,85% và góp xấp xỉ 49% tăng trưởng; dịch vụ tăng 7,03%, góp gần 43% vào tăng trưởng.

Xét về góc độ sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng gần 7,2% so với 2017, tích luỹ tài sản hơn 8,2%; cùng đó xuất khẩu hàng hoá tăng 14,3%...

"Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện", ông Nguyễn Bích Lâm nhận xét và phân tích, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP là 43,5%, cao hơn nhiều mức bình quân gần 33,6% giai đoạn 2011 - 2015. Năng suất lao động tăng gần 6% so với 2017 và tính theo giá hiện hành đạt 102 triệu đồng (gần 4.512 USD) một người.

Về lạm phát, theo ông Lâm, CPI tháng 12/2018 giảm 0,25% so với tháng trước. CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54%, đạt mục tiêu dưới 4% Quốc hội giao.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 ước tính đạt hơn 244,7 tỷ USD, tăng gần 14% so với 2017. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) vẫn chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu, hơn 175,5 tỷ USD, trong khi khối trong nước đạt 69,2 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, cả năm Việt Nam nhập khẩu hơn 237,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ.

Tính chung, cán cân thương mại cả năm thặng dư 7,2 tỷ USD, trong đó khu vực trong nước nhập siêu 25,6 tỷ và khu vực đầu tư nước ngoài (gồm dầu thô) xuất siêu 32,8 tỷ USD.

Có nhiều khả năng đạt 1 triệu DN vào năm 2020

Năm 2018, cả nước có 131.275 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 34.010 DN quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165,3 nghìn DN. Nhưng số DN tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 là 90.651 DN, tăng 49,7% so với năm trước.

Vậy có khả năng đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 hay không? Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp thông tin, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện. Trong số các DN ngừng hoạt động có DN quay trở lại đăng ký dưới lĩnh vực kinh doanh khác. Cho nên, với tốc độ tăng 130.000 DN mỗi năm thì mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 là “có nhiều khả năng”, nhất là khi Chính phủ cũng có nhiều chủ trương mở rộng, khuyến khích DN phát triển.


Phải xử lý nghiêm, báo cáo vụ 152 khách Việt "mất tích" tại Đài Loan

Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo về vụ việc 152 du khách Việt được cho là bỏ trốn tại Đài Loan.

Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện Thanh tra Bộ, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tiến hành kiểm tra các DN liên quan trong vụ việc này. Bộ đã làm việc với Phòng Văn hóa Kinh tế Đài Bắc để phối hợp bảo đảm cho luồng khách du lịch Việt sang Đài Loan vì thực tế từ nay đến Tết Nguyên đán có nhiều hợp đồng du lịch đã được ký kết.

Bộ cũng thông báo ý kiến đến các địa phương có công ty lữ hành đưa khách du lịch sang Đài Loan rà soát lại tất cả giấy phép xin visa trong thời gian tới. Đồng thời, có văn bản gửi Bộ Công an để xem xét, điều tra dấu hiệu đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép.

Về vấn đề này, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo Chính phủ kết quả xử lý trong vòng 7 ngày.

Như trước đó đã đưa tin, Công ty TNHH Thương mại du lịch Kỳ nghỉ quốc tế (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) thông qua giới thiệu của đối tác Đài Loan đã cung cấp dịch vụ visa cho 153 khách của Công ty TNHH Twin Bright và Công ty TNHH Thương mại và du lịch Golden Travel có trụ sở chính ở Hà Nội.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ cộng đồng DN cho rằng 152 khách Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin để xử lý.


Hương Giang