“Tăng trưởng đạt khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp 8 sáng ngày 21/10.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho hay, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. “Những kết quả quan trọng, toàn diện đạt được là rất ấn tượng trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức”, Thủ tướng nói.

Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” được khắc phục một bước quan trọng

Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 14,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 525 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2018.

Dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD, nợ công giảm còn 56,1% GDP, tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 1,91%; bảo đảm an toàn hệ thống. Tinh thần khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ các mô hình đổi mới, sáng tạo; ước cả năm có khoảng 134 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại…

“Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” được khắc phục một bước quan trọng; nhiều ngành, địa phương nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội cho biết, tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Ảnh: Hương Giang

 

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, kinh tế vĩ mô còn một số yếu tố chưa thực sự vững chắc như giải ngân đầu tư công chậm, tái cơ cấu nền kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu... Những tồn tại do nguyên nhân khách quan là chủ yếu. Trong đó, một số bộ, ngành, địa phương chưa đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chưa thực sự quyết liệt hành động. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

“Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn buông lỏng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế. Xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc sau quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở không ít cơ quan, đơn vị”, Thủ tướng nhận xét.

Để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, Chính phủ phân tích rõ động lực, chất lượng của tăng trưởng để phát huy cho các năm sau. “Có ý kiến đề nghị phân tích về tổng thu nhập quốc gia để đánh giá đầy đủ về tính tự chủ của nền kinh tế”, ông Thanh nói.

Đẩy nhanh tiến độ xây đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành

Năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng khoảng 6,8%; lạm phát dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1 - 1,5%...

Để hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu, Thủ tướng đề cập đến một loạt nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Cùng với đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; xử lý kiên quyết, dứt điểm các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành...

“Phát triển hạ tầng số trên nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại. Đồng hành cùng thế giới đưa mạng 5G vào hoạt động với thiết bị sản xuất trong nước; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước tiến đến làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi sang nền kinh tế số”, Thủ tướng phát biểu.

Chính phủ cũng chú trọng phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Hương Giang

 

Cơ bản đồng tình, Uỷ ban Kinh tế lưu ý, phải làm rõ căn cứ xây dựng chỉ tiêu tăng GDP, bởi mức 6,8% tương tự kết quả năm 2019; đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ cần quan tâm thêm đến việc cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất; minh bạch và xử lý nghiêm sai phạm trong thực thi công vụ.

“Cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; thúc đẩy, tạo thuận lợi triển khai các dự án điện và dự án giao thông quan trọng; hoàn thiện khung pháp lý về giá điện hạ thế; chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản”, ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị, đẩy nhanh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm trong quản lý đất đai; ngăn chặn, xử lý nghiêm các đường dây tín dụng đen; xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các thành phố, đô thị…

Hương Giang