Công tác PCTN đúng thực chất

Theo sự phân công của Thủ tướng, báo cáo công tác PCTN, theo Tổng Thanh tra, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ các nghị quyết, chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội (QH), kế hoạch trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

“Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ, Thủ tướng luôn xác định, công tác PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách  mạnh mẽ thủ tục hành chính”, ông Lê Minh Khái.

Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước; tăng cường phối hợp với các Ban Đảng, QH, các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp PCTN, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Trong công tác hoàn thiện thể chế, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về PCTN đã được các bộ, ngành xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành như Luật Sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự…

Chính phủ cũng chỉ đạo TTCP phối hợp với các cơ quan của QH khẩn trương hoàn thiện trình QH thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi); đang hoàn thiện Luật PCTN (sửa đổi); tiến hành tổng kết Luật Thanh tra, xây dựng quy trình về đánh giá công tác PCTN…

Song song với đó, đẩy mạnh rà soát, cắt giảm nhiều quy định, thủ tục hành chính không hợp lý, gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đơn giản hóa các thành phần hồ sơ, thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính, nhất là các điều kiện liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp như nộp thuế, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, giải quyết tranh chấp hợp đồng…

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, nhiều bộ, ngành đã cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Cũng theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến các thủ tục hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng quan tâm.

“Những kết quả tích cực trên còn được nhìn nhận, đánh giá bởi các tổ chức quốc tế. Trước đây, Tổ chức Minh bạch quốc tế đánh giá, tình hình tham nhũng của Việt Nam là nghiêm trọng và không có tiến triển tích cực trong 4 năm từ năm 2012-2015 với mức điểm 31/100 điểm. Nhưng sang năm 2016, năm 2017, điểm số này đã được cải thiện và mức tăng dần đều. Năm 2016 là 33/100 điểm, năm 2017 là 35/100 điểm. Đây là bằng chứng khách quan cho thấy, công tác PCTN của Việt Nam đang được cải thiện đáng kể và đúng thực chất”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Kiên quyết xử nghiêm vi phạm

Cũng theo ông Lê Minh Khái, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết điều tra, phát hiện xử lý nghiêm các vụ án kinh tế nghiêm trọng.

Lãnh đạo TTCP dẫn chứng như các vụ: liên quan đến ngân hàng, PVN, vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên Internet, vụ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Huệ…

“Qua đó, đã nhận thức được những sơ hở, bất cập cơ chế, chính sách, nhất là trong việc tổ chức thực hiện, thanh tra kiểm tra, giảm sát để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả”, Tổng Thanh tra báo cáo.

Công tác thanh tra, kiểm tra thì tiếp tục được tăng cường, đạt được kết quả tích cực; đã tập trung thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; chỉ đạo, xử lý nghiêm một số tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có việc thanh tra các dự án lãng phí, thua lỗ lớn, các dự án được dư luận quan tâm như kết luận thanh tra vụ AVG…

Theo Tổng Thanh tra, năm 2017, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.845 cuộc thanh tra hành chính, trong đó kiến nghị thu hồi 46.268 tỷ đồng, hơn 5000 ha đất, xuất toán loại khỏi quyết toán và đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét xét xử lý hơn 52 nghìn tỷ đồng; hơn 4.000 ha đất. Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 136 vụ, 207 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng  177% số vụ và 117% số đối tượng so với năm 2016).

Quý I, năm 2018, toàn ngành Thanh tra đã tiến hành 1.857 cuộc thanh tra hành chính và hơn 36 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 4.542 tỷ đồng, 14 nghìn ha đất.

Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong cơ quan TTCP, Bộ Công an, Viện KSND Tối cao tiếp tục phát huy vai trò trong tham mưu cho Chính phủ lãnh đạo các bộ, ngành trong việc ban hành các chủ trương chính sách pháp luật, kế hoạch công tác phù hợp; chủ động xác minh nắm tình hình, đôn đốc, đẩy mạnh tiến độ các vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng.

Loại khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa, biến chất

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho hay, để tiến tới đẩy lùi tham nhũng, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nhiều giải pháp.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, QH, chỉ đạo của Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, coi công tác PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, cần có quyết tâm chính trị cao.

Cùng với đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn băn quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; hoàn thiện dự án luật PCTN sửa đổi; tổng kết, sửa đổi Luật Thanh tra.

Chính phủ cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ, nhất là công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ, trong công tác đấu thầu, đấu giá, sớm hoàn thiện cơ chế đấu thầu qua mạng.

Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác, minh bạch tài sản thu nhập….

Giải pháp nữa, là hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ; nghiên cứu, bổ sung quy định về xử lý nghiêm đối với cán bộ công chức, viên chức có vi phạm kể cả người đã thôi việc, nghỉ hưu; thực hiện đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu đảm bảo công khai, minh bạch.

“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, loại khỏi bộ máy những cán bộ công chức, viên chức thoái hóa, biến chất; thực hiện nghiêm phòng chống tội phạm trong các cơ quan phòng chống tội phạm; kiên quyết không có vùng cấm trong xử lý các hành vi tham nhũng”, Tổng Thanh tra cho hay.

Đi cùng với đó, là giải pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật PCTN; khắc phục tình trạng tuyên truyền hình thức, kém hiệu quả; tuyên truyền bằng hành động, thực tiễn, nêu cao tính gương mẫu trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, Đảng viên.

Chính phủ cũng tăng cường tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, có nhiều dư luận về tham nhũng như đất đai, tài nguyên khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, ngân hàng, thuế, hải quan, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ… Kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Khi xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm tập trung vào các tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn…

Đẩy mạnh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhất là những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi chỉ đạo…

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nhấn mạnh thêm, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác PCTN, TTCP sẽ tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phù hợp, cần thiết, triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, QH và chỉ đạo của Tổng Bí thư.

 Hương Giang