“Thực thi quyền lực phải có quyền lực để thực thi”

Trình bày tờ trình, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho hay, thời gian qua, có rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực KTNN, nhưng chưa có văn bản nào quy định về chế tài xử phạt.

“Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật cần thiết phải bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN”, ông Phớc nói và đề nghị, bổ sung quy định xác lập thẩm quyền xử phạt của KTNN.

Bày tỏ quan điểm đồng tình, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, KTNN do QH bầu, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Và với vị trí lớn như vậy mà phát hiện ra vi phạm trong lĩnh vực KTNN mà không cho quyền xử phạt thì rõ ràng là không có chế tài.

“Cơ quan thực thi quyền lực thì cần phải có đủ năng lực để thực hiện quyền của nó”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói và phân tích, luật đã quy định, kiểm toán được quyền xử phạt các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực của mình, không hạn chế xử phạt trong lĩnh vực hành chính. Luật Xử phạt vi phạm hành chính không quy định nhưng không có nghĩa là cấm.

Theo ông Định, Tòa án không phải là quản lý Nhà nước, nhưng luật vẫn quy định được quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu vi phạm làm mất trật tự tại phiên tòa.

“Đi kiểm toán mà có gặp anh không tuân thủ trật tự, không cung cấp hồ sơ giấy tờ, hồ sơ thì xử phạt. Tôi thấy, quy định như vậy là được vì đây là thực thi quyền lực. Muốn thực thi quyền lực thì phải có quyền lực để thực thi. Vấn đề là anh xử cái gì, đối tượng gì, hành vi gì để không trùng với cơ quan khác” Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định

 

Ở quan điểm khác, theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, đối tượng chịu sự kiểm toán là các công chức, công vụ, nếu vi phạm quy định liên quan kiểm toán, kế toán thì phải xử lý trách nhiệm bằng kỷ luật.

“Một hành vi vi phạm chỉ chịu một loại hình pháp lý, bị xử lý kỷ luật rồi thì tại sao lại chịu xử lý hành chính? Tòa xử phạt hành chính không phải là đối tượng công chức, viên chức. Vi phạm xử lý kỷ luật, nghiêm trọng hơn thì truy cứu trách nhiệm hình sự, cho nên không xử phạt hành chính”, ông Uông Chu Lưu lưu ý.

Đồng tình với ý kiến của ông Uông Chu Lưu, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc giao kiểm toán xử phạt hành chính chưa thực sự phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị cân nhắc nội dung này. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, các hành vi vi phạm của một số tổ chức, cá nhân trong hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước thuộc trách nhiệm của người đứng đầu hoặc của cơ quan quản lý cấp trên.

“Thay vì bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính cho KTNN, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cơ quan quản lý cấp trên trong việc quản lý, đôn đốc các tố chức, cá nhân thực hiện các quy định và xử lý khi xảy ra các hành vi vi phạm”, ông Hải nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra dự án luật.

Giải trình, theo ông Hồ Đức Phớc, KTNN không chỉ kiểm toán các cơ quan Nhà nước mà còn kiểm toán các cơ quan khác không phải cơ quan Nhà nước nhưng có sử dụng tài chính công, tài sản công.

“Họ không phải cán bộ, công chức Nhà nước, nếu có hành vi chống đối thì xử lý thế nào? Cho nên, chúng tôi chỉ xin xử phạt hành chính đối với hành vi chống đối không nộp hồ sơ với đối tượng không phải là cơ quan Nhà nước. Còn cán bộ công chức không nộp hồ sơ, có hành vi chống đối thì kiến nghị với cấp trên để xử lý trách nhiệm”, ông Phớc nhấn mạnh.

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc phát biểu

 

Kiểm toán người nộp thuế?

Một vấn đề nữa, KTNN đề nghị quy định làm rõ thêm một số đơn vị được kiểm toán. Cụ thể, là bổ sung đơn vị được kiểm toán gồm: người nộp thuế, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản và những tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, đề xuất của KTNN thực chất là mở rộng đối tượng được kiểm toán so với quy định của luật hiện hành.

Ông Hải dẫn ý kiến thường trực Ủy ban này cho hay theo quy định của Luật Quản lý thuế, khái niệm “người nộp thuế” bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Do đó, quy định như dự thảo luật sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, không chỉ các tổ chức mà còn cả hộ gia đình và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế đều thuộc diện được kiểm toán, gây chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan quản lý thuế.

Bên cạnh đó, thời gian qua, với các quy định hiện hành, KTNN vẫn thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm toán đối với các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài nguyên, khoáng sản của đơn vị được kiểm toán. Từ đó, đa số ý kiến của thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, nên giữ nguyên như quy định hiện hành.

Cho ý kiến, theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, hiện nay, hoạt động kiểm toán vẫn chưa bao quát được hết các địa phương trong cả nước, nay lại mở rộng đối tượng là người nộp thuế thì tính khả thi khó có thể đảm bảo được.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cân nhắc khi quy định. Bởi, “người nộp thuế là đối tượng chấp hành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế chứ không phải là đối tượng của KTNN”.

Hơn nữa, theo Chủ tịch QH, nếu mở rộng sang đối tượng nộp thuế và những tổ chức khác thì vô hình chung rất nhiều đối tượng chịu sự kiểm tra của rất nhiều cơ quan Nhà nước, sinh ra nhiều hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan đối với các hộ kinh doanh.

Về vấn đề này, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN chỉ kiểm tra các cơ quan quản lý thuế nhưng muốn đối chiếu các đối tượng nộp thuế để đánh giá cơ quan quản lý thuế có làm đúng trách nhiệm hay không, chứ không phải kiểm toán người nộp thuế, vì KTNN cũng không đủ sức để làm.

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Hương Giang