Mở đầu hội nghị, theo Thủ tướng, sau 10 năm thực hiện Đề án, nông nghiệp nói chung, đặc biệt sản xuất lương thực của nước ta đã đạt nhiều thành tựu lớn, toàn diện. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu kém của nông nghiệp nói chung, đặc biệt đối với an ninh lương thực nói riêng.

Phải nắm “quả đấm then chốt”

Tại hội nghị, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ cho rằng, cái được lớn nhất trong vấn đề an ninh lương thực là an dân.

“Ngày xưa, cái khổ của người lãnh đạo là tháng sau bán cái gì, chia cho từng huyện, tỉnh, ngành mà không trả lời được thì bế tắc; hay người phụ nữ buổi chiều nay nấu cái gì mà không trả lời được cho con cái cũng là cái khổ. Bây giờ, chúng ta giải quyết được vấn đề đó”, ông Ngọ nói.

Theo ông Ngọ, cần gắn an ninh lương thực với chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát huy thế mạnh từng vùng, không chỉ lúa gạo mà cả các sản phẩm lương thực, thực phẩm khác.

“An ninh lương thực mà cứ loanh quanh bàn nhau làm lúa bao nhiêu, diện tích bao nhiêu, năng suất bao nhiêu là cần nhưng chưa đủ”, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn góp ý.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) cho rằng, các công ty tư nhân tham gia thị trường với mục tiêu lợi nhuận, lúc nào có lợi thì họ mua, không có lợi thì dừng. 

Thành tựu an ninh lương thực không phải “mẹ hát con khen hay”

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, thành tựu của nước ta trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực được thế giới công nhận, “chứ không phải mẹ hát con khen hay”. Ông nhấn mạnh, những thành tựu này bây giờ vẫn là mong muốn, khát vọng của nhiều nước.

Tuy nhiên, thời gian tới, tình hình có nhiều thay đổi. Nông thôn hiện nay có nhiều thay đổi. Ngay cả cơ cấu tiêu dùng lương thực, thực phẩm cũng khác xưa.

“Trước đây ăn 5-6 bát cơm một bữa mà không thấy no là bởi không có thực phẩm, không có đủ dinh dưỡng, nhưng nay với 10 kg gạo có nhà ăn cả tháng không hết”, ông Bình nêu ví dụ.

Từ đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, phải có cách nhìn mới về vấn đề an ninh lương thực, phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế so sánh quốc gia, mỗi vùng, mỗi tỉnh để có quy hoạch sản xuất.

“Chỗ nào trồng lúa và trồng bao nhiêu là vừa để bảo đảm an ninh lương thực, còn chuyển sang cây trồng vật nuôi khác có giá trị gia tăng cao hơn để đáp ứng yêu cầu người dân, bao nhiêu đất còn lại để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị hóa…”, ông Bình phát biểu.

“Khi có biến động như tình hình vừa qua, các công ty có thể găm hàng chờ giá lên cao. Trong khi đó, công ty lương thực của Nhà nước có chức năng được Chính phủ giao là lưu thông, bình ổn giá lương thực thì phải thực hiện nhiệm vụ này, có khi không lợi nhuận”, bà Tâm nêu.

Từ đó, Tổng Giám đốc Vinafood1 kiến nghị, Chính phủ xem xét, nắm giữ một tỉ lệ cổ phần hợp lý khi cổ phần hóa để bảo đảm vai trò điều tiết, bình ổn khi cần thiết.

Trao đổi lại, theo Thủ tướng, quan điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là đúng để huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhưng ông nêu rõ, các khâu quan trọng, Nhà nước vẫn phải nắm để điều hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. “Quả đấm then chốt” Nhà nước phải nắm để nâng cao năng lực ứng phó khi có biến động.

“Có tiền chưa chắc mua được lương thực”

Nhấn mạnh các kết quả đã đạt được của Đề án bảo đảm an ninh lương thực, người đứng đầu Chính phủ ví dụ, trước dịch bệnh Covid -19, chúng ta chăm sóc công dân Việt Nam, quan tâm cả người nước ngoài, xử lý vấn đề nhân văn, “chứ không phải chạy theo đồng tiền”.

Trong nông nghiệp nông thôn và an ninh lương thực cũng như vậy, hàng năm, Chính phủ cấp phát miễn phí hơn 200.000 tấn gạo…

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, an ninh lương thực càng trở nên bức thiết hơn khi dân số có xu hướng tăng, gần 900 triệu người trên toàn cầu đang thiếu đói, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa cao, dịch bệnh bất thường.

“Thử thách rất lớn. Nếu không xác định sự bức thiết về an ninh lương thực trong giai đoạn tới thì sai lầm trong chỉ đạo”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ, phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống, “qua một số ngày lộn xộn vừa rồi, có thể thấy có tiền chưa chắc mua được lương thực”.

Vì vậy, theo Thủ tướng, phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm và tăng cường khả năng dự trữ. Ông cũng nhấn mạnh, một số mục tiêu quan trọng để phấn đấu đạt được.

Đó là, đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học trong từng giai đoạn, kể cả lượng và chất, ít nhất cho quy mô 104 triệu người vào năm 2030, để chống tình trạng thấp, bé, còi của người Việt Nam.

Cùng với đó, tăng nhanh sản lượng trứng, thịt đỏ, thịt gà, thủy sản, rau quả có lợi cho sức khỏe và phù hợp với cơ cấu dinh dưỡng; phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD…

Thủ tướng cũng nêu rõ, gạo có vai trò quan trọng trong cơ cấu thực phẩm, cho nên, sẽ trình Chính phủ, Bộ Chính trị việc giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa để ít nhất có 35-38 triệu tấn lúa, tương ứng 22 triệu tấn gạo trong cân đối.

Sau hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hoàn thiện văn bản, báo cáo Bộ Chính trị để ban hành, làm cơ sở cho việc triển khai thời gian tới và chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết mới về an ninh lương thực (thay thế Nghị quyết số 63/NQ-CP).

Hương Giang