Phương châm hành động 12 chữ

Với phương châm hành động 12 chữ "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", Chính phủ đặt ra 4 trọng tâm chỉ đạo, điều hành trong năm 2019.

Trình bày Dự thảo Nghị quyết 01, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, trên cơ sở 12 chỉ tiêu chủ yếu mà Quốc hội giao, Chính phủ xác định mục tiêu đạt hoặc hoàn thành ở mức “cận cao”.

Tăng trưởng GDP khoảng 6,8% thay vì từ 6,6- 6,8%; tốc độ tăng CPI dưới 4% thay vì chỉ tiêu khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP là 34% thay vì tỷ lệ 33-34%.

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 8-10% thay vì mức tăng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất nhập khẩu dưới 2% so với chỉ tiêu dưới 3%…

Để thực hiện mục tiêu tổng quát, các trọng tâm chỉ đạo điều hành và các chỉ tiêu kinh tế- xã hội của Quốc hội giao, Dự thảo Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 45 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể.

Trong đó có những giải pháp đáng chú ý như tăng trưởng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh bao phủ tín dụng, đẩy lùi tín dụng "đen”.

Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu điện trong mọi tình huống; khơi thông nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt…

Dự thảo Nghị quyết cũng đặt ra nhiệm vụ phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát; kiên quyết xử lý, khắc phục tình trạng "tham nhũng vặt".

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày dự thảo nghị quyết 01. Ảnh: Thành Chung

Bày tỏ nhất trí với phương châm hành động 12 chữ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, thành công năm 2018 là toàn diện, đáng ghi nhân, nhưng thách thức đặt ra cho năm 2019 còn rất lớn.

Theo ông Dũng, trong năm tới, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sản xuất-kinh doanh, cần tăng cường quản lý thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế....

“Phấn đấu thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt dự toán trên 3%; bảo đảm mức động viên trên 23,5% GDP và tăng tỷ trọng thu từ thuế, phí lên trên 84%”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Về chi NSNN, ông Dũng cho rằng, cần quán triệt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ luật tài chính; nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 27%-27,5% trong tổng chi ngân sách; kiên quyết khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 3,6%GDP; nợ công ở mức khoảng 61%GDP.

“Cần thực hiện quản lý chặt chẽ cung -cầu thị trường, bình ổn giá, chống đầu cơ tăng giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và tiêu thụ hàng giả, trước mắt là trong dịp Tết Nguyên đán”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

“Nghèo khó một tí nhưng lòng dân yên thì mọi việc sẽ thành công"

Lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ kết luận, hoàn thiện 2 dự thảo nghị quyết 01, 02 để ban hành và thực hiện ngay từ ngày 1/1/2019.

Năm 2019 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, khơi thông và tạo thêm các động lực tăng trưởng, góp phần quan trọng thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 và chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng yêu cầu, từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo tỉnh, TP phải nêu trách nhiệm trước nhân dân, đất nước.

“Người dân đang trực tiếp nhìn vào thực trạng quản lý của chúng ta, nhìn vào những khắc phục tồn tại, khuyết điểm mà Đảng, Nhà nước ta đã phát hiện. Chúng ta phải thấm, phải ngấm và có hành động quyết liệt trong công việc của mình hàng ngày. Sau hội nghị này, chúng ta không có hành động quyết liệt thì không thể thành công”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng đặt vấn đề, tại sao chúng ta nói “do dân, vì dân” mà lại để người dân khiếu nại, biểu tình thế thì đã làm trách nhiệm chưa? “Nghèo khó một tí nhưng lòng dân yên thì mọi việc sẽ thành công", lãnh đạo Chính phủ nêu rõ.

Nhắc lại những lĩnh vực đạt nhiều kỷ lục toàn diện, nhưng theo Thủ tướng, vẫn còn những tồn tại, bất cập như sức chống chịu của nền kinh tế trước tình hình thế giới, khu vực có hạn; việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở nhiều địa phương, nhiều ngành còn chậm; sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn…

“Bệnh quan liêu, xa dân, bệnh tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, đặc biệt là tham nhũng vặt làm mất lòng tin trong nhân dân”, Thủ tướng lưu ý và nêu, tới xã, tới huyện làm giấy tờ có cần phong bì, phong bao không?... Những câu hỏi nhức nhối của người dân như vậy, chúng ta phải khắc phục.

Bên cạnh đó, còn một loạt tệ nạn xã hội khác như tệ nạn học đường, tín dụng đen, xã hội đen... đang hoành hành, cần giải pháp trấn áp mạnh mẽ, kiên quyết…

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2019, phải phát huy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, tìm mọi giải pháp xoá bỏ rào cản, tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng; rà soát lại các thể chế pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo môi trường đầu tư kinh doanh không tham nhũng.

"Phải bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, cán bộ, công chức, viên chức yên tâm cống hiến cho đất nước. Không vì chống tham nhũng mà trì trệ trong hành động", Thủ tướng Chính phủ nói.

Thủ tướng cho hay, ông biết có hai tình trạng trì trệ đang diễn ra hiện nay. Đầu tiên là, những vụ án lớn xảy ra khiến "không ai muốn làm việc". Thực tế này được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nói gần đây. Các sở im lìm hết, giải quyết việc gì cũng chậm, người dân hỏi không biết ai trả lời.

Sự trì trệ thứ hai được Thủ tướng nhắc đến là trong thời gian quy hoạch nhân sự để chuẩn bị Đại hội đảng các cấp, có nhiều cán bộ trẻ tuổi không hành động.

"Tôi muốn phải làm mạnh hơn. Đất nước ta, hệ thống của chúng ta với tinh thần Đảng lãnh đạo mà không giải quyết tích cực phòng, chống tham nhũng thì sẽ gặp khó khăn trong tồn tại. Chủ tịch các tỉnh, Bộ trưởng đều phải lo việc này chứ không phải chỉ nói mà không làm", Thủ tướng nêu rõ.

Hương Giang