Kỳ vọng nhiều nhưng đầu tư gần như bằng không

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, hình ảnh chung của du lịch Việt Nam là “sao” thấp, không có những tour cao cấp. Khách du lịch chủ yếu đại trà, du lịch ba lô, tự phát, có khi chi tiêu 5 - 7 USD/ ngày, mua bánh mỳ, chai nước…

“Nếu coi là đây là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp không khói, tôi thấy hơi lạc quan quá. Các nước thì họ làm rất bài bản”, Bộ trưởng nhấn mạnh và dẫn ví dụ như Thái Lan, mặc dù giá rất thấp nhưng không ai đi Thái Lan mà không mang theo ít nhất 500 - 1.000 USD để mua bán hàng hóa.

“Sang Việt Nam họ chẳng mua được thứ gì, hàng hóa rất ít. Tôi rất băn khoăn. Chúng ta phải tính đến dịch vụ phục vụ nhân dân là yêu cầu cao”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, bộ, ngành nào cũng ủng hộ phát triển du lịch, nhưng đụng đến trách nhiệm, đóng góp, thì các bộ lại thấy có khó khăn.

“Đụng đến visa, Bộ Ngoại giao không ủng hộ, đụng đến vấn đề cảnh sát du lịch, Bộ Công an còn băn khoăn, đụng đến vấn đề đầu tư cho du lịch thì Bộ Tài chính lắc đầu”.

Ông Tuấn nhấn mạnh, nếu đầu tư cho chúng tôi 10 triệu USD (khoảng 220 tỷ đồng) thì chúng tôi có thể thu hút được khoảng 1 triệu khách đến, mang lại 1,1 tỷ USD.

“Chính sách đối với du lịch bất công! Kỳ vọng, đòi hỏi nhiều, cao nhưng đầu tư, chính sách cho du lịch gần như bằng không”, ông Tuấn nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) lưu ý, du lịch không phải là “chuyện ăn xổi ở thì”, những giá trị đó không được bảo tồn thì mất đi rồi, trong khi đến các nước có di tích bảo tồn hàng nghìn năm, hàng trăm năm.

Bán tour, tăng giá vô tội vạ

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Chiến (TP Hà Nội) lưu ý, thời gian gần đây hoạt động kinh doanh du lịch có nhiều vi phạm nghiêm trọng, có hiện tượng người nước ngoài trực tiếp tham gia kinh doanh lữ hành, hướng dẫn khách trái quy định, hướng dẫn xuyên tạc cả văn hóa, lịch sử Việt Nam.

“Sau hơn 10 năm thi hành Luật Du lịch, vẫn còn tình trạng bán tour, hướng dẫn viên không đủ trình độ, không hiểu biết về văn hóa, lịch sử dân tộc, về tín ngưỡng, dẫn đến hướng dẫn tùy tiện”, ông Chiến nói.

ĐBQH Hà Nội còn chỉ ra, hiện chưa có quy chuẩn thống nhất về xếp sao hạng, dẫn đến các địa phương tùy tiện nâng sao để cạnh tranh, khiến khách hàng phải chịu trận khi bị tăng giá vô tội vạ.

“Nên quy định tiêu chí xếp hạng nói chung, và cơ sở lưu trú đạt chuẩn ngoài tiêu chuẩn về cơ sở vật chất phải kèm chất lượng dịch vụ”, ông Chiến nói.

Còn theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh), nếu giữ như dự thảo thì ai cũng có thể mở được doanh nghiệp lữ hành, miễn là có tiền.

Hiện nhiều vấn đề liên quan đến lữ hành chưa xử lý được một cách rốt ráo, hiệu quả, như người nước ngoài núp bóng người Việt Nam để hoạt động du lịch tại Việt Nam, hay tình trạng nhái các thương hiệu đang diễn ra, tạo sự nhầm lẫn lớn.

“Việc quy định các điều kiện để kinh doanh lữ hành phải chặt chẽ hơn, đảm bảo các hoạt động này được kiểm soát vì liên quan đến con người, ngoại giao, an ninh quốc gia”, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị.

Đề nghị thành lập cảnh sát du lịch

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) thì cảnh báo, khi ngành du lịch phát triển mạnh, khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài vào Việt nam tăng lên thì sẽ có 2 mặt.

Theo đó, ngoài mặt cho kinh tế, nhưng mặt khác là các thế lực chống đối cũng tiếp cận nước ta qua con đường du lịch.

"Du lịch chỉ là một phần nhưng đằng sau hoạt động du lịch là các hoạt động âm mưu xấu, lợi dụng hoạt động du lịch để nắm bắt thông tin, tuyên truyền kích động lôi kéo, ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn đất nước", ông Phương lưu ý.

Chính vì vậy, ĐB Phương đề nghị, thành lập lực lượng cảnh sát du lịch và được thiết kế trong luật để đảm bảo an ninh an toàn trật tự cho khách du lịch.

"Điều này vừa để cho khách du lịch đến thấy có cảnh sát ở đó họ yên tâm vấn đề an toàn an ninh trật tự. Thứ 2, với kẻ xấu lợi dụng thông qua đường du lịch có âm mưu chống đối chúng ta thì ít nhất đến khu vực du lịch đấy thấy cảnh sát du lịch thì mọi hoạt động của họ cũng phải dè chừng", ông Phương phân tích.

Cùng quan điểm, theo Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải, đối với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 1 số địa phương có du lịch phát triển đã dự định thành lập cảnh sát du lịch ở 1 số địa bàn trọng điểm về du lịch.

"Nếu thành lập cảnh sát du lịch như Thái Lan sẽ đảm bảo quyền lợi du khách và các tổ chức hoạt động về du lịch và thúc đẩy ngành này phát triển. Quan điểm của tôi là nên thành lập", ông Hải nói.

Ở chiều ngược lại, cũng có ĐB không đồng tình thành lập cảnh sát du lịch. ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) đặt vấn đề, Nhà nước đang thực hiện tinh giản biên chế, Bộ Công an cũng đang thực hiện sáp nhập, thu gọn đầu mối.

"Du lịch Việt Nam cũng chưa phát triển đến mức thành lập lực lượng này. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có nhiều đơn vị quản lý. Nếu thành lập thêm 1 Cục cảnh sát du lịch sẽ kéo thêm 1 bộ máy”, bà Hoa nói và cho rằng, có chăng thì tăng thêm trách nhiệm của lực lượng công an, chứ không nên thành lập riêng bộ máy.

Thảo Nguyên