Sáng ngày 7/8, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của QH tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 14 cho ý kiến về báo cáo giám sát tình hình 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 3/6/2018 của QH khoá XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hoá để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

“Giao tự chủ nhưng không cho tự chủ”

Theo Bộ Y tế, 10 năm qua, ngân sách chi cho y tế “năm sau cao hơn năm trước”, với tổng chi (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ, ODA) ước tính từ hơn 40.181 tỷ đồng năm 2009 tăng lên hơn 101.920 tỷ đồng vào năm 2018. 

Đáng chú ý, Bộ này cho hay, đến nay 100% số đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo các nhóm quy định tại Nghị định 43, Nghị định 16. 

Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội), giám đốc bệnh viện nhiều tỉnh, TP nói “giao tự chủ nhưng không cho tự chủ. Nhà nước giao tự chủ nhưng bó tay bó chân nên rất khó”. 

Ông cho rằng, xã hội hoá mà không cho các cơ chế thì rất tốn kém. Vì vậy, theo ĐBQH đoàn Hà Nội, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về cơ chế tự chủ, xã hội hoá theo hướng mở, chặt chẽ, rõ ràng, khả thi.

“Chính sách không mở thì không có vốn đầu tư, công nghệ không tiên tiến, phải giải quyết vấn đề về vốn”, ông Trí nói.

Chung quan điểm, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, nhiệm vụ của cơ quan lập pháp là làm sao để tạo hành lang pháp lý để bệnh viện, cơ sở y tế yên tâm phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ cho bệnh nhân. 

“Ở đây tôi không nói đến tiêu cực nhưng không vững trong pháp lý thì một ngày đẹp trời nào đó lôi ra thì chúng ta gặp nhau trong tù”, nữ ĐB nêu.

Tại sao không thuê CEO cho bệnh viện?

Theo bà Lan, việc thực hiện xã hội hoá giao quyền tự chủ cho các bệnh viện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như vấn đề tổ chức bộ máy. 

“Tại sao không thuê CEO (giám đốc điều hành) cho bệnh viện? So sánh với bệnh viện tư nhân và bệnh viên Nhà nước thấy, để tìm được 1 ông giám đốc bệnh viện Nhà nước thì rất nhiêu khê về quy hoạch, bỏ phiếu… Sau đó, bệnh viện hoạt động không hiệu quả thì sao? 

Trong khi, bệnh viện tư nhân rất nhanh nhạy, hội đồng quản trị có thể mời bác sỹ về làm, không được thì cho nghỉ việc. Bệnh viện Nhà nước đưa lên đã khó, đưa xuống cũng cực kỳ khó, không thể nào tự nhiên mà cách chức người ta được”, bà Lan dẫn chứng.

Toàn cảnh phiên họp

Cũng theo nữ ĐB, bệnh viện tư nhân có cơ chế bảo vệ bác sỹ tốt hơn bệnh viện Nhà nước như có đội ngũ luật sư… vì bảo vệ bác sỹ chính là bảo vệ thương hiệu của bệnh viện đó. Còn ngành Y tế thì vẫn phải đối phó với những việc như vụ bác sỹ Hoàng Công Lương đã đánh đòn rất mạnh vào tinh thần đội ngũ y bác sỹ. 

“Không có bác sỹ nào khi khám chữa bệnh mà nỡ để bệnh nhân mình chết như vậy cả. Nhưng khi sự việc xảy ra ngoài ý muốn thì tất cả tội lỗi đổ đầu bác sỹ”, bà Lan đề nghị, cần có những đề xuất để bảo vệ nhân viên y tế vì đây là ngành đối diện với rất nhiều rủi ro.

Trả lương cao cho bác sỹ có khi “phải lách bằng nhiều thứ”

Một vấn đề nữa được ĐB đề cập đến là cần tháo gỡ hơn nữa về mặt tài chính, đãi ngộ vì không phải bệnh viện Nhà nước muốn trả cho bác sỹ lương cao bao nhiêu cũng được. Cho nên, để thu hút nhân lực, trả lương cao cho bác sỹ có khi “phải lách bằng nhiều thứ”.

“Các bác sỹ thường nói vui với nhau là chúng ta bị bao vây bởi đủ thứ luật khi tiến hành về mặt tài chính như Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… cuối cùng là Luật Kiểm toán, khi kiểm toán ghé vào thì thôi rồi luôn”, bà Lan kể.

ĐBQH đoàn TP Hồ Chí Minh lưu ý, nhìn xã hội hoá thấy rất dễ dàng vì bằng chứng là kết quả rất tốt đẹp. Song để đạt được kết quả đó thì vô cùng gian nan, ngành Y tế còn đối mặt với  rất nhiều thử thách. 

“Bản chất của xã hội hoá là luôn luôn loay hoay là phải kiểm soát để hoàn thành nhiệm vụ cứu người; đồng thời thực hiện theo cơ chế thị trường để đơn vị nuôi sống được mình, bồi dưỡng được nhân tài, nâng cao chất lượng y tế mà đôi khi hai cái này không song hành với nhau. 

Trong khi, xã hội luôn nhìn với con mắt hết sức xét nét rằng liệu ngành Y tế có chay theo thương mại không? Liệu có phải chỉ người có tiền mới được chữa bệnh có chất lượng hay không?” bà Lan nói.

Một lần nữa, ĐB nhấn mạnh, xã hội hoá là vấn đề lớn, ngành Y tế cần phải xây dựng chính sách để đề xuất với Chính phủ, QH.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, vừa qua, Bộ đã ban hành các thông tư phân cấp, phần quyền cho các bệnh viện. Còn xây dựng nghị định về tự chủ cho các bệnh viện Bộ đã trình nhưng Chính phủ dừng để ban hành nghị định chung về vấn đề này. 

“Chính phủ không muốn mỗi ngành nghị định tự chủ riêng”, bà Tiến lý giải.

Bộ Y tế cũng đề xuất việc cây dựng, hoàn thiện cơ chế tự chủ của các đơn vị trong ngành Y tế về vấn đề tính giá dịch vụ y tế, tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc…

Thực hiện cơ chế tự chủ cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình và đưa tiền lương vào giá dịch vụ đã góp phần tăng mức độ tự chủ về tài chính, gỉam ngân sách Nhà nước cấp trực tiếp cho các bệnh viện.

Theo đó, các bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý đã giảm khoảng 562 tỷ đồng/năm so với trước. Và chỉ tính 26 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên thuộc Bộ Y tế đã giảm số người hưởng lương từ ngân sách là 30.826 người với số tiền chi khoảng 2.900 tỷ đồng/năm

Ở cấp địa phương, qua báo cáo của 55/63 tỉnh, TP, so với năm 2015 - năm trước khi tính tiền lương vào giá dịch vụ, ngân sách cấp cho bệnh viện năm 2018 đã giảm khoảng 8.889 tỷ đồng.Các tỉnh, TP có số giảm nhiều là TP Hồ Chí Minh khoảng 1.248 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 347 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 332 tỷ đồng…

 Hương Giang