Chiều ngày 1/6, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra, QH thảo luận ở tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành D.A thành phần để triển khai D.A Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, QH thảo luận ở tổ nội dung này.

“Tân Sơn Nhất là nỗi ám ảnh của người đi máy bay”

Nêu quan điểm đồng ý với tờ trình của Chính phủ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, từ ngày QH đồng ý chủ trương đầu tư D.A Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đến nay đã 2 năm vẫn chưa có báo cáo khả thi của D.A. Cho nên, phải tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành D.A thành phần để không làm ảnh hưởng đến tiến độ giai đoạn 1.

“Phải nói rằng, chúng ta bỏ lỡ rất nhiều thời cơ. Mấy ngày này thấy Sân bay Tân Sơn Nhất tắc đường, hành khách phải kéo hành lý chạy bộ vì sợ trễ giờ bay mà thấy thê thảm. Chúng ta tính, sau 2025, xong giai đoạn 1, QH đã yêu cầu phải sớm hơn để giải quyết tình trạng quá tải của Sân bay Tân Sơn Nhất. Bây giờ đã quá tải trước mắt chúng ta. Từ Tết trở lại đây, Tân Sơn Nhất là nỗi ám ảnh của người đi máy bay”, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch QH, từ việc chậm trễ triển khai quyết định đầu tư của QH dẫn đến rất nhiều hệ lụy. “Càng chậm thì càng khó khăn, giá càng lên, người dân cũng không yên tâm để ổn định sản xuất, không biết chừng nào phải đi, đi chỗ nào, sống chỗ nào”.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm, việc này để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ của Sân bay Long Thành vì hiện nay Sân bay Tân Sơn Nhất chật quá. “Mấy lần tôi đi công tác tại TP Hồ Chí Minh, đang ngồi trên xe của QH phải vác ba lô hành quân không là tắc”, ông kể.

Cần 23 nghìn tỷ, mới có 5 nghìn tỷ

Liên quan đến kinh phí thực hiện D.A thành phần, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, QH bố trí 5 nghìn tỷ đồng, tương ứng 21,7% yêu cầu cho GPMB D.A Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, theo dự kiến của Chính phủ, để hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần khoảng 23 nghìn tỷ đồng.

“5 nghìn tỷ trong 5 năm, so với con số 23 nghìn tỷ thì không ăn thua gì. Nhưng, trong quá trình quy hoạch làm sân bay, có tính đến khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn và còn nguồn dự phòng đầu tư”, Chủ tịch QH cho rằng, với diện tích thu hồi, kinh phí, cần ban hành nghị quyết riêng.

Ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý, việc đảm bảo tiến độ của D.A Long Thành rất quan trọng nhất là để tránh phát sinh về vốn. “Báo cáo Chính phủ nói rõ nếu kéo dài thêm 2, 3 năm không phải 23.000 tỷ đồng đâu. Chắc chắn phải vượt con số này. Cho nên phải đảm bảo tiến độ, tránh phát sinh kinh phí và kéo dài thời gian”.

Theo Ủy ban Kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện, trong đó, lưu ý tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của D.A; rà soát các nguồn lực cho đầu tư công, kể cả từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 2016 - 2020.

Toàn cảnh QH họp tổ. Ảnh: TN

 

Không phải quyết cho phép tách là thu hồi luôn

“Nếu không làm tái định cư trước thì GPMB xong dân đi đâu? Với khối lượng dân cư lớn như vậy thì việc kiểm kê, thu hồi đất, xác định gốc gác rất khó khăn. Đây là khâu phức tạp nhất trong GPMB. Dù quyết tâm thì 3 năm không dễ gì xong được", đại biểu (ĐB) Lê Minh Thông (Thanh Hóa) nói.

Trong khi đó, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) bày tỏ băn khoăn “không biết có đúng luật không” khi tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành D.A thành phần vì chưa có báo cáo khả thi, chưa có quyết định đầu tư D.A Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

“Giả sử đến 2019 mới trình báo cáo khả thi, lúc đó thấy khả năng không đầu tư được mà mình GPMB rồi thì làm sao?”, ĐB Phương đề nghị, vẫn làm, nhưng với nguồn lực hiện nay thì phải tính toán đến lộ trình phù hợp.

Đồng ý với ĐB Phương, Chủ tịch QH nói tiếp, sau khi QH xem xét, cho phép tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành D.A thành phần, Chính phủ phải lập D.A khả thi. Tháng 10 tới, trình báo cáo khả thi việc thu hồi đất thế nào, chính sách đền bù, GPMB thế nào.

“Chính phủ phải xây dựng báo cáo khả thi của D.A bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình QH vào tháng 10 này. Thấy khả thi, QH mới thông qua, khi đó mới được thu hồi, chứ không phải nay duyệt chủ trương tách mai thu hồi luôn”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị QH giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi D.A thành phần về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4.

“Đề nghị tiếp tục làm rõ nguồn vốn, các cơ chế, chính sách đặc thù để trình QH phê duyệt theo thẩm quyền, có báo cáo đánh giá tác động và hoàn thiện các hồ sơ liên quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời, lưu ý những bài học kinh nghiệm của các D.A quan trọng quốc gia mà QH quyết định chủ trương đầu tư đã hoàn thành”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi 5.614,65ha, gồm 5.000ha đất xây dựng cảng hàng không và 614,65ha đất xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang. Tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất là 4.730 hộ gia đình với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức (bao gồm các tổ chức tôn giáo, trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, trường học, trạm y tế và doanh nghiệp).

Thảo Nguyên