Ngày 21/11, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất 2 phương án về trách nhiệm, phối hợp giữa các cơ quan trong tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh.

Phương án 1, cơ quan soạn thảo luật đồng thời là cơ quan chủ trì tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý cho đến khi dự án luật được QH thông qua

Phương án 2, cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; cơ quan trình phối hợp với cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh lý.

Đến 80% bộ, ngành không muốn tiếp thu ý kiến ĐBQH

Góp ý kiến, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Mai Bộ, ĐBQH đoàn An Giang cho rằng, bản chất tiếp thu, chỉnh lý luật là nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về dự thảo luật.

Trường hợp tiếp thu thì sửa dự thảo luật và thể hiện trong bản dự thảo trình QH thông qua. Nếu không tiếp thu thì đề cập trong bản giải trình.

Từ thực tiễn hoạt động tiếp thu trong thời gian vừa qua, ông Bộ khẳng định: “Có đến 80% các bộ, ngành không muốn tiếp thu”.

“Khi đó, ĐBQH chúng ta sẽ trở thành người đi chợ để trả giá, còn người đưa ra hàng có đồng ý bán hay không lại thuộc quyền của họ. Điều đáng buồn nữa là có lãnh đạo bộ gây sức ép với ĐBQH khi ĐB phát biểu trái với quan điểm của bộ, ngành mình”, ông Bộ nêu thực tế.

Theo ông, luật bất cập, yếu kém 2 nguyên nhân. Trước tiên do con người và một số Uỷ ban không mạnh dạn, kiên quyết trả lại luật không đảm bảo chất lượng.

“ĐB chúng tôi phát hiện ra nhiều luật chất lượng không bảo đảm nhưng khi chúng tôi đề nghị dường như không nhận được sự ủng hộ”, ông Bộ nêu.

Vì thế, theo ĐB đoàn An Giang, nếu chọn phương án 1 thì không nhân danh QH nữa. “QH bị mất quyền kiểm soát hoạt động xây dựng luật”, ông Bộ cảnh báo.

Chung mối băn khoăn, theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (ĐQBH đoàn Đồng Tháp), phương án “đổi vai” sẽ không ổn.

"Cơ quan thẩm tra của QH chỉ đóng vai phản biện và chỉnh lý dự thảo luật dựa trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH. Nếu “đổi vai”, chủ thể là Chính phủ giải trình trước QH không phải là ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH sẽ có những khó khăn nhất định, nhất là khi giải trình ý kiến của ĐB", bà Hoa nhận xét.

“Đổi vai” sẽ là bước lùi trong lịch sử lập pháp

Theo nữ ĐB đoàn Đồng Tháp, không nên đặt ra phương án “đổi vai”. Còn về lâu dài, QH có thể tham khảo kinh nghiệm một số nước là có cơ quan xây dựng pháp luật riêng, gồm các chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo tính chuyên nghiệp trong công tác lập pháp.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội)

Còn trong suy nghĩ của ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội), nếu “đổi vai” sẽ là một bước lùi trong lịch sử của hoạt động lập pháp.

“Nếu theo phương án 1 thì Ủy ban Thường vụ QH và các cơ quan thẩm tra sẽ luôn ở thế bị động, bị động về mặt thời gian, bị động về mặt nội dung”, bà Mai nói.

Nữ ĐB đoàn TP Hà Nội còn đề cập đến “tính cục bộ trong xây dựng pháp luật” - điểm trăn trở của nhiều doanh nghiệp, người dân đối với hệ thống pháp luật.

“Nếu chúng ta vào Google chỉ cần tìm cụm từ "tính cục bộ trong xây dựng pháp luật" sẽ ra hàng trăm bài viết của các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân nói về tình trạng này”, bà Mai phát biểu.

Thậm chí theo bà Mai, có một số trường hợp Chính phủ đã thống nhất quan điểm trình Ủy ban Thường vụ QH nhưng các bộ, ngành vẫn nói ngược lại để bảo vệ lợi ích riêng của ngành mình, bộ mình.

Từ đó, nữ ĐB đoàn TP Hà Nội cho rằng, để khắc phục tình trạng này rất cần một cơ quan độc lập về lợi ích, một cơ quan dân cử để có thể lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, để đưa ra những văn bản mang tính khách quan nhất.

“Xây dựng hệ thống pháp luật là một chặng đường rất gian nan”, bà Mai nói và nhận định, để luật đi vào cuộc sống, không chỉ cần một cơ chế xây dựng đúng, một quy trình đúng, mà yếu tố quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố con người. Vì vậy, bà mong, tăng cường hơn nữa “những con người thực sự có năng lực, công tâm trong hệ thống cơ quan xây dựng pháp luật”.

Hương Giang