Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội (QH) sáng 22-5, các đại biểu (ĐB) ý kiến rất nhiều về vấn đề sửa Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Không ai phản đối đề xuất của Chính phủ nhưng các phân tích đa chiều từ ĐBQH cho thấy nguyên nhân dẫn tới những cuộc ngừng việc tập thể quy mô tới cả trăm ngàn công nhân xảy ra hai tháng trước ở TP.HCM và các tỉnh lân cận không đơn giản chỉ là Điều 60 về hưởng chế độ BHXH một lần.

Còng lưng làm cả đời, lương hưu không đủ sống tằn tiện

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết đã rất khổ tâm khi nói chuyện với một công nhân có tay nghề, từng làm việc liên tục, đóng BHXH 18 năm và sau đó đóng thêm 21 tháng theo chế độ BHXH tự nguyện để đủ điều kiện nhận lương hưu. Thế nhưng mỗi tháng hưu trí chỉ được 943.000 đồng. “Mức lương ấy không đủ để trang trải cuộc sống về già nên họ thà chọn rút chế độ một lần lấy nhiều nhiều làm vốn kinh doanh” - bà kể.

Câu chuyện ở đây rõ ràng có nguồn gốc từ việc doanh nghiệp (DN) lách luật. Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, thừa nhận một tình trạng phổ biến là DN trả lương cho công nhân ở mức khá nhưng kê khai để đóng quỹ BHXH thì họ chỉ đăng ký mức thấp, thậm chí vừa bằng mức lương tối thiểu. Làm vậy để họ giảm bớt nghĩa vụ góp 14% vào quỹ an sinh bắt buộc. Mà tương đương với mức lương tối thiểu, khoảng 1,2-1,5 triệu đồng tùy từng thời kỳ luật định, thì lương hưu dưới 1 triệu đồng như trường hợp nêu trên là dễ hiểu.

Từ thực tiễn ấy, bà Quyết Tâm cho rằng không chỉ sửa Luật BHXH mà tới đây, QH cần quyết tâm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dự án luật tiền lương tối thiểu, mà tốt nhất là ngay trong kỳ họp cuối năm này, Chính phủ cần trình xin ý kiến QH.

Chúng tôi cảm thấy xấu hổ, day dứt

Bàn về trách nhiệm để một luật vừa thông qua năm trước, nay chưa có hiệu lực đã phải sửa, các đại biểu của TP.HCM như bà Võ Thị Dung, ông Trần Hoàng Ngân... đều nói mình thấy xấu hổ, day dứt, có lỗi với cử tri. Thậm chí bà Dung còn cho rằng QH cần cầu thị, nhận lỗi việc này.

Bên cạnh đó, phân tích những nguyên nhân sâu xa làm giảm sức hấp dẫn của chế độ BHXH bắt buộc, ông Bùi Sĩ Lợi, đoàn Thanh Hóa, cho rằng cái “bắt buộc” đó đã không có chế tài đủ mạnh. DN không đóng hoặc lách luật chỉ đóng mức thấp thì chẳng bị phạt, kể cả người lao động không tham gia cũng chẳng sao. Như thế thì quỹ BHXH không thể đủ sức gánh vác trách nhiệm bảo đảm an sinh cho người dân.

Cùng đoàn với ông Lợi, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng cho rằng chế độ BHXH một lần cần phải điều chỉnh. Nhưng tới đây phải có giải pháp để không lặp lại tình trạng như thời những năm đầu 1990, người lao động ồ ạt nghỉ theo chế độ 176, nhận “một cục” vài triệu đồng để rồi bây giờ rất nhiều người không có lương hưu, sống cảnh già khốn khó.

Vẫn còn những băn khoăn...

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH tuy đồng tình giải pháp tạm thời là trước mắt cho người lao động nhận lại số tiền đã góp quỹ BHXH, song cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần cân nhắc.

Theo đó, luật năm 2006 cho phép lấy chế độ “một cục” là do lúc đó chưa có chính sách bảo hiểm thất nghiệp (mới triển khai từ năm 2009), cũng chưa có BHXH tự nguyện (triển khai từ năm 2008).

Còn tại thời điểm này, tuy người lao động không được lấy chế độ một lần khi chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng họ đã có trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp (theo Bộ luật Lao động) và còn được hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, nâng cao trình độ kỹ năng nghề... (theo Luật Việc làm).

Hơn nữa, kinh nghiệm các nước cho thấy việc tham gia quỹ hưu trí là bắt buộc nhằm đảm bảo lợi ích an sinh khi về già. Còn khi vẫn trong độ tuổi lao động thì đều hạn chế tối đa việc rút hưởng bảo hiểm một lần và chỉ áp dụng với trường hợp mắc trọng bệnh, xuất cảnh ra nước ngoài.

Theo N.Nhân - Đ.Minh/PLO