Quốc hội (QH) dành trọn ngày 13/6 để thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.

Nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các vị đại biểu (ĐB) QH, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái cũng giải trình làm rõ thêm về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.

Vì sao chọn mức thuế suất 45%

Theo ông Lê Minh Khái, việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập có nguyên nhân xuất phát từ việc chưa có phương án xử lý đối với tài sản, thu nhập mà cả người kê khai và cơ quan có thẩm quyền đều không có bằng chứng về nguồn gốc hợp pháp của tài sản, thu nhập.

Trong Dự thảo Luật, Chính phủ trình 2 phương án (đánh thuế và xử lý hành chính).

Tổng Thanh tra cho hay, Chính phủ chọn phương án đánh thuế vì khắc phục được vướng mắc về pháp lý không thể tịch thu tài sản, thu nhập khi Nhà nước không thể chứng minh được tài sản, thu nhập đó là do hành vi vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, sẽ nâng cao hiệu quả của việc sử dụng các biện pháp kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập trong PCTN khi chuyển các vụ việc có liên quan đến xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý vào diện được theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra hoặc chuyển sang cho cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm theo quy định của pháp luật.

“Phương án đánh thuế thể hiện được rõ ràng, đây là biện pháp trước mắt và không loại trừ việc xử lý hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người kê khai, nếu cơ quan chức năng có thẩm quyền của Nhà nước chứng minh được tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm mà người giải trình không giải trình được một cách hợp lý có được từ hành vi phạm tội”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Trước băn khoăn mức thuế suất 45%, ông lý giải, theo quy định hiện hành của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân thì mức thuế suất thấp nhất là 0,1% và cao nhất là 20% trong Biểu thuế toàn phần. Có nghĩa là thu nhập vãng lai không phải là thu nhập thường xuyên. Đồng thời, nếu trốn thuế thì mức phạt có thể gấp từ 1 đến 3 lần tiền thuế.

“Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất áp thuế suất ở mức trung bình là 15% cộng với mức phạt bằng 2 lần tiền thuế phải nộp là 30%, như vậy tổng cộng lại là 45%. Đề xuất này cũng được Bộ Tài chính đồng tình ủng hộ”, Tổng Thanh tra giải trình.

Các ĐBQH cơ bản thống nhất với việc cần thiết phải xử lý loại tài sản thu nhập kê khai không trung thực cũng như không giải trình một cách hợp lý về nguồn gốc. Nhưng phương án xử lý còn nhiều ý kiến khác nhau.

Một số ý kiến ĐBQH đề nghị, làm rõ một số khái niệm về tài sản thu nhập bất minh, bất hợp pháp, tài sản thu nhập chưa giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc để có giải pháp xử lý khả thi, phù hợp và đúng quy định của pháp luật.

Tổng Thanh tra nhấn mạnh, sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình làm rõ để hoàn thiện Dự án Luật nhằm có phương án xử lý tài sản thu nhập phù hợp với pháp luật và đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.

Xây dựng cơ quan kiểm soát tài sản không làm phát sinh biên chế

Một vấn đề nữa, theo lãnh đạo TTCP, trên thế giới, tùy theo điều kiện cụ thể ở mỗi quốc gia mà mức độ điều chỉnh đối với khu vực ngoài Nhà nước có khác nhau về biện pháp áp dụng, mức độ ràng buộc và cơ chế phát hiện, xử lý vi phạm.

Dự thảo Luật chỉ quy định áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng như công khai, minh bạch; kiểm soát xung đột lợi ích; trách nhiệm của người đứng đầu, kê khai và kiểm soát tài sản… đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và các tổ chức xã hội mà huy động thường xuyên nguồn lực của nhân dân đóng góp để làm từ thiện.

“Chứ không quy định hết tất cả các giải pháp phòng ngừa, cũng như hết các đơn vị, tổ chức ngoài khu vực Nhà nước”, ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng Thanh tra, Dự thảo Luật chỉ quy định về kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN bắt buộc đối với một số tổ chức xã hội, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng mà không tập trung kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật nói chung.

Liên quan đến cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, ông Lê Minh Khái thông tin, mô hình phân tán hiện hành là một trong những nguyên nhân dẫn việc thực hiện kê khai, minh bạch về tài sản, thu nhập còn hình thức.

Cho nên, Chính phủ đề xuất 2 phương án trình QH và lựa chọn phương án 1, tức là giao Cơ quan Thanh tra Nhà nước thực hiện chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập chuyên trách.

Tổng Thanh tra giải trình, phương án Chính phủ chọn có 3 ưu điểm. Đó là, khắc phục căn bản tính hình thức trong kê khai tài sản, thu nhập; không phát sinh bộ máy mới và biên chế; giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả xác minh tài sản, thu nhập trên cơ sở đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong công tác PCTN, trong hệ thống các Cơ quan Thanh tra Nhà nước và ứng dụng công nghệ thông tin.

Thảo luận tại hội trường và tại tổ, có nhiều ý kiến lựa chọn phương án 2, có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ hơn ưu, nhược điểm của từng phương án, có ý kiến đề xuất thêm phương án thành lập mới cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập trên cơ sở sắp xếp, bố trí lại nhân sự từ các đơn vị chuyên trách về PCTN của TTCP, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an.

“Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu giải trình làm rõ để hoàn thiện nhằm xây dựng hệ thống cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu PCTN nhưng không làm phát sinh tổ chức, biên chế”, Tổng Thanh tra cam kết.

Hương Giang