Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

Chống tham nhũng tốt làm mất động lực ký của chủ đầu tư?

Đề cập đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà mau) đặt vấn đề, năm nào báo cáo cũng nhắc nhưng khắc phục chậm.

“Phải chăng do thắt chặt thủ tục đầu tư, do công khai minh bạch, do kết quả chống tham nhũng thời gian gần đây đạt kết quả tốt làm mất động lực ký của các chủ đầu tư hay chưa thoả thuận được tỷ lệ ăn chia hay còn vì lý do gì khác. Điều này Chính phủ cần làm rõ, không để có dư luận không hay, không tốt trong đầu tư công”, ĐB đoàn Cà Mau phát biểu.

ĐB Nguyễn Quốc Hận cũng nêu vấn đề chậm trễ trong triển khai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

"Tại sao một số tuyến đường khác chưa cấp thiết, xây dựng xong nhưng lượng xe lưu thông không nhiều thì được thực hiện nhanh chóng, trong khi tuyến đường này lúc nào cũng khó khăn, vướng mắc?", ĐB hỏi.

Từ cuối tháng 9, lãnh đạo Chính phủ đã đi thị sát, kiểm tra việc thi công, triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cho hay đã đồng ý bố trí hơn 3.000 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ hai dự án nêu trên.

"Hi vọng sau kỳ họp Quốc hội, với sự quyết liệt của các ngành, các cấp, tuyến cao tốc từ Trung Lương đến Cần Thơ sẽ hoàn thành đúng tiến độ, tiến tới đầu tư tuyến cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau giai đoạn 2021-2025 để đến năm 2025, chúng ta sẽ có tuyến cao tốc hiện đại, thông suốt từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau", ông Hận nói.

Không phải đương nhiên người dân dành dụm tiền lặn lội đi khiếu kiện

ĐB đoàn Cà Mau còn đề cập đến kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Theo ông, thời gian qua, công tác này đã đạt kết quả tích cực, song khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều phức tạp khi vẫn có các đoàn đông người giăng cờ, biểu ngữ kêu oan.

Ông Hận cho biết, cá nhân ông không thống nhất với cách làm này của người dân vì đất nước chúng ta có luật pháp, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo đúng quy trình của pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông cần xem xét thấu đáo trách nhiệm từ 2 phía.

“Không phải đương nhiên mà nhiều hộ dân trong điều kiện khó khăn phải dành dụm tiền của, thời gian, sức lực để lặn lội đến Hà Nội nếu không vì bị chèn ép, vì oan sai mà 1 số cấp chính quyền, cơ quan trong khối tư pháp giải quyết chưa thấu đáo, thậm chí chưa đúng quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Quốc Hận nhấn mạnh.

Từ thực tế, ông Hận đặt một loạt câu hỏi, nếu chúng ta là người trong cuộc thì suy nghĩ gì? Cơ sở địa phương yếu kém thì xử lý thế nào? Hay còn vì 1 lý do nào khác? Có tham nhũng, chia chác lợi ích từ kết quả giải quyết, xét xử hay không? Nếu không tại sao cùng 1 hệ thống pháp luật, cùng 1vụ việc mà mỗi nơi giải quyết 1 kiểu khác nhau?

“Hệ quả này dẫn đến tình trạng mất lòng tin vào các cấp chính quyền, từ đó các vụ khiếu nại, tố cáo ngày một nhiều”, ĐB đoàn Cà Mau cảnh báo và đề nghị Chính phủ đánh giá tình hình này để có các giải pháp hữu hiệu.

Lãng phí lớn giải thích thế nào với cử tri?

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kom Tum) thì nói đến kết quả chống tham nhũng thời gian qua, cho thấy thái độ kiên quyết, không khoan nhượng, không có vùng cấm trong chống tham nhũng.

Song theo ông Tám, chống lãng phí còn nhiều bức xúc, nhiều dự án đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng không mang hiệu quả mà còn đội vốn, kém hiệu quả.

"Cả nước đưa vào khai thác 30.000 dự án đầu tư công nhưng có tới 245 dự án không hiệu quả. Nếu số liệu này là đúng thì đây là lãng phí đáng kể, chúng ta phải suy nghĩ gì và giải thích thế nào với cử tri", ông Tám nêu.

Quản lý sử dụng đất đai cũng xảy ra nhiều thất thoát, lãng phí. Nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra chỉ ra nhiều sai phạm diện tích đất giao cho nhà đầu tư làm lỗ hàng tỷ đồng, thu hồi đất của người dân với giá đền bù bất hợp lý, khiến đời sống chưa được đảm bảo.

"Người dân sống bằng gì khi giải phóng mặt bằng, cần nghĩ quyền lợi của người dân, nếu không giải quyết thoả đáng thì khó phát triển bền vững", ông Tám nói.

ĐB Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) bày tỏ lo ngại về bất cập trong thực thi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan công quyền.

"Có những vụ việc thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, nhưng đến khi vụ việc bị phát hiện, xảy ra sự cố, gây thiệt hại về người, tài sản thì mới vội xử lý. Đây là tình trạng mất bò mới lo làm chuồng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng cơ bản", ông Hiền nói.

ĐB này nêu dẫn chứng như vi phạm của Công ty Alibaba kéo dài trong 3 năm ở nhiều tỉnh thành, lôi kéo và gây thiệt hại cho hàng nghìn người nhưng chỉ khi người dân phản ánh, sự việc vỡ lở thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, xử lý. Hay là vụ cháy ở Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, vụ nước sinh hoạt bị nhiễm dầu bẩn.... làm bộc lộ công tác quản lý có nhiều lỗ hổng, sự tắc trách của Nhà nước, doanh nghiệp.

“Những vụ việc như vậy cần được làm rõ, quy trách nhiệm để xử lý. Cử tri đề nghị, Chính phủ cần có sự chấn chỉnh, khắc phục kịp thời”, ĐB Hiền nhấn mạnh.

Hương Giang