Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà chiều ngày 4/6, Đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng đặt vấn đề, vi phạm trật tự xây dựng khá phổ biến. Trách nhiệm của Bộ trưởng và các giải pháp thế nào?

Ông Hồng cũng đề nghị Bộ trưởng có cam kết trách nhiệm trong phối hợp với TP Hà Nội để xử lý dứt điểm sai phạm tại toà nhà 8B Lê Trực và khu HH Linh Đàm.

Trả lời, theo Bộ trưởng Xây dựng, pháp luật để xử lý những vi phạm trật tự xây dựng tương đối đầy đủ. Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều cố gắng để kiểm soát, xử lý, hạn chế vi phạm.

“Trên thực tế đã có chuyển biến theo chiều hướng các vi phạm trật tự xây dựng ngày càng giảm dần, nhất là hành vi xây dựng không phép, sai phép”, Bộ trưởng nói.

Tư lệnh ngành Xây dựng dẫn chứng, năm 2016, số công trình vi phạm 15,5 nghìn công trình, trong đó, công trình không phép là hơn 7 nghìn, sai phép hơn 5 nghìn công trình. Đến năm 2018 thì công trình vi phạm giảm xuống hơn 10 nghìn, trong đó, không phép là hơn 3 nghìn công trình, sai phép hơn 5 nghìn…

“Chúng tôi thấy rằng, tình hình vi phạm trật tư xây dựng có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Đây cũng là vấn đề gây ra lệch lạc trong hoạt động xây dựng, gây ra bức xúc trong nhân dân”, Bộ trưởng nói và cho rằng, quy định quản lý còn một số nội dung bất cập, nhất là quy trình xử lý vi phạm phức tạp, thiếu khả thi và chưa đồng bộ.

Đề cập nguyên nhân, theo Bộ trưởng, là do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức về công tác quản lý trật tư xây dựng; mô hình thanh tra đô thị thì chưa hợp lý, chưa thực sự gắn kết với chính quyền địa phương; lực lượng thanh tra còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu…

“Nhiều trường hợp chậm phát hiện hoặc phát hiện nhưng xử lý không kịp thời, không cương quyết, không triệt để”, ông Hà nói.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành của doanh nghiệp, người dân chưa tốt. Nhiều trường hợp bị phát hiện, nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Về giải pháp, ông Hà nói, ngoài tiếp tục hoàn thiện pháp luật, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất mô hình tổ chức thanh tra xây dựng đô thị phù hợp hơn. Cụ thể, Thủ tướng đã đồng ý thực hiện thí điểm mô hình đội quản lý trật tự xây dựng cấp phường để gắn chặt hơn với chính quyền. Sau khi thí điểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ sẽ đánh giá, tổng kết và có đề xuất nhân rộng.

 Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà

Liên quan đến việc xử lý công trình 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm, Bộ trưởng cho rằng, cả 2 vụ việc này thuộc trách nhiệm xử lý của Hà Nội.

“Với 8B Lê Trực, chúng tôi được biết, hiện nay Hà Nội đang thực hiện cưỡng chế, phá dỡ phần vi phạm theo giấy phép. Nhưng có vấn đề, khi cưỡng chế, phá dỡ theo chiều ngang thì làm rồi, nhưng phần theo chiều dọc thì có liên quan đến kết cấu và tính khả năng chịu lực của công trình.

Bộ Xây dựng sẵn sàng phối hợp với Hà Nội sử dụng các đơn vị của Bộ để giúp Hà Nội nếu Hà Nội có yêu cầu để đánh giá chính xác và đưa ra phương án xử lý. Còn HH Linh Đàm là vi phạm đã có rồi thì trách nhiệm xử lý là của Hà Nội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chưa hài lòng, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tranh luận lại.

“Tôi thấy sự lúng túng của Bộ rất rõ. Thứ nhất khi nói về tòa nhà 8B Lê Trực, Bộ trưởng có nói nếu Hà Nội yêu cầu thì Bộ Xây dựng mới phối hợp, như vậy không đúng với vị trí của một Bộ quản lý nhà nước, giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước.

Còn vụ chung cư HH Linh Đàm, Bộ trưởng trả lời đã có sai phạm rồi phải xử lý. Vấn đề đặt ra, cử tri muốn biết bao giờ xử lý được sai phạm này”, ông Hồng cho rằng, trả lời của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà mới thấy trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương.

Cũng theo ĐB,  trong thảo luận ở tổ, có nhiều vị ĐBQH là lãnh đạo địa phương phản ánh bây giờ, các Bộ tham mưu cho Chính phủ giải quyết những vấn đề khó khăn của địa phương hầu như rất yếu.

“Có khó mới hỏi các Bộ, nhưng các Bộ cứ trích dẫn văn bản, điều này thậm chí còn gây khó khăn hơn cho địa phương. Câu hỏi mà Bộ trưởng trả lời tôi thấy có lẽ phải tầm Chính phủ. Tôi đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời với cử tri cam kết việc xử lý sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực và HH Linh Đàm”, ĐB Hồng phát biểu.

Giải thích sau đó, ông Phạm Hồng Hà cho biết, từ tháng 8/2017, Bộ đã có văn bản đôn đốc Hà Nội thực hiện biện pháp và khắc phục hậu quả sai phạm của dự án, đảm bảo kết cấu chịu lực và an toàn cho người dân. Bộ cũng đã giao Cục Giám định nhà nước cùng với Sở Xây dựng đánh giá kết cấu chịu lực.

"Chúng tôi luôn chủ động phối hợp với Hà Nội để giải quyết. Nếu Hà Nội tiếp tục có yêu cầu gì thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ", ông Bộ trưởng nhấn mạnh

Hương Giang