Theo ĐBQH đoàn Thái Bình, cuộc họp này có với sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Thường trực Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của QH, các bộ, ban, ngành có liên quan.

"Cũng như các luật khác với luật này thấy còn nhiều ý kiến của cử tri, dư luận nên QH tổ chức cuộc họp mời Chính phủ, đại diện các cơ quan rộng hơn để xem xét, tiếp thu các ý kiến và chỉnh lý lại cho phù hợp", ông Bùi Văn Xuyền nói.

Không nhà đầu tư nào độc quyền “thâu tóm” đặc khu

+ Trao đổi với báo chí hôm qua (7/6), Thủ tướng có đề cập đến việc xem xét giảm thời hạn thuê đất ở đặc khu từ 99 năm xuống một cách hợp lý, thưa ông?

- Với Luật Đặc khu, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, cử tri phản ánh mà QH chấp nhận hạ xuống thì như Luật Đất đai là thời hạn thuê đất 70 năm.

+ Nếu giảm thời hạn thuê đất ở đặc khu xuống thì những dự án có niên hạn dài, vốn đầu tư lớn như cảng biển, sân bay thì sẽ xử lý như thế nào thưa ông?

- Chúng ta cho thuê đất thời hạn bao lâu tùy thuộc từng dự án, nếu hết thời hạn, người sử dụng đất vẫn có nhu cầu, vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chấp hành tốt các quy định, nghĩa vụ với Nhà nước thì họ vẫn được tiếp tục sử dụng bình thường.

+ Hôm qua, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, sẽ không có nhà đầu tư của một quốc gia nào có thể độc quyền đầu tư vào đặc khu. Theo ông cần quy định như thế nào để bảo đảm điều này?

- Quy hoạch là quan trọng nhất, từ đó mới ra được diện tích giao đất là bao nhiêu, có những nhà đầu tư nào vào và làm gì ở đấy.

Cơ bản là không có một dự án tổng thể nào để một nhà đầu tư mua toàn bộ đặc khu đó được. Vấn đề là thực hiện theo quy hoạch, chỗ nào làm cảng biển, sân bay, chỗ nào làm dịch vụ nghỉ dưỡng…

Chúng ta thực hiện quản lý chủ quyền ở đó, chứ không phải nhà đầu tư nào muốn vào làm gì ở đây cũng được. Bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều luật khác ràng buộc ở đây nữa, nên mọi người cứ yên tâm, không phải sợ việc đó.

Môi trường đầu tư thông thoáng là quan trọng nhất

+ Một trong những lợi thế của đặc khu là thời gian giao đất, nếu giảm thì đặc khu còn những điểm gì nổi trội?

- Đó là, ưu đãi về giá tiền thuê đất, chính sách về thuế, đặc biệt nhất là cơ chế thông thoáng, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; cơ chế tư pháp nhanh gọn đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và phù hợp thông lệ quốc tế.

Chính phủ cũng xác định môi trường đầu tư là quan trọng nhất, còn ưu đãi về thuế, đất thì với nhà đầu tư chiến lược họ không quá quan tâm.

Điều mà họ quan tâm là môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, nhanh gọn để phục vụ sản xuất kinh doanh và khi có tranh chấp dân sự, tranh chấp kinh tế thì giải quyết nhanh gọn đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp luật pháp quốc tế.

+ So với các đặc khu đã thành công trong khu vực thì đặc khu của Việt Nam có yếu tố nào đủ sức cạnh tranh để thành công?

- Trước mắt các cơ chế chính sách trong luật cũng bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay. Còn quá trình làm, QH và Chính phủ cũng xác định phải sửa đổi luật cho phù hợp từng giai đoạn.

Kinh nghiệm các nước cũng phải sửa luật, như Hàn Quốc trong 10 năm sửa 6 lần. Nếu nói cứ yên trí thực hiện luật lâu dài là không phải vì nhiều vấn đề thay đổi đòi hỏi quản lý cũng thay đổi cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển chung.

Nên sớm thông qua

+ Xung quanh Dự án Luật Đặc khu đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo ông, tại kỳ họp này, có nên thông qua luật này?

- Quan điểm cá nhân của tôi là nên thông qua Dự án Luật trong kỳ họp này. Một đạo luật thường một kỳ cho ý kiến, một kỳ thông qua, với các luật phức tạp có nhiều ý kiến khác nhau mới giữ lại.

Dự án Luật Đặc khu dù phức tạp, có nhiều ý kiến nhưng các cơ quan soạn thảo đã làm rất kỹ và thực tế chưa có luật nào làm công phu như thế, tất cả các bộ, ngành của Chính phủ đều vào cuộc.

Tại kỳ họp thứ 4, khi đưa ra thảo luận, các ĐBQH đều ủng hộ rất cao. Sau kỳ họp đó, Ủy ban Pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo - PV) đã họp với nhau nhiều lần để chỉnh sửa, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học...

Việc chỉnh sửa rất nhiều, rất gọn đến nay tôi cho rằng được rồi. Đây là luật mới, sau này khi tổ chức thực hiện như thế nào mới có thể nói được. Còn bây giờ ngồi đây nói tròn trĩnh như thế này, thế kia thì rất khó, tất nhiên phải rất cẩn trọng.

Chỗ nào có ý kiến của ĐBQH, cử tri nêu thấy cần phải chỉnh sửa, chặt chẽ, tránh hậu quả sau này thì phải sửa. Tuy nhiên, có những vấn đề chưa mường tượng hết được nên phải tổ chức thực hiện đã, sau có phát sinh gì thì luật do QH ban hành nên QH có thể chỉnh sửa.

Tôi đồng tình và cố gắng ban hành càng sớm càng tốt.

+ Xin cảm ơn ông!

Hương Giang