Lo hiệu ứng “té nước theo mưa”, loạt mặt hàng tăng giá

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị, Chính phủ “sớm công bố kết luận thanh tra, có đúng trình tự, quy định không, nếu sai thì xử lý ra sao”.

Nữ ĐB cũng lo ngại việc tăng giá điện dễ tạo hiệu ứng “té nước theo mưa”, các mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh sẽ đồng loạt tăng giá gây bức xúc cho nhân dân.

Vì vậy, theo bà Phúc, Chính phủ cần quản lý chặt chẽ, giám sát hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp, đề phòng những yếu tố bất thường của thị trường.

ĐB theo Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho hay, cử tri muốn phải đánh giá cụ thể hơn và có dự báo thời gian tới việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.

Theo ông, việc tăng giá điện, giá xăng sẽ làm tăng kinh phí đầu vào của các đơn vị sản xuất kinh doanh, đương nhiên chi phí này được tính vào giá thành sản phẩm. Từ đó, hàng hóa trong nước sẽ tăng giá, giảm sức cạnh tranh và giảm sức mua của người dân.

ĐB Cà Mau cũng cho rằng, trong khi lương không tăng mà hàng loạt các chi phí thiết yếu như điện, xăng, học phí đều tăng sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

“Để công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, kiến nghị Quốc hội đưa vào kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh mặt hàng này”, ông Hận nói.

Giá điện “tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi”

Chung mối quan tâm, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu quan điểm, từ thuở khai sinh ra ngành điện nước nhà, giá điện luôn luôn tuân theo một quy trình bất biến là “tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi”.

Theo ông, người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều họ cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý. Tuy nhiên, kỳ tăng giá điện vừa qua mập mờ, cần làm sáng tỏ; có hay không giá điện chỉ tăng bình quân 8,36% như doanh nghiệp công bố.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận). Ảnh: QH

“Người dân ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện nhưng phải phù hợp với thực tiễn chứ không phải tiết kiệm bằng mọi giá. Không phải ngẫu nhiên mà EVN lấy thời điểm chuyển mùa để bắt đầu tăng giá điện, vì cứ tăng rồi đổ cho thời tiết là hợp lý nhất và đỡ phải giải thích nhiều”, ông Cương nói.

ĐB Đoàn Ninh Thuận cho rằng, EVN giải thích giá điện của Việt Nam thấp so với các nước nhưng đó là so sánh đầu ra mà không so sánh đầu vào. Hơn nữa, ở một số nước do nắng nóng thì họ quyết định giảm giá điện cho người dân đỡ khó khăn thì lại chẳng thấy ai so sánh cả.

“Cứ rao giảng rằng tăng giá điện các bên đều được lợi nhưng thực tế người tiêu dùng lợi đâu chẳng thấy”, ông Cương đề nghị, sớm công bố kết luận thanh tra về giá điện để thấy bức tranh đầy đủ của EVN.

Từ ngày 20/3, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,36%. Báo cáo gửi Quốc hội giải trình về điều hành giá điện, Chính phủ khẳng định, việc tăng giá mặt hàng này được xem xét điều chỉnh theo đúng quy định.

Tuy nhiên, việc giá điện tăng nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 24/5, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh, kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, thu tiền điện của EVN.

Dự kiến trong 35 ngày, Đoàn Thanh tra sẽ kiểm tra, xác minh toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện từ ngày 20/3 và phương pháp tính giá, thu tiền điện...

Hương Giang