Lấy 1 phải trồng rừng thay thế từ 2 - 3 lần

Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) lần này quy định, tổ chức, cá nhân, chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng phải trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác bằng diện tích bị chuyển mục đích sử dụng rừng đối với rừng trồng, bằng 2 đến 3 lần đối với rừng tự nhiên.

Trong trường hợp không tự trồng rừng thay thế thì nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng với giá trị diện tích rừng phải trồng thay thế theo quy định để cấp tỉnh tổ chức trồng thay thế. Nếu tỉnh không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất để trồng rừng thay thế thì phải chuyển tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế ở địa phương khác.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đặt vấn đề, quy định này có khả thi không? Còn đất để tăng trồng rừng lên gấp 2-3 lần sau khi chuyển đổi không? Đồng thời, đề nghị rà soát để tránh mâu thuẫn giữa luật này với Luật Đất đai.

“Tôi rất băn khoăn là làm sao chúng ta giữ được rừng trong thời gian tới. Đây là vấn đề lớn và những sạt lở, lũ lụt gần như đều có hệ quả tác động của việc rừng đang giảm”, ông Phan Thanh Bình nêu ý kiến.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cũng cho biết, rừng là tài nguyên quan trọng của quốc gia. Do vậy đối với những dự án chuyển đổi diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ quy mô lớn cần phải có sự quyết định chủ trương của Quốc hội.

Việc giao thẩm quyền này cũng phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án quan trọng quốc gia và tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia quy định tại Luật Đầu tư công; thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo Luật Đất đai.

Theo đó, Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển từ 500ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000ha trở lên.

Chỉ nên thành lập ở một số tỉnh đặc thù

Cho ý kiến dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về nội dung lực lượng Kiểm ngư. Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn dự luật này, đại biểu Quốc hội thống nhất có Kiểm ngư Trung ương. Nhưng Kiểm ngư cấp tỉnh còn có ý kiến khác nhau.

Cụ thể, Chính phủ trình cho phép thành lập Kiểm ngư tại tất cả 28 tỉnh, TP ven biển; ý kiến thứ 2 đề xuất chỉ thành lập Kiểm ngư ở một số tỉnh, TP ven biển có tính đặc thù.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nêu quan điểm, việc tổ chức lực lượng Kiểm ngư ở tỉnh, TP ven biển là cần thiết. Nhưng thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - cơ quan thẩm tra dự án luật nghiêng về phương án là chỉ thành lập Kiểm ngư ở các tỉnh, TP có tính đặc thù, đáp ứng đủ tiêu chí để bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm được nguồn lực và kinh phí. 

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ băn khoăn, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Kiểm ngư được quy định tại Nghị định 102. Hiện Ban soạn thảo chưa sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị định này để thấy được lực lượng Kiểm ngư đã hoạt động ra sao từ khi được thành lập. Từ đó, để thấy được căn cứ đưa nội dung lực lượng Kiểm ngư vào dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga lưu ý thêm, Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng bảo đảm thực thi pháp luật thủy sản của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên trên vùng biển Việt Nam. Vì vậy, cần có đánh giá thực trạng hoạt động của lực lượng này trong thời gian qua. 

Kết luận phiên thảo luận, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ban Soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. Riêng về lực lượng Kiểm ngư, Ban Soạn thảo cần phải tính toán hợp lý trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị định 102.

Vi phạm đánh bắt thủy sản trên biển diễn ra phức tạp

Lực lượng Kiểm ngư Trung ương đang được tổ chức thành các vùng (Vịnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Nam bộ, Tây Nam bộ), hoạt động bảo đảm việc thực thi pháp luật về thủy sản và bảo vệ chủ quyền ở vùng khơi (vùng lộng và ven bờ do thanh tra chuyên ngành về bảo vệ nguồn lợi thủy sản đảm nhiệm).

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, vi phạm về đánh bắt thủy sản ở vùng lộng và ven bờ đang diễn ra hết sức phức tạp. Nhiều hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, trong khi đó công tác thanh tra ở vùng lộng và ven bờ kém hiệu quả do lực lượng thanh tra không có công cụ hỗ trợ; phương tiện, thiết bị kém, đặc biệt là trình tự thủ tục phải thực hiện theo pháp luật về thanh tra, không phù hợp với các hoạt động trên biển để xử lý những tình huống khẩn cấp.

Mặt khác, yêu cầu của quốc tế, đặc biệt là EU (thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam) đòi hỏi Việt Nam phải có hệ thống, bộ máy thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật về khai thác thủy sản trên biển đủ mạnh để ngăn chặn được các hành vi đánh bắt bất hợp pháp.

 


Thảo Nguyên