Tăng cường quản lý, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ người làm báo

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nêu rõ: Việc quy hoạch báo chí là một trong nhiệm vụ trong 10 nhiệm vụ mà Điều 17 của Luật Báo chí đã quy định. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước về báo chí. Việc thực hiện quy hoạch báo chí là một thách thức lớn của Bộ Thông tin-Truyền thông đối với nhiệm vụ của Chính phủ giao.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Báo chí có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cho người dân, báo chí cùng với ngành văn hóa, thể thao và du lịch là một kênh rất quan trọng cung cấp hưởng thụ về văn hóa cho người dân. Báo chí có vai trò phổ biến pháp luật, tuyên truyền công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch báo chí trong tình hình số lượng lớn, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ triển khai quy hoạch này với tinh thần làm cho báo chí sắp xếp lại, tổ chức lại theo mô hình để để báo chí đủ số lượng, đặc biệt nâng cao chất lượng. Về báo in theo mô hình một cơ quan có nhiều sản phẩm báo, theo hướng giảm tỷ lệ mất cân đối hưởng thụ báo in giữa thành thị và nông thôn vùng sâu, vùng xa…

Phấn đấu đến năm 2020, các các cơ quan báo chí phải tự hoạch toán, Nhà nước đặt hàng và hỗ trợ đặt hàng những ấn phẩm phục vụ vùng sâu, vùng xa, tuyên truyền thiết yếu của Đảng và Nhà nước… Các cơ quan phát thanh truyền hình tổ chức lại theo hướng hiện đại, tự sản xuất chương trình, hạn chế việc phát các chương trình truyền hình, phim nước ngoài. Báo điện tử trở thành một loại hình báo chí chủ lực của truyền thông đa phương tiện sắp tới. Với tinh thần đó, Bộ Thông tin-Truyền thông đã xây dựng xong quy hoạch báo chí và đã trình Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) về ngăn chặn xu hướng báo chí không lành mạnh, báo lá cải, Bộ trưởng nêu rõ: như luật Báo chí quy định, hiện Việt Nam không có báo lá cải. Song trên thực tế, một số cơ quan báo, một số tờ báo có lúc, có nơi không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích dẫn đến vi phạm. Đây là biểu hiện của khuynh hướng báo lá cải ở Việt Nam.

Việc này cần phải được ngăn chặn và chấm dứt trong đời sống xã hội của Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin-Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chủ quản kiểm tra, xử lý kịp thời và ngăn chặn các sai phạm này. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp để phóng viên báo chí là lực lượng xung kích; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản và người lãnh đạo các cơ quan báo chí phải duy trì tốt quy trình làm báo... để hạn chế, ngăn chặn các sai phạm.

Chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng sim rác

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) về việc quản lý thuê bao di động trả trước, ngăn chặn tình trạng sim rác hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thừa nhận hiện tượng của đại biểu đúng, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng: tin nhắn rác, quảng cáo rác, tin độc hại trên mạng Internet… Bộ trưởng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng Bộ Thông tin-Truyền thông cần xử lý.

Bộ trưởng cho biết bốn năm qua, Bộ Thông tin và truyền thông đã ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh, tăng hiệu quả quản lý Nhà nước đối với sim rác: năm 2012, Bộ đã ban hành Thông tư 04 quy định về quản lý thuê bao di động trả trước, Thông tư số 14 quy định giá cước dịch vụ thông tin di động.

Theo số liệu thống kê, thời điểm tháng 12/2012, cả nước có 131 triệu thuê bao. Triển khai 2 thông tư trên, đến tháng Chín năm nay, thống kê lại còn 117 triệu thuê bao, giảm 14 triệu thuê bao.

Hiện nay, tình trạng sim rác vẫn còn trên thị trường.Thời gian qua, Thanh tra Bộ phối hợp với các sở và cơ quan Công an đã tiến hành kiểm việc đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước, phát hiện vi phạm và thu hồi 28.815 sim thuê bao vi phạm; thông tin lại cho chủ thuê bao đăng ký lại thông tin đối với 5,5 triệu thuê bao không đúng theo quy định của Thông tư 04. Bộ đã xử lý hành chính của các nhà mạng, đại lý bán. Trong thời gian tới, thực hiện quy định mới về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, Bộ sẽ tăng cường hơn nữa việc xử lý các sai phạm.

Về các giải pháp, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả thông tư trên, đặc biệt là Thông tư 04 để bổ sung kịp thời các chế tài cần thiết để quản lý sim rác, ngăn chặn việc các đối tượng sử dụng sim rác để gây hại cho xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc, tăng cường quản lý các nhà mạng, đại lý bán sim thẻ trên địa bàn. Bộ sẽ tiếp tục chấn chỉnh các doanh nghiệp cung cấp trực tiếp các hoạt động này trên địa bàn; đẩy mạnh công tác truyền thông xã hội để mọi người dân thấy được trách nhiệm mua sim đúng quy định để tự bảo vệ mình và xã hội…
 
Siết chặt quản lý game online

Trả lời các câu hỏi của các đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Huỳnh Thành (Gia Lai), Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) liên quan đến công tác quản lý game online, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, về mặt tích cực, game là loại hình giải trí, người chơi với thời gian phù hợp sẽ có tác dụng tuyên truyền về lịch sử văn hóa, kích thích sử dụng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, game cũng tác hai như đại biểu nêu, gây nên nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 72, trong đó có một Chương riêng với 8 Điều quy định về việc quản lý game.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tuyên truyền để thực hiện tốt Nghị định 72; xây dựng chế độ khuyến khích sản xuất game trong nước phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân; tăng cường phối hợp với các Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Công an và Ngân hàng để siết chặt quản lý game.

Bộ trưởng cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc quản lý chặt chẽ các điểm chơi game theo đúng Nghị định 72; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên thấy được tác hại của game để thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Làm rõ hơn một số vấn đề về các dự án Luật liên quan đến lĩnh vực thông tin-truyền thông

Tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã làm rõ thêm những nội dung liên quan đến việc sửa đổi Luật báo chí; Dự án Luật an toàn thông tin số và Luật tiếp cận thông tin.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ: theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, các dự án luật trong chương trình chuẩn bị cũng được chuẩn bị như các dự án luật trong chương trình chính thức. Vì vậy, đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông nghiên cứu trình ra Quốc hội, nhất là sau khi Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Luật an toàn thông tin số đã có trong nội dung chương trình chuẩn bị của khóa XIII. Đầu năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có hồ sơ trình lên Chính phủ đưa vào chương trình năm 2014. Hội đồng liên ngành cũng đã xem xét và báo cáo Quốc hội dự án luật đã được chuẩn bị công phu. Chính phủ đã có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình của Quốc hội năm 2014.

Tuy nhiên qua xem xét của Quốc hội, 2014 sau khi sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội tập trung vào các luật về tổ chức bộ máy và các dự án luật về thể chế kinh tế nên chưa đưa vào chương trình chính thức. Đây là dự án Luật quan trọng nên đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chuẩn bị hoàn thiện để báo cáo Chính phủ trong năm 2014. Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 và thông qua vào kỳ họp thứ 9 vào năm 2015.

Trả lời về lý do dự án luật tiếp cận thông tin rút ra khỏi chương trình, Bộ trưởng cho biết quyền được thông tin là quyền được hiến định của công dân, được quy định tại Điều 69 Hiến pháp hiện hành. Theo chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ khóa XII, Quốc hội đã đưa vào chương trình. Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chuẩn bị dự án luật từ năm 2007 đến 2009, đã trình thường trực Chính phủ.

Luật có 3 nội dung: phạm vi của nội dung được tiếp cận; trách nhiệm của cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cho nhân dân; trình tự thủ tục, hình thức để bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của nhân dân. Các cơ quan có thẩm quyền cho rằng đây là dự án luật quan trọng về quyền của người dân được quy định trong Hiến pháp, tuy nhiên, cũng đề cập đến một số nội dung quan trọng, phức tạp, đòi hỏi tính khả thi cao, giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, xem xét trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại thời điểm thích hợp.

Dự án Luật tiếp cận thông tin đã được đưa vào chương trình chuẩn bị của nhiệm kỳ khóa XIII. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, trong đó có Bộ Thông tin và Truyền thông đang tích cực chuẩn bị.

Giải quyết thấu đáo các vấn đề lĩnh vực thông tin-truyền thông

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi trúng vấn đề thuộc lĩnhvực thông tin tuyền thông, nêu những mặt thuận, khó khăn, những tác động tích cực, tiêu cực đến xã hội, đòi hỏi Bộ trưởng cần có giải pháp quyết liệt để phát huy mặt tích cực, hạn chế tiêu cực trên các lĩnh vực.

Bộ trưởng đã giải quyết thấu đáo các vấn đề, có vấn đề đã, đang sẽ giải quyết. Bộ trưởng cũng đã cam kết với Quốc hội phối hợp thúc đẩy hoạt động thông tin tuyên truyền của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân; thúc đẩy hoạt động thông tin đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của người dân. Đồng thời, Bộ trưởng tích cực, cố gắng cam kết thúc đẩy các mặt công tác quản lý nhà nước làm tốt công tác, hạn chế, từng bước đẩy lùi các mặt tiêu cực. Phiên chất vấn đối với lĩnh vực quan trọng này đã thành công.

Đánh giá cao vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí thông tin truyền thông, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông quan tâm xây dựng đội ngũ báo chí mạnh, chú trọng đào tạo đội ngũ làm báo, hoàn thiện, trang bị cho người làm báo đủ kiến thức, trình độ; nâng cao trách nhiệm của phóng viên báo chí, Ban Biên tập, cơ quan chủ quản báo chí, chủ động đấu tranh với những thông tin tiêu cực, sai trái. Qua đó, làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền tạo nhân tố tích cực, phát triển, đồng thuận, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Bộ Thông tin-Truyền thông cần có đánh giá đầy đủ những mặt hạn chế, mặt trái của thông tin ngoài luồng, thông tin không nằm trong phạm vi quản lý để có biện pháp khắc phục, bảo vệ an ninh, an toàn thông tin để nền thông tin quốc gia lành mạnh.

Bộ quy hoạch và phát triển hệ thống thông tin bảo đảm về cơ sở vật chất Bộ triển khai các giải pháp quản lý thúc đẩy phát triển thị trường viễn thông tự do trong khuôn khổ pháp luật, lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng trong thị trường trong nước và tham gia vào thị trường quốc tế.

Trong sáng nay, Chánh án Tòa án Nhân tối cao Trương Hòa Bình tiếp tục phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

(TTXVN)