Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước biểu dương sự nỗ lực và những kết quả, thành tích mà Liên đoàn và đội ngũ luật sư nước nhà đã đạt được trong thời gian qua.

Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, với việc ban hành Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 và sau này là Pháp lệnh Luật sư năm 2001, đặc biệt là sau khi Quốc hội ban hành Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Luật Luật sư năm 2006, tổ chức, hoạt động và đội ngũ luật sư đã có bước phát triển quan trọng, đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội. Từ chỗ chỉ có 186 luật sư vào năm 1989, đến thời điểm Liên đoàn Luật sư thành lập  năm 2009 đã có 5.300 luật sư. Đến nay, cả nước đã có hơn 12.000 luật sư.

Liên đoàn đã thể hiện tốt vị trí, vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ luật sư cả nước tích cực tham gia bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ luật sư. 

Chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, rà soát thủ tục hành chính theo yêu cầu của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính; tích cực tham gia trợ giúp pháp lý tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. 

Đặc biệt, Liên đoàn đã có nhiều đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc bằng việc kịp thời ra 04 bản Tuyên bố về bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước ở Biển Đông.

Năm 2018 là năm thứ ba, năm bản lề có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội về phát triền kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh... Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị, thời gian tới, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển nghề luật sư đến năm 2020, Đề án Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế 2010-2020.

Đồng thời triển khai nghiên cứu “xây dựng cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư” theo sự phân công của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. 

Cùng với đó cần phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội. Tăng cường giám sát các hoạt động hành nghề, đồng thời kịp thời uốn nắn những sai sót của luật sư trong hoạt động hành nghề, kiên quyết xử lý các luật sư vi phạm pháp luật và vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư.

                                                                                         Nguyễn Điểm