Chiều ngày 30/10, tại nghị trường QH, chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm, ĐB Nguyễn Quang Tuấn đề cập đến, vụ người thợ điện đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng.

“Công an TP Cần Thơ, nhân dịp một doanh nghiệp mua 100 USD không được phép đã khám nhà tịch thu tài sản được cho là không có nguồn gốc. Có đúng luật pháp hay sai?”, ông Nguyễn Quang Tuấn hỏi.

Trả lời, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, 30/1/2018, Công an TP Cần Thơ đã bắt quả tang ông Lê Hồng Lực (chủ tiệm vàng Thảo Lực) với hành vi là thu mua 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Từ căn cứ trên Công an TP Cần Thơ đã tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tại nhà ông Lực. Qua khám xét đã tạm giữ trên 1.000 sản phẩm kim loại màu vàng, màu trắng...

“Ông Lực không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm trên. Công an TP Cần Thơ đã có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm hành chính và UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt hành chính”, Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn

Theo Thượng tướng Tô Lâm, hiện công ty của gia đình ông Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính và không có khiếu nại hay khởi kiện gì với quyết định của UBND TP Cần Thơ.

Ngay sau phát biểu của Bộ trưởng Công an, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, vụ việc này gây bức xúc trong dư luận xã hội.

“Mặc dù có quy định trong nghị định, nhưng tính chất của một người đi đổi 100 USD chứ không phải kinh doanh ngoại tệ. Có vi phạm nhưng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải xem xét sửa đổi quy định này”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Chủ tịch QH nêu rõ, việc khám xét nhà phải đúng luật và phải thực hiện đúng thời gian.

“Phạt hành chính 6-9 tháng sau (kể từ thời điểm sau khám xét) mới ra quyết định”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Bộ trưởng Bộ Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo thực hiện đúng pháp luật. Còn quy định chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ.

Xử lý cán bộ sai phạm kiểu “tặng quà”

Trình bày trước QH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, từ tháng 7 đến nay, tổ kiểm tra công vụ của Chính phủ đã kiểm tra 12 đơn vị gồm 8 tỉnh, 4 bộ ngành.

Từ đó, đã chỉ ra được những đơn vị thực hiện chưa nghiêm quy định của Chính phủ và vấn đề pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt trong đó là công tác quản lý cán bộ, công tác đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công tác tổ chức biên chế…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tổ kiểm tra công vụ đã kiến nghị xử lý một số trường hợp vi phạm. Đồng thời đề nghị đơn vị tự khắc phục vấn đề đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng không đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng

“Trong các trường hợp Bộ Nội vụ đi kiểm tra và xử lý, tôi rà từ trên xuống dưới thấy rằng việc duy nhất là rút kinh nghiệm. Tình trạng này cho thấy xử lý không nghiêm đối với cán bộ”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhận định.

ĐB đoàn Bến Tre đưa ra ví dụ cụ thể sự việc ở Thanh Hóa bổ nhiệm nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Ngô Văn Tuấn vào chức Tổ trưởng thuộc Ban Chỉ đạo Quy hoạch phát triển đô thị và nhà ở.  Hay vụ việc ở Trà Vinh, sau khi bị xử lý lại chuyển sang làm Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp.

“Như thế là không nghiêm, cán bộ không trong sạch cần đưa ra khỏi bộ máy. Tôi cho rằng xử lý như thế là đánh bùn sang ao, cử tri và nhân dân không tin tưởng”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh và cho rằng, bên trên nói là nghiêm trọng, nhưng bên dưới vẫn xử lý như kiểu “tặng quà”.

Vụ bác sỹ Hoàng Công Lương: Điều chỉnh tội danh để không oan, lọt

Trong phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Quang Tuấn cũng nhắc lại vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình chạy thận nhân tạo làm chết người. Đến nay, bác sĩ Hoàng Công Lương đã 3 lần thay đổi tội danh, vậy vai trò của Viện Kiểm sát ở đây thế nào?

“Đây là vụ án rất phức tạp, hậu quả rất nghiêm trọng, 9 người chết. Chúng ta không mong muốn điều này xảy ra”, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND Tối cao trả lời.

Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, trách nhiệm của cơ quan tố tụng là phải chứng minh được bản chất tội phạm. Trong quá trình tố tụng, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án xác định tội danh, xác định khung hình phạt tối đa - tối thiểu. Những vấn đề này thay đổi khi xuất hiện những yếu tố mới, tình tiết mới, chứng cứ mới.

“Quá trình điều tra vụ án này có những bị can phản cung, tức là thay đổi lời khai và phát sinh, phát hiện những chứng cứ cần làm rõ, điều chỉnh tội danh để đảm bảo bản chất của tội phạm, để không oan, không lọt. Đó cũng là điều đương nhiên của vụ án phức tạp”, Viện trưởng KSNDTối cao giải thích.

 Hương Giang