Cắt giảm hơn 5.854 tỷ đồng

Năm 2016, tổng số kế hoạch vốn nước ngoài là 50 nghìn tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết của QH, Thủ tướng đã giao chi tiết danh mục dự án cho các bộ, ngành Trung ương và địa phương có đủ thủ tục đầu tư hơn 48.061 tỷ đồng.

Trong tổng số vốn đã được giao, đến ngày 19/12, có 5 bộ, ngành và 7 địa phương đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài là hơn 2.296 tỷ đồng. Số vốn Chính phủ chỉ đạo cắt giảm đối với các bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch và cắt giảm thêm đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo là hơn 2.920 tỷ đồng.

“Như vậy, tổng số vốn dự kiến cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là hơn 5.854 tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương báo cáo tại phiên họp.

 

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành theo Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2020 đã được UBTVQH phê duyệt năm 2010, quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của KTNN từ năm 2012 đến 2020, UBTVQH quyết định cho phép tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án dở dang, dự án mới của KTNN giai đoạn 2017 - 2020 với tổng nhu cầu 3.145,75 tỷ đồng.
Bên cạnh cắt giảm, Chính phủ trình UBTVQH bổ sung hơn 7.154 tỷ đồng cho các dự án đúng đối tượng, đủ điều kiện bổ sung vốn nước ngoài, trong đó, có bố trí hơn 4.482 tỷ để cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội.

 

Qua thẩm tra, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS), trong điều kiện phân bổ vốn chưa sát thực tế, tiến độ giải ngân các dự án khác nhau thì việc Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định việc điều chỉnh là cần thiết và phù hợp.

Cấp vốn phải đúng luật

Liên quan đến cấp vốn điều lệ cho 2 ngân hàng, nhiều ý kiến trong UBTCNS tán thành nhưng cũng đề nghị Chính phủ giải trình rõ việc sử dụng vốn vay ODA có phù hợp với các hiệp định vay đã ký kết hay không hoặc có nằm trong các khoản vay của Chính phủ để xử lý cân đối ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản mà chưa sử dụng hay không, nếu có mới có thể trình để xử lý được.

Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến cho rằng, các hiệp định vay vốn nước ngoài năm 2016 đã được ký kết gắn với nhiệm vụ của từng chương trình, dự án cụ thể nên việc điều chỉnh này là chưa bảo đảm tuân thủ các hiệp định đã ký kết và các nguyên tắc bố trí vốn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Do đó, cần cân nhắc việc sử dụng nguồn vốn này để bổ sung vốn điều lệ cho hai ngân hàng chính sách.

“Bổ sung vốn cho hai ngân hàng không có trong dự toán thì chi số tiền đó có hợp hiến không? Nếu không có dự toán thì không được chi mà chỉ được ứng”, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói.

 

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển. Ảnh: TN

 

Đồng tình cấp vốn điều lệ cho 2 ngân hàng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, nếu sử dụng ngân sách 2016 thì không phù hợp về nguồn vốn, có thể sử dụng vốn 2017 nhưng phải điều chỉnh để đưa vào kế hoạch.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị  lưu ý ý kiến của Bộ Tài chính để xử lý việc cấp vốn cho 2 ngân hàng phải đúng luật.

Cần nghiêm túc nhận trách nhiệm

Theo Chủ tịch QH, chỉ còn 9 ngày nữa là kết thúc năm 2016, Chính phủ mới đề nghị điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài là chậm. “Chính phủ cần nghiêm túc nhận trách nhiệm trong quản lý, điều hành, trước hết là các bộ tham mưu cho Chính phủ về việc này”, bà Ngân nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, không chỉ năm 2016 mà tình trạng này trong những năm qua chưa khắc phục được tốt. Như phân bổ vốn chưa sát với tình hình, thậm chí có những đơn vị phân bổ không có nhu cầu sử dụng hoặc chưa hoàn thành thủ tục đã được phân bổ. Trong khi lại có một số địa phương giải ngân vượt mức được giao.

“Tôi đề nghị Chính phủ đánh giá phân tích kỹ nguyên nhân, giải trình rõ và có giải pháp chấn chỉnh để năm 2017 đừng có lặp lại, nếu có thì phải ít hơn, có những bước tiến bộ hơn so với năm 2016 và những năm trước”, Chủ tịch Ngân nói và dẫn chứng, suýt chút nữa Hà Nội mất 800 tỷ vốn ODA nếu ngày 21/12, lãnh đạo QH không hội ý đồng ý để xử lý kịp thời.

Đồng ý cần thiết phải điều chỉnh kế hoạch, nhưng Chủ tịch QH đề nghị, Chính phủ lưu ý đánh giá của UBTCNS về việc số liệu điều chỉnh đã đầy đủ hay chưa. “Việc điều chỉnh phải đúng thẩm quyền, trong phạm vi 50.000 tỷ đồng vốn nước ngoài QH đã thông qua, bảo đảm đúng Hiến pháp và các luật liên quan”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Kết thúc phiên họp, các thành viên UBTVQH đã biểu quyết nhất trí thông qua nội dung việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài, và giao các cơ quan liên quan xây dựng Dự thảo Nghị quyết hoàn thành ngay trong ngày 23/12 để gửi xin ý kiến UBTVQH thông qua.

 

Đề nghị tăng lương cho Tổng Kiểm toán

Hiện bảng lương Tổng KTNN có 2 bậc lương: Bậc 1 (9,7), bậc 2 (10,3). Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật KTNN năm 2015 nhiệm vụ và trách nhiệm của Tổng KTNN cao hơn, nặng nề hơn… Do đó, KTNN đề nghị, UBTVQH quy định bảng lương mới cho Tổng KTNN có 2 bậc lương: Bậc 1 (9,8), bậc 2 (10,4).

Đa số ý kiến thẩm tra của UBTCNS đồng tình với đề nghị của KTNN. Cũng có ý kiến đề nghị tăng mức lương của Tổng KTNN lên cao hơn, tương đương mức lương của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao (bậc 1, hệ số lương 10,4; bậc 2, hệ số lương 11) vì cùng là người đứng đầu cơ quan hiến định độc lập, do QH bầu.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, UBTVQH ủng hộ đề nghị của KTNN. Tuy nhiên, dù có thẩm quyền ban hành nhưng UBTVQH đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương nghiên cứu để khi xây dựng chính sách mới thì xem xét những đặc thù của các ngành, thiết chế, đặc biệt của Tổng KTNN.

Kết luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTVQH sẽ có ý kiến đề nghị Ban cải cách tiền lương và xem xét trình ra Trung ương quyết định, khi nào có quyết định thì sẽ ban hành nghị quyết.


 

Thảo Nguyên