Trong phiên chất vấn chiều 21/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận từ năm 2012 đến nay, Chính phủ còn nợ 27 văn bản hướng dẫn thi hành - đây là một khuyết điểm, một hạn chế yếu kém trong hoạt động của Chính phủ. Thủ tướng cho biết thêm, năm 2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm phải ban bành 129 văn bản để thi hành 38 luật và pháp lệnh. Nhờ chú trọng công tác này ngay từ đầu năm, nên đến nay chỉ còn 19 văn bản trong chương trình mà Chính phủ chưa ban hành được. Chính phủ quyết tâm từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ này.

Luật chậm đi vào cuộc sống - lỗi do đâu?

Thảo luận về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, đa số các đại biểu đã ghi nhận nỗ lực, kết quả đạt được, cũng như chia sẻ về những tồn tại, khó khăn trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tuy nhiên, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản kéo dài, vẫn còn những nội dung quy định chưa đầy đủ, chưa cụ thể hoặc không phù hợp với thực tế.
 
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt vấn đề vì sao pháp luật chưa đi vào cuộc sống, phải tìm rõ được nguyên nhân mới đề ra được giải pháp. Đại biểu Minh nêu việc những yếu kém, tồn tại trong việc chậm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn luật, trong phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã nhận trách nhiệm, tuy nhiên chưa đủ, cần phải rà soát bộ, ngành nào chưa thực hiện nghiêm phải làm rõ để quy trách nhiệm, xử lý. Do đó đề nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát.

Tình trạng luật chậm ban hành, chậm đi vào cuộc sống, nợ đọng văn bản hướng dẫn cũng được nhiều đại biểu đi sâu phân tích nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ phía Quốc hội.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhận định Quốc hội đang làm luật theo thành tích. Đưa vào chương trình xây dựng luật một khối lượng quá lớn. Vì khối lượng ấy, nên công tác xây dựng luật thiếu chất lượng. Chưa có chiến lược cho việc xây dựng luật nên xẩy ra tình trạng thay đổi chương trình làm luật trong kỳ họp Quốc hội. Theo Đại biểu Chu Sơn Hà, việc thiếu chất lượng của luật là do thẩm tra “chay”, thẩm tra nể nang. Ông đề nghị quá trình thẩm tra phải sát sao. Nếu không đủ chất lượng thì từ chối ngay, không đưa vào chương trình.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng: Cơ quan thẩm tra, giám sát cần giám sát ngay khi luật có hiệu lực. Vì việc tổ chức giám sát ngay sẽ đem lại nhiều lợi ích. Nhiều nội dung của luật cần cụ thể hơn thì cơ quan giám sát sẽ phát hiện ngay để góp ý với cơ quan ban hành nghị định, thông tư.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cũng nhìn nhận về mặt hạn chế của Quốc hội, đó là đã ban hành nhiều luật chỉ mang tính chung chung, sau đó giao rất nhiều nội dung cụ thể cho Chính phủ quy định, trong một thời gian ngắn, do đó Chính phủ rất khó thực hiện. Đại biểu Quyền còn cho rằng, việc giám sát ban hành văn bản của Quốc hội cũng bất cập, mới chỉ dừng lại ở việc có ban hành không. Còn việc nó có phù hợp không, chồng chéo như thế nào… chưa giám sát được. Ông Quyền kiến nghị, các bộ, ngành cần tập trung, quan tâm hơn nữa việc soạn thảo, hướng dẫn thi hành, hạn chế bớt việc thăm hỏi, khánh thành, mà tập trung vào hoạch định chính sách, triển khai, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa đội ngũ làm luật.

Đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, các bộ, sự phối hợp của các bộ, các cơ quan thuộc bộ. Đây là nguyên nhân chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật, nhất là với thông tư liên tịch.

Liên qua đến việc ra nghị quyết về việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết được đa số đại biểu ủng hộ. Theo các đại biểu, nghị quyết này rất cần thiết để góp phần khắc phục các bất cập, hạn chế trong công tác này hiện nay. Nghị quyết cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu cơ quan khi không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình; quy định rõ thời hạn các cơ quan phải hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng và thời hạn định kỳ báo cáo hàng năm về việc triển khai công tác này.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (TP Hồ Chí Minh) cho rằng tốc độ văn bản pháp luật tăng - con người là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, đại biểu Tiến băn khoăn trong thực tế thử tính số trường đào tạo ngành luật, số luật sư trên đầu người của chúng ta ra sao. Quá thấp so với quốc tế. Số cán bộ chuyên trách quá ít.

Để nâng cao chất lượng, số lượng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng văn bản pháp luật, nhất là bộ phận pháp chế của các bộ, ngành; rà soát sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền những quy trình, thủ tục gây kéo dài, cản trở việc ban hành văn bản.

* Cũng trong sáng nay (22/11), 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy.

Dự thảo Luật được thông qua tại kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XIII, sửa đổi, bổ sung 26 điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hiện hành, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2014.

Luật PCCC quy định rõ, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có phương án phòng cháy và chữa cháy cho toàn khu, xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy. Đồng thời tổ chức lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy phù hợp với phương án phòng cháy và chữa cháy.

Luật PCCC cũng quy định rõ người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy, thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật. Phải bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy…

Dự thảo luật trình Quốc hội cũng sửa đổi, bổ sung khoản 20 Điều 1 với đề nghị giao Bộ Công an quy định danh mục cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao; thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy, quyết định thời hạn thực tập, luyện tập phương án PCCC.

Về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001-QH10 có hiệu lực (khoản 33 Điều 1), dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua đã sửa đổi, bổ sung khoản này theo hướng giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định để bảo đảm linh hoạt trong việc xử lý, bảo đảm lộ trình phù hợp với thẩm quyền, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Các cơ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn đều phải chấp hành các quy định của pháp luật nói chung và những quy định, yêu cầu của từng địa phương nói riêng.

* Chiều nay (22/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Ánh Tuyết