Sáng 6/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường là người ngồi “ghế nóng” đầu tiên.

"Nhiều thì thừa là tất yếu"

Chất vấn Bộ trưởng Cường, ĐB Ngô Thanh Danh (đoàn Đắk Nông) đề nghị Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu giải pháp về việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi để tránh tình trạng “được mùa, mất giá” như hiện nay.

Trong đó, cây hạt tiêu mất cả mùa và giá, còn cây cà phê thì mất giá kéo dài, gây khó khăn cho người sản xuất.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện rất lớn với 45 triệu tấn lương thực, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, nhiều loại cây công nghiệp nhất thế giới về sản lượng...

Tuy nhiên, bất cập nhất hiện nay là khâu chế biến và tổ chức thương mại. Theo ông Cường, nếu không cải thiện được khâu này thì không thể nào dập được chuyện giá “nay được, mai mất”.

“Không ai dự báo được nay, mai, ngày kia giá sẽ như thế nào, bởi vì vàng lên giá biến động, dầu hỏa giá biến động, chúng ta phải trên cục diện chung để định hướng”, Bộ trưởng nhấn mạnh và lấy ví dụ, Việt Nam có khả năng cung cấp 350.000 tấn hạt tiêu, chiếm khoảng 60% thế giới.

"Nhiều thì thừa là tất yếu", ông Cường nói. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp đã tìm giải pháp, bàn với địa phương là tới đây tập trung chế biến, tổng rà soát để phát triển sản xuất ở mức độ nhất định.

"Chúng tôi đã mời một số doanh nghiệp, đưa công nghệ mới nhất vào, riêng hạt tiêu sẽ có 10 chuỗi sản phẩm, gồm cả dầu hạt tiêu. Thị trường cần cái gì ta làm cái đó, bây giờ bán hàng mới là quan trọng, tổ chức sản xuất không còn là số một", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bí thư, Chủ tịch tỉnh ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp

Đặt vấn đề đời sống người dân Tây Nguyên khó khăn do giá thành sản phẩm bấp bênh, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giải quyết tình trạng này.

ĐB Tô Văn Tám

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận dù có nhiều chính sách hỗ trợ, cuộc sống của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. Một thực tế do họ sản xuất bấp bênh, kém hiệu quả.

Vì vậy, theo ông phải tập trung kêu gọi nhiều doanh nghiệp vào tổ chức liên kết cho bà con nông dân, phục vụ sản xuất.

“Trong các tỉnh Tây Nguyên thì Gia Lai rất tích cực, Bí thư, Chủ tịch tỉnh mời rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí, họ ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp”, ông Cường nói và nhấn mạnh, nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp cảm động nên quyết định đầu tư thêm một nhà máy nữa.

Đồng thời khẳng định việc này là trách nhiệm của Bộ nên Bộ sẽ cùng địa phương có chính sách để sớm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở vùng Tây Nguyên.

Đầu tư để hạt gạo trở thành dược phẩm

Trả lời chất vấn của Châu Chắc (An Giang) về giá lúa còn bấp bênh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh.

Theo ông Cường, trên thế giới có 7 tỷ người thì chỉ 3,5 tỷ người ăn gạo, sản lượng lúa gạo thương mại toàn cầu hàng năm chỉ khoảng 36 triệu tấn, với kim ngạch thương mại 3,2 tỷ USD. Điều kiện khách quan đó đã tạo áp lực và giới hạn việc xuất khẩu gạo.

Ở trong nước, Quốc hội đã có nghị quyết về bảo vệ đất lúa và thời gian qua Chính phủ nghiêm túc thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, Việt Nam có 7,8 triệu ha đất canh tác và 4,1 triệu ha diện tích đất lúa.

Cho nên, theo Bộ trưởng, tới đây Chính phủ sẽ xin Quốc hội giảm dần diện tích đất lúa, khoảng nửa triệu ha đất, tương đương giảm 5-6 triệu tấn thóc, 3-4 triệu tấn lúa.

"Chúng ta vẫn đảm bảo an ninh lương thực, kể cả trong 20 năm nữa vẫn đảm bảo được. Nhưng thay vào đó sẽ dành phần đất canh tác cho các cây trồng khác hiệu quả hơn", ông Cường nhấn mạnh.

Trước mắt Việt Nam sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng ưu tiên nhóm giống phù hợp với nhu cầu thị trường; nâng cao giá trị hạt gạo theo hướng trở thành dược phẩm. "Lúa gạo sẽ không chỉ là mặt hàng bán bình thường mà trở thành dược phẩm, thực phẩm chức năng", ông Cường nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chỉ đạo trước đó.

Hương Giang