Chiều ngày 3/9, tiếp tục chương trình làm việc, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra và thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Băn khoăn xử tội tham nhũng còn rất ít

Cho ý kiến, ĐBQH Nguyễn Đức Sáu, nguyên Chánh toà Hình sự, TAND TP Hồ Chí Minh nhấn định, trong điều tra tội phạm đã “phá” được những vụ án tham nhũng, đánh bạc lớn.

“Đặc biệt, có vụ đến giờ phút này, bị can thừa nhận đã nhận hối lộ tới ba triệu đô la Mỹ thì giờ mới thấy, xưa nay không có. Đây là, kết quả của quá trình đấu tranh bằng nhiều kỹ năng, thu thập chứng cứ tốt, giỏi”, ông Sáu nhấn mạnh.

Còn ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ băn khoăn khi ghép kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng với một số loại tội khác.

“Nhập nhằng với các tội khác thấy, phòng, chống tội phạm tham nhũng ít ỏi quá, nhân dân sẽ nghĩ chưa phản ánh hết tình hình”, ông Nghĩa nói.

Một vấn đề nữa khiến ĐB Nghĩa băn khoăn là một số vụ rất to nhưng khi xử thì là tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ quyền hạn, còn xử tội tham nhũng rất ít, mới đây chỉ có vụ Mobifone mua AVG.

Theo ĐB, nhiều vụ nằm trong diện chỉ đạo phòng, chống tham nhũng nhưng không thấy hành vi tham nhũng, kể cả vụ đánh bạc qua mạng cũng không có yếu tố tham nhũng.

“Thực sự như vậy hay khó quá không điều tra ra?”, ĐB đoàn TP Hồ Chí Minh đặt câu hỏi. Tuy vậy, ông nhấn mạnh, việc xét xử những người phạm tội trong các vụ án đó, đồng bào thấy xác đáng vì gây thiệt hại cho Nhà nước.

Vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ không phải “vặt”

Với tham nhũng “vặt” theo nhận định của Chính phủ là diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp... Báo cáo dẫn chiếu vụ 3 cán bộ thuộc đoàn thanh tra Bộ Xây dựng về tội nhận hối lộ khi tiến hành thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc...

ĐBQH đoàn TP Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa lưu ý, nói tham nhũng “vặt” như vụ cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hồi lộ ở Vĩnh Phúc nhưng đâu có vặt?

Nghe vậy, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu, vụ cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng nhận hối lộ không phải là “vặt”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

“Thực ra, tham nhũng vặt là nhũng nhiễu, khái niệm của luật không có tham nhũng vặt. Còn theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự, tham ô 2 triệu là bắt đầu truy tố và dưới 100 triệu là phạt tù từ 2-7 năm, nên trường hợp cụ thể như vụ Thanh tra Bộ Xây dựng là không phải vặt”, bà Nga nêu.

Cũng đề cập đến tham nhũng “vặt”, ĐBQH Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho hay, đây là vấn đề “người dân kêu lắm, cử tri kêu lắm” vì không có phong bì, phong bao thì cán bộ không chịu làm khi thực thi công vụ. Vì vậy, cần phải có giải pháp để xử lý.

Tham nhũng vẫn phức tạp

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (ít hơn 0,35% so với cùng kỳ 2018).

Bà Nguyễn Thị Thuỷ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp cũng cho hay, Toà án đã khẩn trương đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, quán triệt yêu cầu xử lý theo hướng rõ đến đâu xử lý đến đó, chia thành các giai đoạn để xử lý dứt điểm.

Theo bà Thuỷ, trong kỳ báo cáo, Toà án đã xét xử 240 vụ án, 517 bị cáo về tội phạm tham nhũng (tăng 83 vụ, 119 bị cáo), áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của nhà nước, chủ trọng áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, biện pháp tư pháp để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản…

Việc cho các bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhất là đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng, chức vụ tiếp tục được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ, nhóm nghiên cứ của Uỷ ban Tư pháp đều lưu ý, vi phạm pháp luật và tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp.

“Toàn bộ vi phạm trong hoạt động tư pháp đều đóng dấu mật thì vô lý”

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, một số nội dung trong báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 đóng dấu “mật”.

Trong đó, số liệu đình chỉ điều tra do bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố, do không có việc phạm tội …“Tôi không rõ vì sao cái này lại là mật”, bà Nga nói.

Ngoài ra, nội dung “mật” còn có số liệu điều tra viên; số điều tra viên vi phạm trong hoạt động điều tra hình sự; số đối tượng chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Với báo cáo của Viện KSND Tối cao thì toàn bộ vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp cũng đóng dấu “mật”.

“Tôi nghĩ sau này phải có một phiên họp để làm rõ với các cơ quan. Nếu toàn bộ các vi phạm trong hoạt động tư pháp đều đóng dấu mật cả thì vô lý. Ví dụ các vi phạm về giải quyết khiếu nại, vi phạm trong hoạt động thi hành án, dân sự, trong hoạt động bổ trợ tư pháp, trong hoạt động khởi tố, điều tra. Như vậy là đóng cửa tất cả các tiếp cận thông tin của công chúng về những vi phạm trong hoạt động tư pháp”, bà Nga nói và đề nghị các trưởng ngành hoặc đại diện cho ngành khi phát biểu làm rõ vấn đề này có đúng không?

Hương Giang