1 hay 2 Phó Chủ tịch HĐND?

Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 2 Phó Chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND.

“Quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương so với trước đó, vì thực chất một biên chế được nâng từ chức danh “Ủy viên Thường trực” của HĐND lên Phó Chủ tịch. Việc giữ nguyên số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh là nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày thẩm tra trước Quốc hội.

Trong khi, đây là những vấn đề đã được báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Chính trị (khóa XI) trước khi Quốc hội biểu quyết đưa vào Luật hiện hành.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị, Chính phủ có đánh giá tác động thật kỹ vì đổi mới phải đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế.

“Việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số lượng các chức danh này thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu biên chế và số lượng cán bộ dôi dư này sẽ sắp xếp, bố trí thế nào cho phù hợp; đồng thời, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tăng lên hay giảm đi”, ông Định nói.

Ông Định cũng cho biết, do hồ sơ Chính phủ trình chưa có đánh giá tác động kỹ nên ý kiến thảo luận trong Ủy ban Pháp luật còn khác nhau: Nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như hiện hành; một số ý kiến đề nghị chỉ giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, còn giữ nguyên số Phó Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh.

Một số ý kiến khác trong Ủy ban Pháp luật lại đề nghị giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND ở TP trực thuộc Trung ương và các tỉnh là đơn vị hành chính loại I, các tỉnh còn lại và cấp huyện thì giảm 1 người…

Thiếu Phó Chủ tịch HĐND… khó khăn lắm

Cho ý kiến về vấn đề này, theo ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), nên giữ số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, nếu không giữ, nhất là với các tỉnh, TP lớn thì rất khó khăn.

Đáng quan tâm, ông Hiểu cho hay, khi hướng dẫn nhân sự bầu cử ĐBQH, với vị trí Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh nên cơ cấu làm Phó đoàn ĐBQH chuyên trách, đảm bảo thông tin giữa Trung ương và địa phương, hội tụ “hai trong một”. Còn với HĐND cấp huyện thì để 1 Phó Chủ tịch là phù hợp.

“Tôi đã gặp rất nhiều Phó Chủ tịch HĐND huyện, công việc cũng nhàn, kể cả là 1 Phó Chủ tịch thì vẫn nhàn, cho nên để 1 Phó Chủ tịch là phù hợp”, ông Hiểu nói.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định, HĐND hoạt động có hình thức hay không phù thuộc vào năng lực, tâm huyết của cán bộ Đảng cử, dân bầu và điều kiện cụ thể của mỗi địa phương.

Với kinh nghiệm thực tế, theo bà Tâm, cơ cấu tổ chức bộ máy của HĐND hiện nay chưa tương xứng với nhiệm vụ theo quy định của pháp luật dù làm việc hết công suất, làm cả thứ 7, chủ nhật không nghỉ. Từ đó, bà đề nghị đánh giá tác động sâu sát, lý giải vấn đề khoa học hơn, chứ không nặng nề là 1 hay 2 người.

Ông Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, Luật Chính quyền địa phương hiện hành đang giao nhiệm vụ cho HĐND rất nhiều việc.

“Bây giờ HĐND rất nhiều việc, quyết sách nhiều vấn đề lớn, thiếu Phó Chủ tịch HĐND cũng khó khăn lắm. Nên đặt vấn đề giảm bớt Phó Chủ tịch HĐND nhất là cấp tỉnh thì không thực tế”, ông Trà nói và cho rằng, cấp huyện, có thể 1 Phó Chủ tịch HĐND, nhưng cấp tỉnh thì phải duy trì 2 Phó Chủ tịch HĐND.

Ông Trà cũng cho rằng, Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh cũng rất quan trọng vì đây là “người tác nghiệp chuyên môn, là những người thợ”. Cho nên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vì biên chế mà giảm kiểu này thì “không trúng lắm”.

Liên quan đến vấn đề ủy quyền của cá nhân và ủy quyền của tập thể, cũng như loại công việc được ủy quyền và không được ủy quyền, cơ chế ủy quyền, việc ủy quyền tiếp, trách nhiệm của các bên trong ủy quyền, theo Ủy ban Pháp luật, cần phải làm rõ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho rằng, cần quy định cụ thể. Theo ông, cần quy định Chủ tịch UBND được ủy quyền cho thành viên Ủy ban (là Phó Chủ tịch hoặc Giám đốc Sở là thành viên Ủy ban) để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Theo ông Trà, ủy quyền liên quan đến sự linh hoạt trong điều hành ở địa phương, chứ 1 ông Chủ tịch có 4 giấy mời thì làm sao đi được 4 nơi.

“Quan trọng là chịu trách nhiệm. Ông ủy quyền thì vẫn phải chịu trách nhiệm, ông được ủy quyền thì đương nhiên chịu trách nhiệm trực tiếp. Cho nên cần nghiên cứu sâu về vấn đề ủy quyền”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ý kiến.

Hương Giang