Ngày 2/7, Chính phủ tổ chức hội nghị với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 vẫn diễn biến phức tạp.

Bức tranh giải ngân vốn đầu tư công… tiêu cực

Tại hội nghị, một trong những vấn đề đặt ra là giải ngân vốn đầu tư công vì nếu thực hiện tốt sẽ kích cầu hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021.

Theo kế hoạch, trong năm nay phải giải ngân gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD vốn đầu tư công. Nhưng báo cáo cho thấy, 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư đã cao hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Đến nay mới ước đạt 156 nghìn tỷ đồng, bằng 33,1% kế hoạch, còn vốn ODA giải ngân rất thấp mới hơn 10,2%.

“Còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó 17 bộ, cơ quan Trung ương đạt dưới 10%, thậm chí còn 10 bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân dưới 5%”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thẳng thắn, bức tranh giải ngân vốn đầu tư công còn “tiêu cực hơn”. Theo ông, vốn ODA dành cho kế hoạch năm 2020 khoảng 60 nghìn tỷ đồng, trong đó dành 2/3 nguồn vốn này cho các địa phương.

“Nhưng đến nay, trong 63 tỉnh, thành thì đến 22 tỉnh giải ngân vốn ODA bằng 0%, tức là 6 tháng rồi chưa giải ngân được 1 đồng nào. Chỉ có 16 tỉnh, thành giải ngân trên 10%, duy nhất 1 tỉnh đạt 15%, còn lại rất thấp”, Phó Thủ tướng nói.

Ông Phạm Bình Minh lưu ý, “trước đây một số cơ quan, địa phương nói phân bổ vốn ODA chậm nên giải ngân khó khăn. Nhưng năm 2020 phân bổ vốn ODA tương đối sớm”.

Theo Phó Thủ tướng, một trong những nguyên nhân là do giải phóng mặt bằng. “Khi xây dựng các dự án để vay vốn ODA, các tỉnh, TP cam kết sẽ bố trí đủ vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng thì mới nhận. Nhưng đến khi có dự án rồi thì khó khăn giải phóng mặt bằng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu, bí thư, chủ tịch tỉnh phải xắn tay áo lên để giải phóng mặt bằng không?

"Khi các đồng chí đề nghị dự án thì rất quyết liệt nhưng gặp giải phóng mặt bằng thì giao cấp dưới, không quan tâm. Tại sao nhiều địa phương giải ngân tốt, nhưng rất nhiều địa phương lại giải ngân rất chậm. Lần này phải có chế tài mạnh”, Thủ tướng nêu rõ.

Không thể để tình trạng "ì ạch" giải ngân vốn đầu tư công tái diễn

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Theo Tư lệnh ngành Kế hoạch Đầu tư, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ sẽ lập đoàn kiểm tra tại một số địa phương về giải ngân đầu tư công. Ảnh: HG

Ông Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát tiến độ giải ngân của các dự án từ tháng 7/2020 để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân trách trung ương năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính lo ngại, nêu tháng 7 rà soát, rồi dự kiến đến tháng 9 mới điều chỉnh thì sẽ chậm. Theo ông Đinh Tiến Dũng, cần điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công ngay từ tháng 7 để triển khai theo quy định.

“Nếu để tháng 9 mới điều chỉnh, thực hiện thủ tục giải ngân thì nhanh lắm đến cuối năm chỉ có thể tạm ứng theo hợp đồng. Mà tạm ứng thì không có GDP vì chưa có khối lượng”, Tư lệnh ngành Tài chính nói.

Phó Thủ tướng cho hay, một số nơi, một số tỉnh đề nghị lấy nguồn vốn ODA để giải phóng mặt bằng.

“Xin trả lời là quy định không cho phép. Đề nghị các tỉnh, thành có dự án ODA phải chủ động huy động nguồn vốn để giải phóng mặt bằng mới triển khai được, không thể trông chờ vốn của trung ương rót về hoặc lấy nguồn vốn ODA”, Phạm Bình Minh dứt khoát.

Cũng theo Phó Thủ tướng, nếu điều chỉnh kế hoạch chuyển sang giai đoạn sau thì sẽ khó khăn thời hạn trả nợ, lãi suất cao hơn nhiều và tăng gánh nợ. Do đó, phải đẩy nhanh giải ngân vốn ODA trong năm 2020.

Trong phần kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ sẽ lập đoàn kiểm tra tại một số địa phương về giải ngân đầu tư công. Ông cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các địa phương, bộ, ngành.

"Chính phủ sẽ ra tay và kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công ở các địa phương trì trệ giải ngân, sang những nơi cần vốn. Không thể để tình trạng ì ạch giải ngân tái diễn", Thủ tướng khẳng định.

Hương Giang