Ngày 6/8, diễn ra hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

EVFTA là "tuyến đường cao tốc" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường EU quy mô 15.000 tỷ USD. Nhưng đây cũng là thị trường tiêu chuẩn cao, yêu cầu khắt khe nên sẽ không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng.

Xoá bỏ rào cản, cân bằng lợi ích

Theo người đứng đầu Chính phủ, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang phải chịu những “cơn gió ngược dữ dội” của đại dịch COVID-19, khiến các chuỗi cung ứng, phân phối bị gián đoạn, xáo trộn. 

Dù vậy, EVFTA vẫn được kỳ vọng là “cú hích” lớn cho tăng trưởng, xuất khẩu. “Ngay lúc này, câu hỏi lớn, quan trọng hơn là chúng ta phải làm gì, làm như thế nào, nỗ lực ra sao để đạt được ước tính, những kết quả tốt đẹp, nhất là để nâng mình lên trong hợp tác của các đối tác EU, khối kinh tế phát triển hùng mạnh hàng đầu của thế giới?”, Thủ tướng nêu.

Để "đường cao tốc” tới EU thông thoáng, lãnh đạo Chính phủ nêu các yêu cầu về truyền thông, cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng, cạnh tranh trên thị trường nội địa với sản phẩm EU...

Từ gợi mở của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (cơ quan đầu mối điều phối việc triển khai EVFTA) cho rằng, xoá bỏ những rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua cải cách hành chính, ban hành chính sách minh bạch, công bằng, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế là điều kiện giúp doanh nghiệp Việt tận dụng tối đa cơ hội EVFTA mang lại.

"EVFTA được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại và cân bằng về lợi ích của cả hai bên. EU xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa của ta có cơ hội lớn để xuất khẩu sang EU, ngược lại chúng ta cũng phải có nghĩa vụ mở cửa thị trường cho hàng hóa của châu Âu.

Vấn đề là cùng với việc trang bị năng lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước, phải tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho hàng hóa của cả hai bên", Tư lệnh ngành Công thương nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp mang tính quyết định sự thành công của việc thi hành AVFTA. Ông cam kết, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đầu tư, kinh doanh để phát huy tối đa lợi ích của EVFTA.  

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đơn giản hóa và minh bạch hóa điều kiện gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thông qua việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh nói chung và điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài nói riêng”, Bộ trưởng Dũng nói.

Còn ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Tài chính khuyến nghị, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các dòng thuế mặt hàng cụ thể sẽ được xoá bỏ để tận dụng cơ hội. Trường hợp doanh nghiệp chưa hiểu rõ, có thể liên hệ ngay với Bộ Tài chính để có thêm thông tin kịp thời.

leftcenterrightdel
EVFTA được kỳ vọng là “cú hích” lớn cho tăng trưởng, xuất khẩu. Ảnh: Quang Hiếu 
 

Thay đổi để không “bị loại bỏ khỏi cuộc chơi”

Ở khía cạnh khác, EVFTA có tiêu chuẩn cao, không chỉ về nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đi đôi với các yêu cầu khắt khe về trách nhiệm xã hội, lao động, việc làm và bảo vệ môi trường.

“Không thể bán hải sản tươi ngon, giá rẻ tại thị trường EU nếu là hải sản đánh bắt trái phép. Chúng ta phải làm gì để tất cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý quan tâm cùng hành động?”, Thủ tướng hỏi.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, bên cạnh nâng cao nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp sản xuất thì phải có chế tài cụ thể với hành vi vi phạm các quy định về đánh bắt, khai thác nguồn tài nguyên trái phép.

Từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, tuyên truyền về EVFTA cần nhấn mạnh các yêu cầu khắt khe của EU để doanh nghiệp ý thức phải tự nâng cao chính mình, tự mình cải tiến liên tục để bán được hàng nhiều hơn vào EU. Cạnh đó, tuyên truyền “không dàn trải, mà chỉ tập trung vào những vấn đề doanh nghiệp cần”. 

“Vừa rồi, TP hướng dẫn thực hành khai báo C/O, giải đáp vướng mắc cụ thể đã thu hút rất đông doanh nghiệp tham gia”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức dẫn ví dụ.

Ông Đức cũng cho hay, EU là thị trường siêu truyền thống, đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 của TP này (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc).

“Sản phẩm xuất, nhập khẩu của TP và châu Âu không đối đầu, cạnh tranh trực tiếp mà sản phẩm 2 bên mang tính bổ trợ cho nhau. TP chủ yếu xuất khẩu sang EU các mặt hàng dệt may, da giày, nông sản… và ngược lại, nhập khẩu từ châu Âu máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại”, Phó Chủ tịch TP Hồ Chí Minh nói thêm và tin rằng, EVFTA “sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho hàng hoá TP Hồ Chí Minh tiếp cận thị trường EU”.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thực hiện hiệp định này với quan điểm cả hai cùng thắng chứ không riêng với Việt Nam. “Muốn vậy chúng ta phải vượt lên chính mình thông qua tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp", ông Cường phát biểu.

Theo ông Cường, cần thay đổi thể chế quyết liệt nếu "không muốn doanh nghiệp Việt bị loại bỏ khỏi cuộc chơi". Người đứng đầu ngành Nông nghiệp hứa trong lĩnh vực ngành sẽ tạo mọi cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu
 

Tỉnh táo để luôn chắc tay trên cung đường cao tốc EVFTA

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, ngành Dệt may Việt Nam đứng thứ ba thế giới với thị phần chiếm 6%, nhưng đối với thị trường châu Âu, chỉ chiếm 2,2%. 

Theo ông Trường, EVFTA là cơ hội lớn để dệt may Việt Nam vươn lên, chiếm thị phần tương xứng. Song, trong 8.500 doanh nghiệp dệt may trong nước thì có 85% có quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng, 15% trên 50 tỷ đồng và trên 500 tỷ đồng chỉ có 3%. Do đó, ông Trường kiến nghị, cần có chính sách thu hút FDI và cần có các khu công nghiệp được quy hoạch cho sản xuất nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ cho dệt may.

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp EU (EuroCham) cho rằng, EVFTA là “một phiếu tín nhiệm” từ EU với Việt Nam. “Công việc tiếp theo của chúng ta là bảo đảm làm sao cho hiệp định phát huy hết tiềm năng của mình. EuroCham sẵn sàng đóng góp vào việc thực hiện thông suốt, hiệu quả hiệp định này”, ông nói.

Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, EVFTA như “tuyến đường cao tốc” quy mô lớn, hiện đại, nối gần hơn giữa EU và Việt Nam. Từ đây, người dân, doanh nghiệp hai bên sẽ dễ dàng hợp tác, giao lưu, tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. 

“Dù xe tải hay xe khách, đại bàng hay chim sẻ sẽ cùng đi, cùng bay trên cao tốc ấy”, Thủ tướng yêu cầu, các bộ trưởng, chủ tịch UBND của 63 tỉnh, thành phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên triển khai thực thi EVFTA một cách hiệu quả, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi” và phải đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất.

Với các doanh nghiệp, hiệp hội, theo Thủ tướng, phải hợp tác, học hỏi kinh nghiệm, liên kết chuỗi vì riêng rẽ từng doanh nghiệp thì khó đủ sức mạnh cạnh tranh, không tận dụng được hiệu quả cơ hội mang lại từ EVFTA. 

“Chúng ta đã nói rất nhiều về câu chuyện muốn đi nhanh thì đi một mình mà muốn đi xa là hãy cùng nhau đi”, Thủ tướng khuyến khích, doanh nghiệp nỗ lực sáng tạo, hành động, nắm bắt cơ hội tiến lên trưởng thành và luôn giữ cho mình tâm thế lạc quan với sự tỉnh táo, táo bạo, khôn ngoan để luôn chắc tay lái, thành công trên cung đường cao tốc EVFTA.

5 nhóm công việc lớn

Thủ tướng đã ban hành kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Chính phủ. Theo đó, tập trung vào 5 nhóm công việc lớn gồm: Tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; tác xây dựng pháp luật, thể chế; các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 

EVFTA có hiệu lực từ 1/8. Theo cam kết, 84% các dòng thuế, chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm xuống mức 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Sau 7 năm, 99,2% các dòng thuế hàng Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam.

Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi 65% giá trị xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được loại bỏ theo các lộ trình cam kết 10 năm...

Hương Giang