Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động tại các quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.

Về việc Trung Quốc khai thác cát trái phép trên Biển Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên Biển Đông. Hoạt động của các bên ở hai quần đảo này cũng như ở các khu vực mà Việt Nam có quyền chủ quyền, quyền tài phán trên Biển Đông là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về nghi vấn hối lộ liên quan đến Công ty Tenma (Nhật Bản) tại tỉnh Bắc Ninh, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Ngay sau khi có thông tin của phía Nhật Bản, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã báo cáo cơ quan chức năng trong nước. Hiện tại, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành xác minh theo quy định pháp luật. Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này đều phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý”.

Liên quan đến thông tin một số cán bộ thuế, hải quan nhận hối lộ 25 triệu Yên của Công ty Tenma Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ. Hiện, Công an tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc; lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo tạm đình chỉ công tác nhiều cán bộ liên quan để làm rõ vụ việc.

Phương Phương