Chiều ngày 26/6, diễn ra phiên họp đặc biệt của các nhà lãnh đạo ASEAN về tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số.

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Phiên họp là "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn".

Thời đại công nghệ đặt ra cho phụ nữ, trẻ em gái thách thức mới

Theo bà Ngân, thế giới và nhân loại đang trải qua những thời khắc khó khăn khi đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng và diễn biến khó lường, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội đối với tất cả các quốc gia. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái là nhóm đối tượng có khả năng chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng về khoa học, công nghệ và nhất là công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang đặt ra cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu những khó khăn, thách thức mới.

Trong đó, khoảng cách bất lợi về giới trong thời đại số ngày càng gia tăng, lao động thủ công mà đa số là lao động nữ có thể bị thay thế bằng tự động hóa, đồng thời với việc nhiều phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển không có điều kiện để tiếp cận với công nghệ số.

“Trên thế giới, hiện nay đã có 20 nữ lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, có 20,5% Chủ tịch Quốc hội là nữ. Các nước Đông Nam Á chúng ta có 3 Chủ tịch Quốc hội là nữ ở các nước: Lào, Indonesia và Việt Nam.

Và hiện cũng đang có một đội ngũ đông đảo nữ giới với vai trò là các chính khách, doanh nhân, các chuyên gia, nhà khoa học uy tín hàng đầu trên thế giới, là xu hướng tiến bộ mà chúng ta cần phải thúc đẩy và tiếp tục phát huy”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng cho hay, ở Việt Nam, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước. Như Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và các bản Hiến pháp sau đó, Việt Nam đều hiến định: “nam, nữ bình quyền”.

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy nâng cao và trao quyền đối với phụ nữ, đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành trong lĩnh vực quan trọng này.

Ngay Quốc hội Khóa XIV đương nhiệm có 26,72% đại biểu là nữ - một tỷ lệ được đánh giá là khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

“Nhiều phụ nữ Việt Nam đã giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và nhiều người đi đầu trong đổi mới, sáng tạo”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Bà Ngân mong rằng, ASEAN tiếp tục có những sáng kiến thiết thực nhằm trao quyền cho phụ nữ và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Điều đó, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thế giới.

“Tôi tin rằng ASEAN sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế là khu vực có tốc độ tăng trưởng Internet nhanh của thế giới để nâng cao vị thế của người phụ nữ, nhất là vai trò của phụ nữ lãnh đạo, góp phần bảo đảm bình đẳng giới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Xoá bỏ rào cản, thay đổi định kiến và khuôn mẫu giới

Nhân dịp này, bà Ngân đề nghị, Chính phủ ASEAN và các đối tác tiếp tục bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền và nâng cao vị thế đối với phụ nữ, tạo thuận lợi để tất cả phụ nữ và trẻ em gái không chỉ tiếp cận mà còn được hưởng lợi thực chất từ các cơ hội do công nghệ số và hội nhập quốc tế mang lại, từ đó tăng cường sự tham gia và cơ hội phát triển đối với phụ nữ.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp. Ảnh: TN

Cùng với đó, cần phát huy vai trò của các cơ quan đại biểu dân cử trong việc tham gia ý kiến, truyền đạt tâm tư, nguyện vọng của cử tri nữ, trẻ em gái để có các chính sách phù hợp, tạo điều kiện và xóa bỏ những rào cản để nữ giới có thể tiếp cận với công nghệ số một cách thuận lợi.

Theo Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, các nước ASEAN cần khuyến khích sự tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó có vai trò đặc biệt của nam giới trong việc hỗ trợ nữ giới cả trong công việc gia đình cũng như tại nơi làm việc.

“Cần tiếp tục thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ với các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi định kiến và khuôn mẫu giới, xoá bỏ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em để bảo đảm tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều được tôn trọng, bình đẳng trong mọi mặt của đời sống xã hội”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.

Cũng theo bà Ngân, để tăng quyền cho phụ nữ các quốc gia ASEAN nói chung và  trong thời đại công nghệ số nói riêng, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả của các thiết chế Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các định chế quốc tế nhằm xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới như một giá trị phổ quát, cốt lõi vốn có trên toàn cầu đến mọi thực thể trong khu vực, các quốc gia và cộng đồng xã hội.

Đồng thời, để phát huy vai trò của phụ nữ trong thời đại số, cần phải tăng cường trang bị các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho phụ nữ, đó chính là chính sách hữu hiệu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nam giới và nữ giới. Công nghệ số có thể là cầu nối thu hẹp khoảng cách về giới trong thời đại số.

“Lãnh đạo các Chính phủ của ASEAN tiếp tục là những hình mẫu thể hiện vai trò cá nhân và chính trị, dẫn dắt và nêu gương trong việc quan tâm thực chất đến phụ nữ, trẻ em gái và bình đẳng giới cho tất cả mọi người dân, cộng đồng xã hội trong khu vực và trên toàn cầu”, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phát biểu.

Hương Giang