Thủ tướng tiếp Giám đốc WB tại Việt Nam

Chiều 21/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Chúc mừng bà Carolyn Turk đảm trách cương vị Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Thủ tướng tin tưởng với bề dày kinh nghiệm, bà sẽ nối tiếp truyền thống thành công của những người tiền nhiệm; tin tưởng trong nhiệm kỳ mới, quan hệ WB và Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.         

Giám đốc Quốc gia WB Carolyn Turk cảm ơn sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với WB suốt 25 năm qua, hy vọng thúc đẩy mối quan hệ này tiến xa hơn nữa. Bà bày tỏ chia sẻ mất mát của người dân Việt Nam do mưa lũ gây ra. WB sẽ làm tất cả những gì có thể hỗ trợ người dân miền Trung.

Bà chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã thành công trong kiềm chế dịch bệnh COVID-19, thực sự là tấm gương để thế giới nhìn vào. Việt Nam cũng là một trong số ít các nền kinh tế có tăng trưởng dương năm nay. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà cho biết, đã trao đổi với nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới và họ bày tỏ ý định di chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam vì những điều trên.

leftcenterrightdel
 

Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn vì đã đi trước trong ứng phó dịch COVID-19. Vấn đề là Việt Nam đón bắt cơ hội thế nào khi các nước đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo quan điểm của WB, đây là thời điểm tốt của Việt Nam để định vị trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam sẽ có cơ hội thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, khám chữa bệnh từ xa... WB sẵn sàng cung cấp hỗ trợ về vốn, chuyên gia, tư vấn chính sách cho Việt Nam. WB đã có sẵn nguồn lực hỗ trợ cho Việt Nam, kể cả nguồn vốn và thủ tục mua vaccine phòng COVID-19 trên quy mô lớn.

Trao đổi về các chương trình, dự án mà WB đang triển khai tại Việt Nam, bà nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam hiện đang được đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên giải ngân các nguồn vốn khác như ODA còn chậm. WB sẵn sàng làm việc với các bộ ngành của Việt Nam để tháo gỡ mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. WB cảm ơn và vui mừng khi biết Thủ tướng sẽ chủ trì một cuộc họp để đánh giá và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA. Bà đề xuất Việt Nam cần đơn giản hoá hơn nữa thủ tục giải ngân các dự án.

Về các chương trình, dự án của WB trong năm 2021, bà nêu rõ, WB có 4 chương trình, dự án ở Việt Nam; hy vọng các dự án sớm được trình Chính phủ để phê duyệt. Bà mong WB sẽ tham gia sâu hơn về tư vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam trong vấn đề liên quan vay và sử dụng vốn ODA. WB cũng mong được học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam kiềm chế nhanh chóng dịch COVID-19.

Bà cũng bày tỏ WB rất quan tâm hợp tác với Việt Nam trong vấn đề quy hoạch phát triển điện.

Cảm ơn ý kiến của bà Carolyn Turk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ ngành mong nhận được tư vấn chính sách từ WB, đặc biệt là vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang đặt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Nhờ được người dân ủng hộ, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, mức tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng cũng cảm ơn WB cam kết hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai ở miền Trung, cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống người dân.

Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA. Tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì họp về giải ngân vốn ODA để đề ra các giải pháp mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng hoan nghênh WB đã có sáng kiến hỗ trợ các quốc gia phòng chống lại đại dịch COVID-19, đặc biệt WB đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoản trị giá 6,2 triệu USD đã được ký tiếp nhận vào cuối tháng 7.

Đánh giá cao WB đã phê duyệt gói hỗ trợ 12 tỷ USD cho các nước trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam để mua và triển khai vaccine phòng dịch, Thủ tướng đề nghị WB làm việc với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để các cơ quan báo cáo lên Thủ tướng xem xét, quyết định.

Thủ tướng hy vọng bà Carolyn Turk sẽ đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế; đề nghị bà chia sẻ một số nhận định, đánh giá của WB về triển vọng kinh tế trong khu vực. 

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam được đánh giá là sử dụng hiệu quả vốn tài trợ của WB, hầu hết các dự án đã kết thúc tại Việt Nam xếp hạng khá tốt. Tuy nhiên, gần đây tỉ lệ giải ngân vốn ODA của Việt Nam nói chung, trong đó có vốn WB tài trợ, là tương đối thấp. Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới, tình hình giải ngân vốn ODA sẽ được cải thiện; đề nghị WB phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ ngành, địa phương để cùng nhau cải thiện vấn đề này, tăng hiệu quả cho các dự án WB tài trợ.        

Về Định hướng hợp tác, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026, do đó đề nghị WB với kinh nghiệm của mình tiếp tục tư vấn chính sách cho Chính phủ, các Bộ ngành như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ WB rà soát, cập nhật Khung đối tác chiến lược quốc gia (CPF) giai đoạn 2018-2021 cho phù hợp tình hình thực tiễn, đặc biệt là những tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như nghiên cứu, đề xuất CPF mới cho 3 năm tiếp theo 2022-2025 để xác định nguồn lực hỗ trợ, lĩnh vực ưu tiên của hai bên, qua đó xây dựng danh mục tài trợ phù hợp và các hoạt động liên quan. 

leftcenterrightdel
 

Về Định hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chính phủ tiếp tục ưu tiên huy động vốn ODA, vay ưu đãi trong đó có nguồn vốn vay của WB, phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sắp được Quốc hội thông qua và Định hướng thu hút ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2021-2025 với chủ trương ưu tiên cho các dự án lớn, thúc đẩy phát triển bền vững nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả của dự án.   

Thủ tướng đề nghị WB tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị tốt các chương trình, dự án có chất lượng thực sự hiệu quả, cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn lực đầu tư phát triển.

Thủ tướng tiếp Điều phối viên LHQ và Trưởng đại diện các tổ chức LHQ tại Việt Nam

Chiều 21/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Điều phối viên Liên Hợp Quốc (LHQ), ông Kamal Malhotra và Trưởng đại diện các tổ chức LHQ tại Việt Nam.

Gửi lời chúc mừng Ngày thành lập LHQ (24/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu 75 năm chặng đường hoạt động của LHQ trong vai trò là trung tâm điều phối chung hành động của các quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững của các dân tộc.

Thủ tướng cho biết, gần đây, đã cùng lãnh đạo nhiều quốc gia thành viên gửi thông điệp tại Phiên cấp cao Đại hội đồng LHQ nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập; mong muốn cộng đồng quốc tế tăng cường hơn nữa đoàn kết, hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương với trung tâm là LHQ, tuân thủ Hiến chương, luật pháp quốc tế, triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia cũng như đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi nỗ lực phát triển.

leftcenterrightdel
 

“Việt Nam luôn coi LHQ là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, là đối tác quan trọng hàng đầu”, Thủ tướng nói. Các tổ chức phát triển và chuyên môn của LHQ là những người bạn quý báu, đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều từ những năm tháng khó khăn sau chiến tranh.  “Cho đến ngày nay, dù Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi vẫn luôn ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác nhiều mặt, hiệu quả giữa Việt Nam-LHQ”.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 cùng với nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Năm nay, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 2-3%, là nước tăng trưởng dương duy nhất ở ASEAN, quy mô kinh tế có thể đứng thứ 4 ASEAN.

Thay mặt “gia đình LHQ” tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra cảm ơn lời chúc mừng của Thủ tướng nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ. Ông gửi lời chia buồn sâu sắc tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân Việt Nam về những thiệt hại và mất mát to lớn về người và tài sản, về cơ sở hạ tầng thiết yếu do bão, lũ và sạt lở đất gây ra tại các tỉnh miền Trung, trong đó có cả những hy sinh to lớn của các cán bộ, chiến sĩ quân đội khi cứu hộ người dân. LHQ đang hỗ trợ và cử các nhân viên tham gia các đoàn đánh giá nhanh tại hiện trường và sau đó sẽ thực hiện các hoạt động đáp ứng hỗ trợ với góc độ “một LHQ thống nhất”, ông Kamal Malhotra nói. Ông bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ rất mạnh mẽ và có những đóng góp quý báu cho LHQ và chủ nghĩa đa phương, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu với rất nhiều thách thức hiện nay.

Đánh giá cao đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu, ông cho biết, LHQ tại Việt Nam cũng đang đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ tổ chức sự kiện Phụ nữ hòa bình và an ninh toàn cầu do Việt Nam đăng cai tổ chức vào đầu tháng 12. Chương trình và phương thức để thực hiện các hoạt động này hiện đang gấp rút được hoàn thiện. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã và đang đóng góp vai trò lãnh đạo quan trọng bao gồm cả các hoạt động ứng phó với COVID-19.

Chúc mừng đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã ngăn chặn thành công COVID-19, ông Kamal Malhotra nêu rõ, LHQ là đối tác chặt chẽ của Việt Nam về ứng phó liên quan đến các vấn đề sức khỏe, đặc biệt thông qua WHO, Văn phòng Điều phối viên thường trú và các cơ quan khác của LHQ. “Chúng tôi cũng đang hỗ trợ Việt Nam rất tích cực thông qua kế hoạch ứng phó COVID-19 về kinh tế - xã hội và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong lĩnh vực này”.

Nhân dịp này, ông đã gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hai báo cáo gần đây của LHQ, đó là báo cáo toàn cầu của Tổng Thư ký LHQ về COVID-19 và bảo hiểm y tế toàn dân và một báo cáo khác dành riêng cho Việt Nam là báo cáo đánh giá tác động kinh tế-xã hội của COVID-19. Trong các báo cáo này có những khuyến nghị rất cụ thể để có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, “không để ai bỏ lại bị bỏ lại phía sau”.

Ông mong muốn sớm ký kết khung hợp tác phát triển bền vững mới của LHQ giai đoạn 2022-2026 với Việt Nam trong năm 2021.

Ghi nhận ý kiến của ông Kamal Malhotra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng việc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa bình. Đây là sự ghi nhận xứng đáng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp tích cực của LHQ nói chung và WFP nói riêng, và cũng là sự khẳng định về tầm quan trọng của hợp tác đa phương hiện nay. Việt Nam rất coi lĩnh vực nông nghiệp cũng như sản xuất, xuất khẩu lương thực, đây là chỗ dựa vững chắc, giúp ổn định đời sống nhân dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13, đang lấy ý kiến của toàn dân về các văn kiện của Đại hội, “trong quá trình này, chúng tôi luôn trân trọng các ý kiến đề xuất, tư vấn, kinh nghiệm quốc tế của các cơ quan LHQ”, Thủ tướng nói. Sau 75 năm hoạt động, LHQ cũng đứng trước yêu cầu cần đẩy mạnh cải tổ hệ thống phát triển với kỳ vọng xây dựng một thế hệ mới các tổ chức LHQ tại cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Việt Nam luôn ủng hộ và sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực này của LHQ.

“Đối với LHQ, chúng tôi có thể dùng cụm từ: trân trọng, thân thiện, hữu nghị và thái độ xây dựng”, Thủ tướng đề nghị các tổ chức LHQ chủ động thông tin dự báo về những xu hướng mới, các khủng hoảng có thể xảy ra ở khu vực, quốc tế và tác động đối với Việt Nam.

leftcenterrightdel
 

Đánh giá cao nỗ lực của LHQ tại Việt Nam trong việc kịp thời có nhiều báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đối với kinh tế-xã hội Việt Nam, Thủ tướng cho biết, đã nhận được báo cáo về những tài liệu tư vấn chính sách của LHQ trên nhiều lĩnh vực quan trọng… Đây sẽ tiếp tục là nguồn tham khảo hữu ích của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng, triển khai chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Thủ tướng mong muốn các tổ chức LHQ tăng cường tư vấn chính sách hỗ trợ Chính phủ Việt Nam điều hành hiệu quả kinh tế - xã hội, đặc biệt là  đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở phát huy tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thị trường; đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng xanh hóa và tuần hoàn, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh nguồn nước và thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.

Hiện đang ở năm cuối triển khai Kế hoạch Chiến lược chung LHQ (One Strategic Plan) giai đoạn 2017-2021, Thủ tướng đề nghị các tổ chức LHQ sớm đánh giá hiệu quả các hoạt động đã triển khai và sớm xây dựng Kế hoạch chiến lược chung cho giai đoạn tiếp theo.

Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác với LHQ, tạo điều kiện cho các tổ chức phát triển LHQ tại Việt Nam triển khai hiệu quả, kịp thời các chương trình, dự án hợp tác, cũng như phối hợp trong việc thực hiện hiệu quả cải tổ hệ thống phát triển LHQ, Thủ tướng nêu rõ./.

H.Yến