Chưa khi nào địa danh Hà Nội-Việt Nam được nhắc tới với tần suất dày đặc trên truyền thông khắp thế giới như trong những ngày qua. Đó là vì đây là nơi được hai nước Mỹ và Triều Tiên lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai, một sự kiện thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng và dư luận quốc tế.

Lý giải về việc tại sao lại là Hà Nội (Việt Nam) mà không phải là Bangkok (Thái Lan) hay Hawaii (Mỹ), những địa danh từng được đưa ra để lựa chọn cho cuộc gặp lần này, các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài đều cho rằng đó là vì Việt Nam là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển.

Biểu tượng của tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển

Việt Nam - đất nước hình chữ S ngàn năm lịch sử; một đất nước có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nền văn hóa đa dạng, độc đáo, hấp dẫn. Dân tộc Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do, trọng lễ nghĩa, luôn cần cù trong lao động, sáng tạo trong xây dựng phát triển đất nước. Người dân Việt Nam bình dị, hiền hòa và mến khách.

Ấy vậy mà nhiều năm trước, ở nhiều nơi, nhiều đất nước, khi nói đến Việt Nam, là người ta nói đến chiến tranh, đến số phận của một đất nước được quyết định ở những hội nghị hòa bình ở Paris, ở Geneva.

Có lẽ, họ không thể tin rằng, chỉ sau hơn 40 năm kể từ khi ngưng tiếng súng, vị thế, vai trò cũng như sức mạnh của Việt Nam đã hoàn toàn đảo ngược. Việt Nam đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc bởi tinh thần quả cảm trong chiến tranh, và nể phục bởi những thành tựu kỳ diệu trong phục hồi và xây dựng đất nước.

Từ một quốc gia phải oằn mình đi qua các cuộc chiến tranh khốc liệt để bảo vệ nền độc lập tự do, Việt Nam đã từng bước vươn lên, thực hiện một "phép màu" phát triển kinh tế-xã hội, không phải bằng "chiếc đũa thần," mà bằng khối óc, bàn tay và ý chí.

Từ một nền kinh tế nghèo nàn, kiệt quệ sau chiến tranh, Việt Nam đã xây dựng một mô hình phát triển kinh tế đạt những thành tựu ấn tượng nhờ cải cách táo bạo, tích cực hội nhập nền kinh tế thế giới, được đánh giá là một trong những trường hợp chuyển đổi kinh tế-xã hội thành công nhất trên thế giới trong mấy thập niên vừa qua.

Việt Nam đã vươn lên thành nước có mức thu nhập trung bình của thế giới với khoảng 2.400 USD/người/năm. Tính đến tháng 1/2019, có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư 27.643 dự án tại Việt Nam. Dự báo, vốn FDI sẽ vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2019...

Việc tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển khá nhanh với nhiều công trình hiện đại, tạo diện mạo mới cho đất nước. Giờ khó có thể đếm hết những công trình tầm cỡ, các tuyến đường lớn... trên dải đất hình chữ S.

Cùng với đó, tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn dưới 6%. Đã có gần 100% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia...

Không chỉ ghi dấu ấn với bạn bè bằng những thành tựu kỳ diệu trong xây dựng đất nước, Việt Nam còn lưu lại trong lòng họ là những những phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cảnh sắc hùng vĩ rung động lòng người.

Với những giá trị độc đáo về đa dạng sinh học, văn hóa và kiến trúc, Việt Nam có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO vinh danh là điểm du lịch tuyệt vời hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á. Đó là một Hạ Long kỳ ảo, duyên dáng, mộng mơ; một cổ kính nên thơ cùng Tràng An danh thắng; say đắm lòng người với vẻ kỳ vĩ của Phong Nha Kẻ Bàng, hay trầm mặc, cổ kính của những đền đài Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, cố đô Huế, những di tích về triều đại hoàng tộc huy hoàng trong lịch sử Việt Nam. Là những cái tên như “đảo Ngọc” Phú Quốc, “Hòn ngọc Viễn đông” Nha Trang, thành phố cao nguyên Đà Lạt, và đặc biệt là trái tim Hà Nội, thủ đô duy nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình".

Là quốc gia đa sắc tộc với 54 dân tộc anh em cùng chung sống hòa bình, mỗi dân tộc mang những sắc thái đặc trưng về phong tục, tập quán, lễ hội. Nét hấp dẫn của Việt Nam đến từ nét văn hóa trù phú với những di sản thế giới được UNESCO công nhận song hành với sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.

Là mái nhà chung của hàng triệu tín đồ, bên cạnh các tôn giáo lớn như phật giáo, công giáo, tin lành, Hồi giáo và những tín ngưỡng bản địa như Cao Đài, Hòa Hảo, các tôn giáo mới vẫn tiếp tục được du nhập đã tạo nên một bức tranh tôn giáo muôn màu trong đời sống tâm linh của người Việt. Ở Việt Nam, tự do tín ngưỡng và tôn giáo luôn được tôn trọng và đảm bảo.

Vi sao Viet Nam duoc lua chon la noi to chuc thuong dinh My-Trieu? hinh anh 1

Pano chào mừng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên trên các tuyến phố Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Và đặc biệt, với một đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Việt Nam hôm nay đã có quan hệ ngoại giao với 188/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực; thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước, Đối tác toàn diện với 11 nước...

Việt Nam đã chủ động, tích cực chung tay tham gia các công việc lớn của quốc tế; chủ động đóng góp xây dựng tại các diễn đàn quan trọng, thực sự là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trên cả ba cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu, thể hiện sâu sắc tinh thần thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Cầu nối cho một tiến trình hòa bình lịch sử

Có nhiều lý do để Việt Nam được cả Mỹ và Triều Tiên lựa chọn. Đất nước hình chữ S đáp ứng gần như hoàn hảo tất cả tiêu chí về một nước chủ nhà cho kỳ hội nghị thượng đỉnh mà cả hai nước mong đợi.

Trong những năm qua, cùng với nền chính trị ổn định, môi trường an ninh an toàn, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức thành công, an toàn tuyệt đối các hội nghị quốc tế tầm cỡ.

Nhìn về tương lai, Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đang là ứng cử viên duy nhất của nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương cho vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Có thể khẳng định Việt Nam có vai trò đáng tin cậy trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Việt Nam cũng nằm trong số ít quốc gia có mối quan hệ hữu nghị với cả Mỹ và Triều Tiên, đồng thời có vị trí địa lý thuận lợi cho việc di chuyển của lãnh đạo hai nước.

Với việc trở thành địa điểm gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Việt Nam ghi thêm dấu ấn như một quốc gia giành được sự tin cậy từ các bạn bè truyền thống đến những đối tác phát triển hàng đầu thế giới.

Điều này càng có ý nghĩa lớn lao khi trong quá khứ từng cần sự hỗ trợ của bên thứ ba trong tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh thì ngày nay Việt Nam đã trở thành một cầu nối kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á và thế giới.

Vi sao Viet Nam duoc lua chon la noi to chuc thuong dinh My-Trieu? hinh anh 2

Quốc kỳ Việt Nam, Mỹ và Triều Tiên trên khắp các tuyến phố Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Sự kiện này cũng một lần nữa khẳng định thành công của chính sách Đổi mới mà Việt Nam tiến hành trong hơn 30 năm qua. Con đường đúng đắn mà Đảng lựa chọn đã trao cho đất nước những vị thế mới trong cộng đồng quốc tế và là một hình mẫu phát triển đối với nhiều quốc gia.

Ông Grigory Lokshin, cán bộ nghiên cứu khoa học cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông-Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết việc Việt Nam tổ chức hội nghị quan trọng này cho thấy đây là một quốc gia có uy tín, được tôn trọng là đối tác triển vọng của nhiều nước.

Trong những ngày này, đất nước Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã sẵn sàng cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai với sự chuẩn bị tốt nhất trên tinh thần chu đáo, trọng thị, tạo thuận lợi tối đa cho hai đoàn đàm phán gặp gỡ, trao đổi.

Với tinh thần thiện chí, xây dựng và hữu nghị, Việt Nam hy vọng Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp, mở ra những bước tiến đáng kể hướng tới hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.

Thu Hạnh (TTXVN/Vietnam+)