1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á

Mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì lẽ đó, Người đã luôn thúc đẩy tinh thần đoàn kết với các nước Đông Nam Á trong cuộc đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột, trên tinh thần quốc tế vô sản và tuân thủ nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế. Vì vậy, trong Báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt, ngày 27/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước ta: “Chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản; kiên quyết đấu tranh chống chính sách xâm lược và gây chiến của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ; thực hiện chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị và xã hội khác nhau; kiên quyết ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập dân tộc; ủng hộ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”(1).

Xác định chủ trương đoàn kết quốc tế, thêm bạn bớt thù, giúp bạn là tự giúp mình, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã tăng cường đoàn kết, liên minh chiến đấu với nhân dân và các lực lượng vũ trang của hai nước bạn Lào và Campuchia trên tinh thần quốc tế cao cả, coi giúp bạn là tự giúp mình, thực hiện sự giúp đỡ vô tư, chí tình, chí nghĩa đối với các nước anh em. Từ đó, đã nhanh chóng hình thành một thế trận vững chắc của ba nước Đông Dương nhằm đánh thắng kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Chủ trương ấy được xác định từ rất sớm khi Người chủ trì Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 3/2/1930, và ngay sau đó trong Thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày 20/4/1931, Người viết: “VẤN ĐỀ TÊN ĐẢNG - Trung đề nghị chờ bao giờ Cao Miên và Lào có Đảng rồi sẽ nhập các Đảng lại và đổi tên. Thế là các đồng chí Trung không hiểu chỉ thị Quốc tế nói rằng Đảng phải gồm cả vô sản ở Đông Dương và không hiểu nhiệm vụ Đảng là phải làm cho Lào và Cao Miên có đảng bộ”(2). Không những vậy, Người còn yêu cầu Đảng ta làm tròn trách nhiệm vẻ vang là tham gia công việc giải phóng Đông - Nam châu Á: “Ta là Đảng Đông Dương, nhưng còn có nhiệm vụ giúp sức vào công việc giải phóng Đông - Nam châu Á nữa. Vì ở châu Á, về lực lượng thì sau Đảng Trung Quốc, Đảng ta là đảng mạnh; về thành tích, thì Đảng ta là Đảng đầu tiên ở Đông - Nam Á giành được chính quyền. Nói như thế không phải để tự cao, tự đại, mà để cố gắng làm tròn trách nhiệm”(3).

Với tinh thần: “Là một nước ở Đông Nam Á, chúng ta hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc trong khu vực này chống lại sự xâm lược và nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới”(4), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương đặt trọng tâm mở rộng quan hệ với các nước Đông Dương. Về quan hệ với Lào, Người khẳng định: “Đối với Vương quốc Lào, là nước láng giềng, chúng ta luôn luôn mong muốn và sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị về mọi mặt”(5). Với Campuchia, Người chủ trương: “Đối với Vương quốc Campuchia, chúng ta luôn luôn chủ trương xây dựng những mối quan hệ láng giềng hữu nghị”(6). Đồng thời, đối với các nước Đông Nam Á khác như Inđônêxia, Người cũng đề cao tinh thần ủng hộ của Việt Nam với nhân dân Inđônêxia: “Chúng ta hoàn toàn ủng hộ nhân dân Inđônêxia, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Xucácnô, kiên quyết đấu tranh chống khối “Đại Mã Lai”, do bọn đế quốc tạo ra, nhằm duy trì đặc quyền đặc lợi của chúng ở Đông Nam Á, làm bàn đạp tấn công phong trào giải phóng dân tộc trong khu vực này”(7). Vì vậy, trong Lời phát biểu tại buổi đón tiếp Ủy ban Quốc tế, ngày 12/8/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiệm vụ đối ngoại ưu tiên của Việt Nam đó là: “Cùng các nước láng giềng Đông Nam Á ăn ở hòa bình với nhau, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau ra sức giữ gìn hòa bình lâu dài ở châu Á và thế giới”(8)

2. Tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á theo tư tưởng Hồ Chí Minh khi Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 

Tư tưởng mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á của Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng những có giá trị lịch sử trong việc mở rộng, tăng cường đoàn kết với các nước trong khu vực lúc đó; điều này đã được lịch sử nền ngoại giao cách mạng Việt Nam chứng minh tính đúng đắn, khoa học và cách mạng; mà còn là kim chỉ nam trong mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước ASEAN trong bối cảnh Việt Nam vinh dự nhận trọng trách vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN và cũng là dịp kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN; đồng thời thực hiện vai trò kép là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Theo đó, tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước ASEAN hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á trong tình hình mới. Một mặt, chúng ta cần nhận thức đầy đủ hơn và coi trọng đúng mức tầm quan trọng chiến lược của ASEAN đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam phải phát huy, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng vững mạnh hơn, thực chất hơn; Việt Nam phải khẳng định vị thế Chủ tịch ASEAN để dẫn dắt ASEAN thành tổ chức khu vực không những vững mạnh về mặt nội bộ, mà còn phải tăng thêm uy tín, vai trò ở khu vực cũng như đóng góp vào tiến trình, sự quan tâm của toàn cầu. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á một cách sinh động.

Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Trong đó, chúng ta cần tiếp tục làm hết sức mình cùng các nước thành viên khác thực hiện thành công các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và coi đây là dịp để chúng ta tích cực thúc đẩy quan hệ song phương với các nước ASEAN và các đối tác, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế đất nước và quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Chúng ta cần tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm hơn trong hợp tác ASEAN và chung tay xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, gắn bó chặt chẽ và chủ động thích ứng có hiệu quả với các thời cơ, thách thức đặt ra.

Ba là, Việt Nam cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, của mọi lực lượng và mọi nguồn lực để đảm nhiệm và hoàn thành tốt cương vị Chủ tịch ASEAN. Trước mắt, chúng ta rất cần huy động sự ủng hộ, đồng thuận của các nước ASEAN và các nước bạn bè, đối tác của ASEAN, sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân dưới sự chỉ đạo điều hành của Ủy ban Quốc gia về năm Chủ tịch ASEAN 2020 để thực hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Bốn là, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân về vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam để tạo sự đồng thuận trong xã hội về nhận thức và hành động, huy động được sự tham gia và đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy hợp tác ASEAN hướng tới phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đó cũng là mục tiêu mang tính “nhân bản” khi Việt Nam gia nhập ASEAN và thực hiện trọng trách Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020.

(1) (4) (5) (6) (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.282-283; tr.282; tr.283; tr.283; tr.284
(2) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, tr.87-88
(3) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, tr.17
(8) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, tr.41-41
(9) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, tr.264 

TS Hà Sơn Thái - ThS Lê Xuân Huấn
Học viện Chính trị