Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường, chiều nay, 25/4, theo giờ địa phương, tức chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ba cuộc gặp và đối thoại với ba nhóm doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc và thế giới trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, tài chính-công nghệ-viễn thông.

Đây đều là những doanh nghiệp thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, thuộc các lĩnh vực đường sắt, xây dựng, khu công nghiệp, sản xuất điện và thiết bị điện, bảo hiểm, viễn thông, công nghệ.

Tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc đều bày tỏ ấn tượng về sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, nhất là những năm gần đây và cho rằng, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, nhất là lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, công nghệ, viễn thông, tài chính ngân hàng, đầu tư vào Việt Nam. Sự chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực, đang đưa Việt Nam trở thành một thị trường đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Lãnh đạo các doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam.  

Ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, một tập đoàn tư nhân của Trung Quốc, bày tỏ quan tâm tới dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam và cho rằng, đây không chỉ là một tuyến đường giao thông mà nó còn là 1 tuyến đường du lịch, nên Việt Nam cần sớm triển khai. Tập đoàn mong muốn đầu tư dự án này với công nghệ hiện đại nhất với thời gian bảo hành lâu dài.

Bà Jessica Tan, Tổng giám đốc Tập đoàn bảo hiểm Bình An là tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới cho biết, Tập đoàn hiện có tổng giá trị lên đến hơn 1.000 tỷ USD, với 1,8 triệu nhân viên trên toàn thế giới. 10 năm qua Tập đoàn đang đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ với mức đầu tư 7-8 tỷ USD/năm. Hiện Tập đoàn đang đi sâu phát triển lĩnh vực y tế thông minh, nông nghiệp thông minh. Tập đoàn cũng đã khảo sát, nghiên cứu kỹ thị trường nông nghiệp, giống cây trồng vật nuôi ở Việt Nam và mong muốn sớm đầu tư, hợp tác sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực công nghệ, ông Trương Kiện Bằng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Trung Hưng (ZTE) cho biết, doanh nghiệp này đã có 20 năm kinh doanh tại Việt Nam. Ông Trương Kiện Bằng bày tỏ ấn tượng về sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông; đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác trong lĩnh vực phát triển công nghệ 5G tại Việt Nam.

Trao đổi với các doanh nghiệp Trung Quốc về các vấn đề quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc quan tâm đến Việt Nam và cho biết, Việt Nam đang có nhu cầu lớn về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ, tài chính ngân hàng.

Thủ tướng cho biết, sáng nay ông đã có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề về thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Trung Quốc thời gian tới. Thời gian qua, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt tiềm năng hợp tác thương mại còn rất lớn. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất Đông Nam Á của Trung Quốc.  

thu tuong gap go cac doanh nghiep hang dau trung quoc hinh 2
Thủ tướng tiếp đại diện các tập đoàn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Nêu lên điều đó, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc là những thị trường lớn, quan trọng của nhau. Với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư trên toàn cầu. Hiện nay đã có trên 350 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài từ 130 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 28 nghìn dự án.

Thủ tướng cho biết, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng thời gian tới của Việt Nam là rất lớn, trong khi quy mô nền kinh tế còn nhỏ. Do vậy Việt Nam cần nhiều nguồn lực để phát triển, gồm cả nguồn lực tư nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước với phương thức hợp tác công-tư và các hình thức đầu tư khác. Trong đó có các dự án trong khuôn khổ kết nối “hai hành lang, một vành đai” với “Vành đai và Con đường”. Đây chính là cơ hội cho các dự án đầu tư tốt của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng, nhất là các doanh nghiệp có thực lực tài chính và công nghệ tới Việt Nam đầu tư, hợp tác cùng có lợi. Đặc biệt xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu Việt Nam coi là đột phá chiến lược và sẽ đấu thầu quốc tế để kêu gọi các nhà đầu tư theo hình thức BOT hoặc BT...

Đối với lĩnh vực năng lượng, Thủ tướng cho biết, Việt Nam mong muốn huy động nhiều nguồn lực cho phát triển năng lượng, nhất là các dự án năng lượng sạch, bao gồm khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế ngày càng lớn và nhu cầu điện năng tăng từ 10-15%/năm.

Thủ tướng cũng tán thành việc thúc đẩy hợp tác giữa Ngân hàng Phát triển Trung Quốc với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam để tăng cường số chuyến bay, chất lượng dịch vụ đường bay thẳng Việt Nam – Trung Quốc.

 

Theo Vũ Dũng/VOV