Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh rằng, lịch sử hơn thập kỷ tồn tại chứng kiến không ít lần bó lúa vàng ASEAN phải gồng mình qua giông bão. Nhưng qua đó, ASEAN lại trưởng thành, tự cường và vững vàng hơn trước. Chìa khóa thành công và sức mạnh của ASEAN chính là sự đoàn kết.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Chừng nào ASEAN còn giữ được đoàn kết và thống nhất, còn gắn kết được bởi những giá trị và lợi ích chung vượt lên trên những khác biệt của sự đa dạng, Cộng đồng ASEAN sẽ còn vững bền và trường tồn”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định.

"Gắn kết và Chủ động thích ứng" và 5 ưu tiên

Với dân số hơn 642 triệu người và diện tích hơn 1,7 triệu km2, ASEAN là một thị trường nhiều tiềm năng. Tăng trưởng kinh tế của ASEAN ổn định với  tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tổng quy mô thương mại khoảng 3.000 tỷ USD.

Không gian thị trường cũng rộng mở vươn tới những đối tác kinh tế hàng đầu thông qua các Hiệp định thương mại tự do riêng rẽ (FTA+1) và cả khối (RCEP) với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Dự báo đến năm 2050, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

Song tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp đặt ra nhiều thách thức đối với chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại…, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng. Xuất phát từ các vấn đề đặt ra cho ASEAN cũng như căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

“Việt Nam xác định việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN là trách nhiệm to lớn nhưng mang lại nhiều cơ hội”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nói. Theo đó, Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của các Chủ tịch ASEAN trước đây…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam thúc đẩy 5 ưu tiên với mong muốn ASEAN gắn kết cả về thể chế, kinh tế, cũng như con người, từ đó ASEAN có được lập trường chung, lợi ích chung, ứng xử nhất quán với các vấn đề thế giới và khu vực.

Ưu tiên đầu tiên là phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Tiếp đó, là thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh…

Ưu tiên thứ 3 là thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN để tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam cũng đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.

Cuối cùng là nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

“Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói và nhấn mạnh, công tác chuẩn bị mọi mặt về nội dung, lễ tân, vật chất - hậu cần, tuyên truyền - văn hóa, an ninh - y tế đã được khẩn trương triển khai.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. Ảnh: BNG

 

Việt Nam đã sẵn sàng

Năm 2020 là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN, cũng là dịp kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Theo ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Việt Nam đã chuẩn bị cả về tâm thế và cụ thể cho dấu mốc quan trọng này.

“Trong mấy chục năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm vừa qua, Việt Nam đã có những bước tiến rất dài”, ông Vinh nói và nhấn mạnh, Việt Nam đã vững mạnh ở trong nước cả về kinh tế, chính trị và các lĩnh vực khác. Đồng thời, hội nhập rất sâu rộng với quốc tế khi đã đàm phán ký kết nhiều FTA, kể cả những FTA có chất lượng cao, tiêu chuẩn cao; đăng cai tổ chức thành công các hội nghị lớn như APEC, thượng đỉnh Mỹ - Triều…

“Chúng ta đã chuẩn bị tâm thế cho nên mới ra được chủ đề cho năm ASEAN 2020. Tôi nghĩ rằng, gắn kết ở đây là tạo sức mạnh vừa đồng thuận, vừa nội khối của ASEAN trên cả 3 trụ cột. Còn thích ứng là bao gồm cả thích ứng của ASEAN với bên ngoài là các nước cạnh tranh để làm sao chơi được với cả hai”, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định.

Cũng để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, từ tháng 12/2018, Việt Nam đã thành lập Uỷ ban Quốc gia ASEAN 2020 để rà soát tất cả các mặt, từ vấn đề nội dung, hậu cần, đến an ninh kỹ thuật.

Ông Phạm Quang Vinh nói, “10 năm trước đây, chúng ta đã làm được. ASEAN đi vào giai đoạn mới, có hiến chương, bộ máy mới và xây dựng cộng đồng thì bây giờ chắc chắn chúng ta cũng làm được. Đội ngũ cán bộ của chúng ta chuyên nghiệp hơn rất nhiều, năng lực cán bộ cũng hơn rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có thể có nhiều đóng góp và có cả những dẫn dắt”.

Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ảnh: Mai Lân

 

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng rất lớn khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Bởi ASEAN đã được một chặng đường được coi là thành công, ai cũng trông đợi ASEAN thành công, không thể thất bại. “Làm Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta phải thành công”, nguyên Đại sứ nói về thách thức.

Trong khi đó, ASEAN hội nhập cao hơn thì phải hội nhập như thế nào? Bên cạnh các nước lớn, vậy làm sao để ASEAN đoàn kết? Nền kinh tế thế giới chuyển đổi dưới cách mạng số, cách mạng khoa học công nghệ, không đạt được điều này, ASEAN sẽ bị tụt hậu nhưng không phải nước nào cũng đã sẵn sàng cho câu chuyện nền kinh tế số. Dù vậy, theo ông Vinh, “thách thức đan xen với cơ hội”, quan trọng hơn là phải tranh thủ cơ hội.

Cho rằng, không nên quá lo ngại khi nghe những thách thức vì “trong thách thức có cơ hội”, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn phân tích, chúng ta có nền chính trị ổn định. Uy tín, vị thế của Việt Nam được các nước ủng hộ, sẵn sàng hỗ trợ tổ chức thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

“Không chỉ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN, Việt Nam còn đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Tôi nghĩ rằng, một lúc thực hiện 2 nhiệm vụ đó sẽ hỗ trợ cho nhau, đây là thuận lợi rất quan trọng”, ông Minh nêu ý kiến.

Các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, Việt Nam cũng đã có những thành công rõ ràng, không thể phủ nhận. Ông Minh dẫn chứng, từ mô hình kinh tế tập trung, hành chính hoá thì nay đã chuyển sang nền kinh tế thị trường; thu nhập bình quân đầu người từ chưa đến 200 USD/người thì giờ đã hơn 2.000 USD/người. Xuất khẩu thì đạt hàng trăm tỷ USD một năm…

“Với thắng lợi chung về chính trị, kinh tế và văn hóa như vậy đã nâng cao được uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta có thể nói là đã tự tin hơn sau lần đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2010”, GS.TS Phạm Quang Minh bày tỏ và cũng cho rằng, chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 “rất phù hợp”.

Theo vị Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, khi Việt Nam đưa ra chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” đã nhận được sự đồng thuận của các nước ASEAN. “Chủ đề này là mối quan tâm chung. Một khi các nước trong ASEAN đồng ý, nhất trí thì tôi nghĩ rằng, đấy cũng là một trong những thuận lợi để chúng ta có thể đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, mặc dù có rất nhiều thách thức”.

Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ đóng góp cùng ASEAN thực hiện thành công các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Và đây cũng là dịp để Việt Nam tích cực thúc đẩy quan hệ song phương với các nước ASEAN và các đối tác, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế đất nước và quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

Chung sức xây dựng Cộng đồng ASEAN

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995 đã mở ra bước chuyển chiến lược. ASEAN đang từ 2 phía đối đầu giờ đã hội nhập thành 10 nước trong một ASEAN.

“Quá trình đó thể hiện rằng, không chỉ hội nhập để thu hẹp khoảng cách mà còn để các nước cùng đóng góp một môi trường hòa bình, ổn định. Nhìn lại 25 năm qua, ASEAN đã trở thành tổ chức khác hẳn trước, từ khu vực Đông Nam Á 10 nước đối đầu thành một khu vực Đông Nam Á 10 nước ASEAN gắn kết với nhau hướng tới xây dựng cộng đồng”.

ASEAN đã xây dựng được một loạt các cơ chế hợp tác, chuẩn mực ứng xử chung cho khu vực này; gắn kết được các đối tác quan trọng nhất trên thế giới với khu vực để cùng tham gia hợp tác, xử lý những vấn đề thách thức.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ 6 từ phải sang) cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tham dự Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 20 (APSC-20). Ảnh: BNG

 

“Rõ ràng tiếng nói ASEAN bây giờ là tiếng nói đại diện những nguyên tắc chung nhất được các nước thừa nhận rộng rãi để ứng xử ở khu vực, không chỉ ở Đông Nam Á mà cả Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương. Tôi cho rằng, đây là chuyện rất quan trọng”, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phạm Quang Vinh, Việt Nam rất coi trọng ASEAN, là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Vì lợi ích hàng đầu của Việt Nam là qua ASEAN để xây dựng được môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển.

“Cùng với ASEAN, chúng ta đóng góp vào tiến trình hội nhập thì chính hội nhập này tạo cho Việt Nam mở rộng hội nhập cả khu vực và trên thế giới. Chúng ta đóng góp, ASEAN tạo được uy tín thì thông qua ASEAN chúng ta cũng nâng được uy tín”, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói.

Một thành viên “ốm”, cả cộng đồng không thể mạnh

GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn nhấn mạnh, sự ổn định về chính trị, thành công trong chuyển đổi kinh tế là đóng góp của Việt Nam với Cộng đồng ASEAN.

“Quan niệm ASEAN là một gia đình thì chữ gia đình rất quan trọng. Một thành viên ốm đau, thành viên có vấn đề thì đương nhiên cả cộng đồng cũng không thể nào có được sức mạnh. Tôi nghĩ, đóng góp của Việt Nam chính là từ những đổi mới bên trong của mình thì nó sẽ có sức lan tỏa ra với cộng đồng”.

GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Ảnh: CTV

 

Trở lại thời điểm năm 1995, GS.TS Phạm Quang Minh thấy, lúc đó uy tín, vị thế của Việt Nam còn thấp. “Chúng ta mới tiến hành công cuộc đổi mới được 9 năm thôi. Người ta còn rất nghi ngờ, có thể nói rất e ngại về một thành viên mới của ASEAN. Chúng ta cũng không hiểu biết ASEAN nhiều lắm”.

Trải qua 1/4 thế kỷ là thành viên của ASEAN, bây giờ, Việt Nam đã tạo dựng được môi trường hòa bình, ổn định. Về kinh tế thì trao đổi nội khối hay đầu tư của ASEAN đều nhiều, tạo nền tảng cho sự phát triển trong tương lai. Ngay cả cơ hội phát triển kinh tế biển của Việt Nam cũng rất lớn. Còn văn hoá, xã hội, Việt Nam vẫn khẳng định được bản sắc của mình trong tiến trình hội nhập.

Theo GS.TS Phạm Quang Minh, chúng ta ủng hộ mạnh mẽ ASEAN như vậy và ASEAN cũng ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam là vì có sự tương đồng về lợi ích, sự ngang bằng rất phù hợp về trình độ, cũng như có sự chia sẻ.

“Nếu như ai đó bây giờ vẫn còn cho rằng ASEAN chỉ là một talkshow, ASEAN chỉ là nơi mọi người đến gặp gỡ nhau rồi quay trở về tiếp tục công việc của mình, còn cam kết lỏng lẻo thì là sai lầm. Tôi nghĩ rằng, phải thay đổi lại nhận thức và 25 năm qua thực sự quá trình đã thay đổi. Thay đổi nhận thức về ASEAN là một thành công rất lớn của Việt Nam”, GS.TS Phạm Quang Minh nhận định.

“Gắn kết”: Thể hiện ý tưởng củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm.

“Chủ động thích ứng”: Là nâng cao năng lực thích ứng trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…, đồng thời cũng là nâng cao khả năng tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức do tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0.

“Gắn kết” và “thích ứng” là hai thành tố có tính giao thoa, bổ trợ chặt chẽ. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển cần gia tăng chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ.

300 hội nghị sẽ diễn ra

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau, trong đó quan trọng nhất là 2 dịp Hội nghị Cấp cao vào tháng 4 và tháng 11/2020 (khoảng 20 đoàn).

Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á sẽ diễn ra vào tháng 8/2020 và 1 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (khoảng 30 đoàn). Bên cạnh đó, là các Hội nghị Bộ trưởng của 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng phụ trách về Tội phạm xuyên biên giới, Kinh tế, Tài chính, Môi trường, Giao thông Vận tải… và nhiều Hội nghị cấp Thứ trưởng, cấp làm việc để chuẩn bị nội dung cho các hội nghị trên.

Hồng Hà