Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng mong muốn trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các học giả, chuyên gia nghiên cứu chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế, những khuyến nghị phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.

Về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, chính sách PCTN của Việt Nam coi phòng ngừa là giải pháp quan trọng, cơ bản và lâu dài. Luật PCTN 2005 đã dành toàn bộ Chương II, với 56 điều và Chương VI để quy định vai trò và trách nhiệm của xã hội trong công tác PCTN. Để nâng cao nhận thức cho giới trẻ, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo (Đề án 135) và được chính thức triển khai trên toàn quốc kể từ năm học 2014 - 2015. Trong các văn bản pháp luật chuyên ngành như trong lĩnh vực đấu thầu, mua sắm công, trong đầu tư, xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn từ Ngân sách, trong quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản, quản lý vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp… cũng có nhiều quy định phòng ngừa tham nhũng.


Đại diện các cơ quan chủ trì hội thảo. Ảnh: Phương Hiếu


Có thể nói, khuôn khổ pháp luật về phòng ngừa tham nhũng của Việt Nam tương đối toàn diện, tuy nhiên hiệu quả của các giải pháp này khi triển khai trong thực tế cho thấy còn nhiều hạn chế.

Về thu hồi tàn sản tham nhũng, Luật PCTN quy định nguyên tác “mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh” và “tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu. Tuy nhiên, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng đang là một thách thức. 

Theo Báo cáo Ccông tác PCTN năm 2014 của Chính phủ, kết quả thu hồi tài sản, số tiền thu hồi về ngân sách Nhà nước khoảng 1500 tỷ đồng/6740 tỷ đồng thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, đạt tỷ lệ 22,3%.

Cũng theo Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, tài sản bị đánh cắp do tham nhũng đang gây thất thoát nghiêm trọng đối với Ngân sách Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công và quản lý phần vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp. Trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, những kẻ tham nhũng cũng bớt xén cả phần thu nhập ít ỏi của người nghèo và các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Thực trạng đó đang đặt ra những thách thức trong việc thực hiện công bằng xã hội và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.


Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Hiếu


Tham nhũng là một thách thức toàn cầu, không phân biệt chế độ chính trị, khu vực địa lý hay truyền thống văn hóa. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, thể chế kinh tế thị trường đang từng bước được hoàn thiện; cấu trúc của nền kinh tế đang thay đổi, trong khi năng lực quản trị công còn hạn chế thì công tác PCTN còn là một thách thức lâu dài.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia trao đổi, thảo luận về một số vấn đề về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng; những quy định của UNCAC về cơ quan chuyên trách về PCTN và những khuyến nghị đối với Việt Nam. Đồng thời, lắng nghe những kinh nghiệm quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; vai trò của FIU Việt Nam thức hiện các biện pháp phòng ngừa và thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tịch thu tài sản trong nỗ lực PCTN, những ý kiến bình luận của đại biểu quốc tế để tiếp thu trong quá trình xây dựng chính sách và hoạt động quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình.

Kết quả của hội thảo sẽ được tổng hợp để hoàn thiện các báo cáo trình bày tại Đối thoại về PCTN lần thứ 13, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11.

Phương Hiếu