Khai mạc vào ngày 21/5 tại Hà Nội, Kỳ họp lần này sẽ xem xét, thông qua 13 Dự án Luật (Bảo hiểm tiền gửi; Phòng, chống rửa tiền; Giáo dục Đại học; Phòng, chống tác hại thuốc lá; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Giá; Công đoàn (sửa đổi); Giám định tư pháp; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Xử lý vi phạm hành chính; Quảng cáo; Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Biển Việt Nam), 7 Nghị quyết của Quốc hội và cho ý kiến 6 Dự án Luật (Xuất bản (sửa đổi); Dự trữ quốc gia; Hợp tác (sửa đổi); Quản lý Thuế (sửa đổi); Điện lực (sửa đổi); Luật sư (sửa đổi)).

Quốc hội cũng sẽ tập trung xem xét, thảo luận và quyết định các nội dung về  kinh tế - xã hội (KT-XH); báo cáo của Chính phủ về việc bổ sung tình hình KT - XH năm 2011 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển (KT-XH) năm 2012; công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012; Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét vấn đề nhân sự.

Điểm mới của Kỳ họp lần này, theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, sẽ có 42 phiên họp toàn thể (nhiều hơn so với khóa XII); các phiên thảo luận ở tổ giảm chỉ còn 7 phiên, 15 phiên họp được truyền hình trực tiếp; mở rộng hình thức phát thanh, truyền hình trực tiếp rộng rãi tới cử tri và nhân dân cả nước về hoạt động của Quốc hội, không chỉ có các phiên khai mạc và bế mạc kỳ họp; báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2011 và triển khai kế hoạch phát triển (KT-XH) và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2012, mà các buổi thảo luận ở hội trường về Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế và những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống xã hội, có phạm vi tác động, ảnh hưởng đến đông đảo tầng lớp nhân dân như Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Luật Xử lý vi phạm hành chính; chất vấn và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội cũng được truyền hình trực tiếp…

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc áp dụng đổi mới ngay trong kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Đề án Đổi mới của Quốc hội đã được thể hiện bao trùm nhiều nội dung như: Nâng cao chất lượng trong quá trình thảo luận trước khi diễn ra kỳ họp; tổ chức các hội nghị trực tuyến để tiếp thu đông đảo ý kiến của cử tri; toàn bộ tài liệu phục vụ Quốc hội chuyển vào e-mail của đại biểu chứ không in ấn như trước. Về vấn đề xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các báo cáo giám sát về tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ được trình Quốc hội kỳ này…

Dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong 1 tháng (bế mạc ngày 21/6).
Ánh Tuyết