Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Nguyên thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế xã hội trong thời gian qua, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cấp hệ thống hạ tầng, tạo tiền đề để các năm tiếp theo phát triển nhanh, bền vững, tương xứng là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô, Hà Nội góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước.
 
Chủ tịch nước nêu rõ, trong tình hình khó khăn chung của cả nước, kinh tế-xã hội địa phương không tránh khỏi các tác động như: chỉ số tăng trưởng chậm so với giai đoạn trước năm 2011, một bộ phận doanh nghiệp hoạt động gián đoạn, cầm chừng. 
 
Chủ tịch nước cho rằng, tỉnh cần chủ động kiến nghị, phối hợp với các cơ quan Trung ương; đồng thời chỉ đạo các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có, mở rộng thị trường, trở lại đà tăng trưởng khi nền kinh tế hồi phục. Hoan nghênh các địa phương thuộc tỉnh có nhiều nỗ lực trong nâng cấp hạ tầng, từng bước xây dựng thành công các mô hình nông thôn mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang căn dặn tỉnh cần phát huy vai trò người dân trong thực hiện quy chế dân chủ, chủ động khai thác mọi nguồn lực, tìm giải pháp sáng tạo phù hợp với thực tiễn.
 
Lắng nghe những kiến nghị của các cấp ngành, Chủ tịch nước nhấn mạnh, thời gian qua, Thái Nguyên thí điểm thành công được một số mô hình kinh tế kết hợp nhiều thành phần. Bởi vậy, trong giai đoạn tới tỉnh cần tập trung tháo gỡ những bất cập về cơ chế, tìm mô hình mới để phát triển, xem đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự đoàn kết, tập trung, nhất trí của Đảng bộ và chính quyền. 
 
Chủ tịch nước tin tưởng trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, phát triển kinh tế của tỉnh nhanh, bền vững, tạo sức lan tỏa trong khu vực.
 
Trong chương trình công tác tại Thái Nguyên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh, cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân khu I.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương cán bộ chiến sĩ Quân khu I trong làm tốt bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được, tạo môi trường thuận lợi để kinh tế-xã hội phát triển. 
 
Chủ tịch nước cho rằng Quân khu I có tới 90% diện tích là địa bàn miền núi; tình hình kinh tế-xã hội của các địa phương tuy đã có cải thiện, nhưng nhìn chung đời sống của nhân dân còn khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy cùng với nhiệm vụ công tác quốc phòng an ninh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu cần tham mưu cấp ủy chính quyền chăm lo phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống. Chủ tịch nước tin tưởng phát huy truyền thống anh hùng trên quê hương cách mạng, cán bộ chiến sĩ Quân khu I nỗ lực phấn đấu xây dựng toàn quân mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực sự là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
 
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với các cơ quan nội chính tỉnh Thái Nguyên về tình hình hoạt động thời gian qua và kết quả thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp.
 
Lắng nghe, ghi nhận và giải đáp những vấn đề được nêu trong buổi làm việc, Chủ tịch nước đánh giá cao kết quả đạt được của các cơ quan nội chính tỉnh Thái Nguyên trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị ở địa phương, cơ bản đáp ứng được lộ trình theo yêu cầu cải cách tư pháp đặt ra. Xuất phát từ các vấn đề thực tiễn của hoạt động điều tra xét xử, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Thái nguyên tiếp tục đổi mới tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác tư pháp.
 
Chủ tịch nước lưu ý, cùng với nâng cao chất lượng các hoạt động cải cách tư pháp, đảm bảo công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện kịp thời, đúng quy định, cần tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Thái Nguyên gần đây có sự tăng trưởng nhất định về kinh tế. Điều quan trọng là phải nhìn thấy trước những loại tội phạm có thể phát sinh trong quá trình phát triển để có giải pháp phòng ngừa.
 
Làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên và 30 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch nước đã nghe báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh về tình hình sản xuất kinh doanh các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Ghi nhận những ý kiến phát biểu của đại diện các doanh nghiệp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên trong chủ động, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ tay nghề người lao động, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn tỉnh. Chủ tịch nước biểu dương các cấp chính quyền, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh quan tâm đến những vướng mắc, đồng hành chia sẻ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. 
 
Chủ tịch nước cho rằng, ở cấp độ vĩ mô, Đảng, Nhà nước đang có nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; về phần mình, các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, tương trợ lẫn nhau, tập trung giải quyết khó khăn phát sinh, khai thác thị trường, giữ nhịp tăng trưởng.
 
Tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hoá giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với đồng bằng Bắc Bộ, là trung tâm giáo dục-đào tạo lớn của cả nước với 7 trường đại học, 23 trường cao đẳng và trung cấp, 53 cơ sở đào tạo nghề. Tỉnh đã được Chính phủ chỉ đạo xây dựng thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc thủ đô Hà Nội.
 
Để tạo điều kiện cho Thái Nguyên hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2012 và các năm tiếp theo, tại buổi làm việc, tỉnh đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ để xây dựng Thái Nguyên thành trung tâm vùng về kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá xã hội.
 
Trong phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung bố trí nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 3 cũ; tạo điều kiện và có cơ chế hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch; hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn, tăng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn đối ứng ODA, vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, bổ sung danh mục các dự án đường giao thông đến các xã, các công trình thuỷ lợi.
 
Hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ nguồn lực đầu tư tôn tạo khu di tích 27/7 tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ và Khu di tích lịch sử, địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915 tại Lưu Xá, Tp Thái Nguyên. Là địa phương có diện tích chè hàng đầu cả nước, tỉnh kiến nghị Trung ương xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Festival Trà tại tỉnh Thái Nguyên”, đưa cây chè trở thành thương hiệu Quốc gia.
 
Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cắt băng khánh thành công trình Nhà đón tiếp thuộc quần thể khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ; thăm hỏi động viên và tặng quà cho 10 gia đình chính sách tại xã Phú Đình.
 
(Theo TTXVN)