Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ

Thứ bảy, 02/04/2011 - 07:39

(Thanh tra)- Cách đây 101 năm, ngày 8/3/1910, Đại hội Phụ nữ Quốc tế lần thứ 2 về lao động nữ tại Co-pen-ha-gen (thủ đô Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với khẩu hiệu: Ngày làm việc 8 giờ; việc làm ngang nhau; bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Từ đó, ngày 8/3 đã trở thành ngày hội truyền thống của phụ nữ lao động trên toàn thế giới.

Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội của Việt Nam đứng thứ 31 trên thế giới và dẫn đầu trong 8 nước ASEAN có Nghị viện. Ảnh(Việt Dũng)

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ". Từ những ngày đầu khởi nghĩa, đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lịch sử ghi nhận hàng vạn các mẹ, các dì, các chị không tiếc máu xương để chiến đấu, cống hiến cho độc lập dân tộc. Thời kỳ đổi mới, phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, là những người cần cù, không ngại gian khó, vượt lên đói nghèo, lạc hậu, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng rộng rãi vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như: Tham gia quản lý Nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Ngay từ khi mới ra đời, Ðảng ta đã chủ trương thực hiện "nam, nữ bình quyền". Ðiều 9 Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã khẳng định: "Ðàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện". Ðảng đã đề ra chủ trương, đường lối giải phóng phụ nữ gắn với sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa"...

Trải qua các thời kỳ lịch sử đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng đất nước, Ðảng và Nhà nước ta luôn xác định phụ nữ là lực lượng cách mạng quan trọng, cho nên đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, chính sách thực hiện bình đẳng giới (BĐG). Bởi, như châm ngôn nhiều người thường nhắc, phụ nữ là "nửa thế giới", phụ nữ là một nửa nhân loại, không huy động được phụ nữ tham gia thì cách mạng không thể thắng lợi.

“Cách mạng Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế cũng nhờ đàn bà con gái giúp vào. An Nam cách mạng cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, xem trong lịch sử cách mạng chẳng lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia… Vậy nên, muốn thế giới cách mệnh thành công thì phải vận động đàn bà, con gái công nông các nước”. “Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”.  Đây là tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm đó là sự vận dụng và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta… Mục tiêu của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, trong đó có nội dung giải phóng phụ nữ.

Một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là mục tiêu cơ bản của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, tạo điều kiện cho mọi người, trong đó phụ nữ có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện để phát triển toàn diện. Giải phóng phụ nữ là mục tiêu của cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo có nội dung phong phú, song trước hết phải tập trung giải quyết và loại bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giải phóng đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông”.

Việt Nam là quốc gia ở châu Á, chịu ảnh hưởng và tác động nhiều của tư tưởng Nho giáo, ý thức hệ phong kiến để lại dấu ấn đậm nét và hậu quả nặng nề trong ý thức và đời sống xã hội. Đó là tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một nam là có, mười nữ cũng là không)...”. Đây là một trong những rào cản lớn trong tiến trình giải phóng và phát triển xã hội. “Trọng trai, khinh gái là một thói quen mấy ngàn năm để lại… nó ăn sâu trong óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”, cần được loại bỏ. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Chúng ta làm cách mạng là để giành lấy tự do, độc lập, dân chủ, bình đẳng trai gái đều ngang quyền nhau”. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Đây là nội dung mang tính nhân văn, tính cách mạng trong đường lối cách mạng của Đảng ta.

Từ sự quan tâm sâu sắc của Ðảng, Nhà nước và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, của mọi tầng lớp nhân dân và sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về BĐG và tiến bộ phụ nữ. Điểm lại trong vòng 10 năm gần đây, đã có hàng ngàn phụ nữ Việt Nam trở thành những tấm gương sáng về trí tuệ, của ý chí vươn lên và thành đạt.

Đất nước ta vẫn lưu giữ được nhiều nét truyền thống, nhưng thực hiện sự BĐG đã ngày càng trở nên phổ biến. Người phụ nữ nhận được sự thông cảm, chia sẻ, động viên của gia đình và xã hội. Họ trở nên tự tin hơn, từ đó phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo và liên tục chinh phục những đỉnh cao trên mọi lĩnh vực. Kể cả những lĩnh vực bấy lâu nay vốn chủ yếu dành cho nam giới như khoa học kỹ thuật thì gần đây đã xuất hiện nhiều cái tên của các “quý bà”.  Điều đó chứng tỏ thêm, trong phụ nữ Việt Nam vốn luôn hội tụ đầy đủ những tố chất hoàn hảo nhất, từ thiên chức chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, đến gánh vác công việc xã hội. Vấn đề là tạo cơ hội để họ phát huy những tố chất đó một cách thật hoàn hảo.

Sự BĐG đang diễn ra trong từng gia đình và cả xã hội. Đó là một điều kiện lý tưởng giúp cho người phụ nữ phát triển.

Phụ nữ nước ta chiếm hơn 49% trong tổng số lao động có việc làm và 83% trong số lao động tham gia hoạt động kinh tế; tỷ lệ lao động nữ có chuyên môn kỹ thuật bậc cao trong các lĩnh vực đạt ở mức hơn 47%; tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận dịch vụ y tế tăng từ 83,5% năm 2005 lên hơn 85% năm 2008; tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội đứng thứ 31 trên thế giới và dẫn đầu trong 8 nước ASEAN có Nghị viện; khoảng cách giới trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam ngày càng được thu hẹp với kết quả là 0,894 (so với mức độ BĐG được quy định là 1); chỉ số khoảng cách giới đứng vị trí thứ 68 trong số 130 nước... (Số liệu dẫn lại theo Báo Nhân dân, ngày 8/3/2010). Nhận thức xã hội về BĐG được nâng lên. Phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn. BĐG ở Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình phụ nữ và công tác phụ nữ ở nước ta còn nhiều hạn chế. Trong cơ chế thị trường cùng với những tác động tiêu cực, đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội liên quan trực tiếp đến phụ nữ. Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”; tình trạng ngược đãi phụ nữ, bạo hành gia đình và một số tệ nạn xã hội có tác động tiêu cực tới sức khỏe và đời sống của phụ nữ; luật pháp, chính sách về BĐG triển khai thực hiện còn chậm. Công tác vận động phụ nữ cũng còn những bất cập. Tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo còn thấp, không đồng đều ở các lĩnh vực và chưa tương xứng với lực lượng phụ nữ trong xã hội... Nguyên nhân là do chưa hết các hiện tượng phân biệt đối xử, định kiến về giới trong các tầng lớp xã hội, nhóm dân cư. Một số cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp chưa quán triệt đầy đủ quan điểm về công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Ðảng, là yêu cầu khách quan. Do vậy, đã dẫn đến những biểu hiện hẹp hòi, đánh giá và sử dụng cán bộ nữ thiếu khách quan, công bằng.

Xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ càng có chỗ đứng vững chắc hơn trong các lĩnh vực đời sống, xã hội. Đó là sự công bằng và cũng là nét đẹp của văn hóa hiện đại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ

Ngày 24/12/2010, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã ký Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 - 2020. 
 
Mục tiêu tổng quát là: Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
 
Để bảo đảm mục tiêu trên, Chiến lược đề ra các giải pháp chung là:
 
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác BĐG. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về BĐG. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BĐG. Thực hiện lồng ghép vấn đề BĐG vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến BĐG hoặc có vấn đề bất BĐG, phân biệt đối xử về giới. Thực hiện lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch của bộ, ngành; trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về BĐG. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác BĐG.
 
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về BĐG trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.
 
Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình Quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 nhằm hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương giải quyết những vấn đề trọng tâm của công tác BĐG.
 
Phát triển hệ thống dịch vụ có chất lượng nhằm hỗ trợ nữ và nam bình đẳng về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường xã hội hóa và phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động về BĐG.
 
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho công tác BĐG; chi ngân sách Nhà nước cho công tác BĐG theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành; ưu tiên nguồn lực cho những ngành, vùng, khu vực có bất BĐG hoặc có nguy cơ cao về bất BĐG, vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng miền núi còn nhiều tập tục lạc hậu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Tăng cường công tác nghiên cứu về BĐG trên các lĩnh vực. Xây dựng cơ sở dữ liệu về BĐG phục vụ công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách về BĐG. Xây dựng Bộ chỉ số giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật BĐG.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế đa phương, song phương về BĐG.
Tâm Anh

Thanh Nguyễn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm