Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về các kế hoạch phát triển KT - XH

Thứ bảy, 01/10/2011 - 21:34

Ngày 1/10, ngày làm việc cuối cùng phiên họp thứ 2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu nghe và cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện phát triển kinh tế-xã hội.

Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc hôm nay, 1/10/2011

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến đối với báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015; chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015.

Các ý kiến của UBTVQH cơ bản tán thành với các báo cáo của Chính phủ.

Kinh tế- xã hội giai đoạn 2006- 2010 tăng trưởng khá

Ủy ban Kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua đạt 7%, mặc dù thấp hơn so với kế hoạch đề ra nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nước ta gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình.

An sinh xã hội nói chung, nhất là khu vực nông thôn được đảm bảo, tạo việc làm mới đạt kế hoạch, góp phần ổn định chính trị, xã hội…

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng như các ý kiến của UBTVQH đề nghị Chính phủ đánh giá thêm một số vấn đề như có tới 10/24 chỉ tiêu của 5 năm qua không đạt kế hoạch; hiệu quả kinh tế giảm so với giai đoạn 2001- 2005; kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc; an ninh, trật tự, an toàn xã hội còn xảy ra nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng.

Chú trọng tăng trưởng bền vững

Theo dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011- 2015, Chính phủ đặt mục tiêu tổng quát là ưu tiên kiểm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh…

Chính phủ cũng dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn này là tăng trưởng GDP là khoảng 6,5% và 7%, đồng thời đề xuất là chọn kịch bản thứ 2- tăng trưởng GDP là 7%.

Tuy nhiên, các ý kiến của UBTVQH cho rằng nên chọn kịch bản thấp nhất- là kịch bản 1 với mức tăng khoảng 6,5%.

Việc giảm chỉ tiêu tăng trưởng theo UBTVQH là phù hợp với tình hình kinh tế thế giới đang xấu đi, khủng hoảng nợ công ở các nước phát triển và tình hình lạm phát trong nước đang cao. Đồng thời việc giảm chỉ tiêu đã thể hiện rõ việc chuyển mục tiêu phát triển nhanh, bền vững sang phát triển bền vững vì nguồn lực của nước ta hiện chưa đầy đủ.

Quan điểm chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu của Chính phủ cũng nhận được sự ủng hộ của UBTVQH, khi cho rằng trong khoảng 2 - 3 năm đầu sẽ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và khởi động mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thời gian còn lại sẽ phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ từ các năm sau cần có kịch bản phát triển KT- XH cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch 5  năm. Về chỉ số giá tiêu dùng, từ năm 2012 phải kiểm soát bằng được ở mức 1 con số. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng cần phải đặt vấn đề rằng CPI sẽ giảm dần và ở mức khoảng 5% vào năm 2015.

Về các cân đối lớn của nền kinh tế trong đó có cân đối ngân sách nhà nước, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cơ cấu lại thu chi ngân sách một cách hiệu quả, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác lập dự toán, cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước. Đảm bảo sự tập trung của ngân sách nhà nước, trong đó ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, tăng cường phân cấp cho ngân sách địa phương trên nguyên tắc Trung ương hỗ trợ, địa phương tự cân đối và chịu trách nhiệm.

Ủy ban Kinh tế đề nghị một số định hướng trong cân đối ngân sách nhà nước như đưa nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vào cân đối ngân sách nhà nước hàng năm, bắt đầu áp dụng từ năm 2013; quan tâm hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, giao chỉ tiêu cụ thể tăng mức đầu tư hàng năm theo Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là điểm nhận được sự đồng tình của UBTVQH.

Bổ sung các giải pháp cụ thể

Thực hiện Kế hoạch 5 năm tới, Chính phủ nêu 11 nhóm nhiệm vụ định hướng và giải pháp, trong đó tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ giải pháp cấp bách cần triển khai ngay trong năm 2012 gồm: nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; định hướng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại.

Về các giải pháp thực hiện Kế hoạch, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần bổ sung các giải pháp cụ thể hơn nữa như giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp phải làm từng bước như thế nào để người dân hiểu được rằng sẽ làm cho doanh nghiệp lớn lên, mạnh mẽ hơn.

Kết luận về việc xây dựng kế hoạch KT-XH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng báo cáo kế hoạch của Chính phủ cần đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sâu sắc hơn ở các yếu tố chủ quan (trình độ quản lý, điều hành), đồng thời làm rõ hơn những thuận lợi cũng như thách thức để làm sáng tỏ mục tiêu của 5 năm tới.


(Chinhphu.vn)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Trung Hà

21:14 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm