Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 18/05/2013 - 15:22
Sáng 18/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Liên bang Nga V.Putin. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả nổi bật của chuyến thăm, những chuyển biến trong đàm phán FTA giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan, triển vọng hợp tác Việt Nam-Liên bang Nga và Việt Nam-Belarus trong thời gian tới.
- Thủ tướng Chính phủ vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và Belarus, những nước bạn bè truyền thống của Việt Nam. Xin Thứ trưởng cho biết kết quả nổi bật nhất qua chuyến thăm chính thức tới hai nước này?
- Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 12-15/5 và thăm chính thức Cộng hòa Belarus từ ngày 16-17/5. Đây là chuyến thăm thể hiện được được cao nhất quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, cũng như quan hệ truyền thống rất hữu nghị giữa Việt Nam và Belarus.
Trong chuyến thăm này, các kết quả nổi bật được thể hiện trên nhiều phương diện. Ở cả hai nước, tại các cấp, các ngành và mọi nơi Thủ tướng tới thăm, các bạn đón tiếp đoàn rất trọng thị, chân thành, cho thấy sự gần gũi giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Nga và nhân dân Belarus. Các cuộc tiếp xúc diễn ra với tinh thần cởi mở, xây dựng và thẳng thắn, thể hiện mong muốn đưa quan hệ giữa Việt Nam với Liên bang Nga và Belarus ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và có hiệu quả, đáp ứng được lợi ích của tất cả các bên.
Tổng thống Putin đánh giá quan hệ Nga-Việt là có một không hai, còn Tổng thống Belarus Lukashenko đánh giá quan hệ Belarus với Việt Nam là đặc biệt dựa trên nền tảng hữu nghị lâu đời.
Về kết quả cụ thể, với Liên bang Nga, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là để triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thông qua từ 2012 với những danh mục thực hiện ưu tiên cho năm 2013 rất cụ thể trên tất cả các trụ cột, từ chính trị đến kinh tế thương mại, đến hợp tác quốc phòng an ninh, đến các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân giữa ta và Liên bang Nga. Phải nói rằng đây là một bước tiến rất sâu, cụ thể trên tất cả các lĩnh vực. Đây là kết quả đầu tiên.
Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, lãnh đạo cấp cao hai nước đều chưa thỏa mãn với kết quả hiện nay, mặc dù tốc độ tăng trưởng hiện nay là trên 20% một năm, mức tăng trưởng nhanh trong vài năm qua. Lãnh đạo cấp cao ta và Nga đều mong muốn phải tạo ra đột phá mới trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, trong đó có ưu tiên thúc đẩy đàm phán Hiệp định FTA về tự do thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên minh hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan để tạo ra cú hích; các nhà lãnh đạo cùng chia sẻ nhận thức chung rằng nếu đàm phán thành công Hiệp định FTA, kim ngạch thương mại giữa hai nước không chỉ dừng ở mức tăng gấp 2, mà tăng gấp 3 lần, rồi nhiều lần nữa trong những năm tới. Đây là kết quả thứ hai.
Kết quả thứ ba là các dự án hợp tác chiến lược giữa hai bên được thống nhất thời gian qua đang được triển khai rất hiệu quả. Ví dụ như trong lĩnh vực dầu khí, giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong chuyến đi lần này có 6 hợp đồng và thỏa thuận được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các tập đoàn dầu khí hàng đầu của Liên bang Nga như Rosneft, Gazprom, Zarubezneft... Những thỏa thuận hợp tác này không chỉ trên cơ sở những dự án hợp tác chúng ta đã có trước đó, mà là sự mở rộng hợp tác, không chỉ khai thác ở thềm lục địa Việt Nam mà còn mở rộng sang khai thác ở những vùng mới của Liên bang Nga, thậm chí còn cam kết mở rộng hợp tác sang khai thác ở nước thứ ba. Đây là nội dung hợp tác rất quan trọng.
Một minh chứng cụ thể là khi Thủ tướng Việt Nam gặp đại diện Tập đoàn Rosneft, bạn trao ngay cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam 8 lô dầu khí để xem xét hợp tác liên doanh khai thác ở Nga, với trữ lượng đã xác định khoảng 200 triệu tấn, trữ lượng dự báo là khoảng nửa tỷ tấn dầu. Đây là hợp đồng dầu khí chỉ dành cho hợp tác với Việt Nam .
Kết quả thứ tư là hợp tác chiến lược về các nhà máy điện hạt nhân. Trong cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng, cũng như trong cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Putin, cả hai bên đều rà soát và thấy rằng tiến độ thực hiện dự án đúng như cam kết thỏa thuận giữa hai bên, đặc biệt là cam kết phải đưa được những công nghệ an toàn nhất, hiện đại nhất vào xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và đến nay tiến độ diễn ra đúng như dự kiến. Bạn cam kết không chỉ hợp tác xây dựng với Việt Nam nhà máy điện hạt nhân, mà còn giúp ta xây dựng ngành điện hạt nhân trong tương lai, bao gồm xây dựng cả trung tâm khoa học công nghệ về điện hạt nhân, đào tạo cán bộ, kỹ sư cho ngành điện hạt nhân của Việt Nam. Hiện nay đã có 163 chuyên gia, kỹ sư của Việt Nam sang học ở đây, và tháng 9 này sẽ có tiếp 70 chuyên gia sang đào tạo ở Liên bang Nga. Do vậy, chúng ta thấy rằng quan hệ hợp tác là rất sâu sắc.
Kết quả thứ năm là hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng an ninh được mở rộng, không chỉ dừng ở trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mà đi vào các hợp tác rất cụ thể. Trong quốc phòng an ninh, Liên bang Nga coi Việt Nam là một đối tác rất tin cậy và chuyển giao những kỹ thuật quân sự rất hiện đại cho chúng ta. Trên tinh thần đó, các thỏa thuận hợp tác về kỹ thuật quân sự cũng được hai bên bàn thảo và triển khai theo đúng tinh thần của đối tác chiến lược toàn diện đã được triển khai thời gian qua.
Bên cạnh đó, những hợp tác khác như giáo dục đào tạo, giao lưu giữa nhân dân hai nước qua tất cả các kênh đều sẽ được triển khai tích cực trong thời gian tới. Liên quan đến giáo dục đào tạo, Tổng thống Putin khẳng định sẽ cung cấp tín dụng ưu đãi để chúng ta xây dựng Trường Đại học Công nghệ Việt-Nga tại Hà Nội để đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực cho Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hai bên khuyến khích phát triển hợp tác của các địa phương, tăng cường quan hệ trong lĩnh vực nhân văn nhằm tạo nền tảng vững chắc phát triển quan hệ hợp tác Việt-Nga.
Về tổng thể, trong chuyến thăm Liên bang Nga, hai nước đã đạt được mốc mới trong quan hệ song phương, hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên.
Với Cộng hòa Belarus, nội dung hợp tác trong chuyến thăm lần này cũng rất cụ thể và sâu sắc. Sau chuyến thăm của Thủ tướng bạn sang ta năm 2011, lần này Thủ tướng ta sang thăm bạn, hai bên đã đưa ra một Danh mục để hai bên cùng nhau hợp tác trong tương lai, trên 3 lĩnh vực rất quan trọng.
Một là hợp tác xây dựng liên doanh, liên kết để giúp Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, bởi vì Belarus có thế mạnh rất lớn trong xây dựng ngành công nghiệp này.
Hai là hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, bạn cũng có nhu cầu rất lớn về hàng thủy sản, hàng nông nghiệp, rất muốn liên doanh liên kết với ta để sản xuất, xuất khẩu hàng của chúng ta sang Belarus, đặc biệt là những mặt hàng mà chúng ta có thế mạnh. Và ngược lại, trong những lĩnh vực bạn có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, thì sẽ liên doanh liên kết với chúng ta tại Việt Nam cho việc sản xuất, chế tạo những mặt hàng máy móc.
Ba là Belarus cũng là một đối tác truyền thống của Việt Nam , đã giúp chúng ta đào tạo rất nhiều kỹ sư trong quá khứ, hiện nay hai bên cũng đã thỏa thuận sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác giáo dục đào tạo trong tương lai. Đặc biệt, bạn cam kết sẽ tăng số học bổng cho học viên của chúng ta sang đào tạo ở Belarus. Như vậy, đây sẽ là triển vọng rất lớn cho cả hai bên.
Ngoài ra, lãnh đạo hai nước đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tăng kim ngạch song phương, cân bằng cán cân thương mại, tăng đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Chính phủ Belarus quyết định sẽ có hỗ trợ ưu đãi về tín dụng và bảo hiểm xuất nhập khẩu, cam kết xem xét dỡ bỏ một số rào cản hành chính và thuế quan; tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Belarus học tập, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Belarus.
Kết quả tổng thể chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Liên bang Nga và Belarus lần này cho thấy chúng ta đã đưa quan hệ với hai nước đi vào chiều sâu hiệu quả và thiết thực, đáp ứng lợi ích của các bên. Về hợp tác trên trường quốc tế, Liên bang Nga và Belarus đều khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới; bày tỏ lập trường hết sức tích cực đối với vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982.
- Liên quan đến đàm phán FTA giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan, xin Thứ trưởng cho biết những động thái chuyển biến cụ thể hơn sau chuyến thăm của Thủ tướng tới hai nước này?
- Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Khi Việt Nam và Liên minh thuế quan khởi động Hiệp định FTA, bạn cho biết đây là Hiệp định đầu tiên Liên minh hải quan đàm phán với một nước ở bên ngoài, với mong muốn xây dựng một hình mẫu về đàm phán FTA trong tương lai bởi vì Nga cũng như Belarus và Kazakhstan trong chiến lược của mình hướng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam là một đối tác rất quan trọng trong khu vực, bạn khẳng định khởi động cuộc đàm phán này với tinh thần quan hệ truyền thống lâu đời, cũng như sự tin cậy rất cao giữa hai bên. Các bên đã kết thúc được vòng 1 đàm phán.
Trong lần này, tại tất cả các cuộc gặp cấp cao, các bên đã đặt ra những lộ trình rất cụ thể. Thủ tướng ta đã thống nhất với lãnh đạo cấp cao của Liên bang Nga và Belarus phải đẩy nhanh tốc độ đàm phán; các nhà lãnh đạo xác định cố gắng sớm trong vòng hai năm kết thúc đàm phán. Hiệp định FTA này sẽ mở ra tiềm năng rất to lớn cho quan hệ kinh tế thương mại, không chỉ là việc xuất khẩu hàng của Việt Nam sang Liên minh hải quan, mà ngược lại các bạn cũng tiếp cận được thị trường của Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương, đáp ứng được lợi ích của tất cả các hai bên.
Điều quan trọng thứ hai là sau cú hích về thương mại, dự kiến sẽ tăng rất nhanh sau khi FTA có hiệu lực, sẽ là sự chuyển biến từ hợp tác thương mại sang liên doanh, liên kết đầu tư, và góp phần tạo ra làn sóng đầu tư, có thể các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại các nước trong Liên minh hải quan và ngược lại, các doanh nghiệp có thế mạnh của các nước trong Liên minh hải quan sẽ vào đầu tư ở Việt Nam. Như vậy sẽ tạo ra sự đan xen lợi ích rất chặt chẽ giữa hai bên và đáp ứng tốt nhu cầu của chúng ta trong thời gian tới, vừa phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đáp ứng mong mỏi của nhân dân các bên là phát huy truyền thống quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với Liên bang Nga và Belarus, phục vụ cho lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
- Xin Thứ trưởng cho biết triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga, Việt Nam-Cộng hòa Belarus trong thời gian tới?
- Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Triển vọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Liên bang Nga và quan hệ hữu nghị truyền thống với Cộng hòa Belarus là rất tốt.
Việt Nam và các nước còn nhiều tiềm năng to lớn để tiếp tục làm sâu sắc và mở rộng quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực mới. Việt Nam với Liên bang Nga và Belarus đã thiết lập nhiều cơ chế nhằm duy trì động năng phát triển tích cực trong quan hệ song phương; với Liên bang Nga có Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, Đối thoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh thường niên, tham vấn chính trị định kỳ giữa hai Bộ Ngoại giao; với Belarus là Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật.
Việc thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt cấp cao nhất, mở rộng hợp tác theo đường Đảng, Nhà nước và Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần củng cố quan hệ song phương theo hướng thực chất, cụ thể, tập trung vào các lĩnh vực là thế mạnh của nhau, chú trọng nội dung kinh tế-thương mại.
Trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tôi tin tưởng rằng, hợp tác Việt Nam-Liên bang Nga sẽ được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ trên nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực hợp tác. Quan hệ chính trị sẽ không ngừng được thúc đẩy với độ tin cậy cao. Quan hệ kinh tế tiếp tục dựa trên các trụ cột là thương mại, năng lượng bao gồm dầu khí, điện hạt nhân, đầu tư với nhiều dự án chiến lược. Hợp tác quốc phòng-an ninh, đặc biệt là kỹ thuật quân sự sẽ được nâng lên tầm cao mới. Hợp tác khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo phát triển sẽ được nâng lên tầm chiến lược, chú trọng chuyển giao công nghệ, tiếp tục thành lập các trường đại học liên doanh giữa hai nước, tạo thêm kênh đào tạo tại chỗ chuyên gia có trình độ cao cho Việt Nam.
Với Belarus, quan hệ chính trị có độ tin cậy cao là cơ sở vững chắc để hai nước phát triển hợp tác trên các lĩnh vực khác, trong đó có hợp tác thương mại và đầu tư trên một số lĩnh vực cụ thể hai bên có thế mạnh, có thể hỗ trợ cho nhau.
Những kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm Liên bang Nga và Belarus sẽ tiếp tục củng cố và phát triển mạnh mẽ mối quan hệ hữu nghị truyền thống có bề dày lịch sử được Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus vun đắp trong nhiều thập kỷ qua, đáp ứng lợi ích của nhân dân các nước trong thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.
Theo Thiện Thuật (TTXVN)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ… theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Hương Giang
23:28 11/12/2024(Thanh tra) - Sau khi hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Kinh tế, Tài chính dự kiến sẽ giảm được 22 đầu mối, không còn tổng cục.
Hương Giang
23:23 11/12/2024Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà