Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thông qua danh sách 47 người được lấy phiếu tín nhiệm

Thứ hai, 10/06/2013 - 00:26

Sáng 10/6, với 476 đại biểu tán thành (95,58% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua danh sách 47 người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Nhấn mạnh đến những căn cứ quan trọng để xem xét, đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người thuộc diện được bỏ phiếu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ tất cả những người thuộc diện này đều đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, tự đánh giá về kết quả công tác theo chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời gian từ khi được bầu giữ chức vụ được giao và nhất là 1 năm vừa qua. Đây là nguồn thông tin quan trọng nhất để các đại biểu Quốc hội cân nhắc, xem xét trước khi tiến hành bỏ phiếu.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, một căn cứ khác cũng cần được chú ý là tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, tư pháp của đất nước. Diễn biến này phản ánh kết quả hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung cũng như của những người thuộc diện lấy phiếu nói riêng. Chính căn cứ này cho thấy những việc đã làm được và cả những tồn tại, yếu kém, chậm được khắc phục, khắc phục chưa hiệu quả trên từng lĩnh vực để Quốc hội xem xét, đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, kết quả hoạt động của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ tới nay trên các mặt lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kết quả chất vấn…cũng là căn cứ để xem xét từng lĩnh vực quản lý Nhà nước. Một nguồn thông tin khác cũng rất đáng chú ý, theo Chủ tịch Quốc hội là kiến nghị của cử tri cả nước trên mọi lĩnh vực được báo cáo trước Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đồng bào, cử tri cả nước đều biết, các đại biểu Quốc hội thông qua hoạt động của mình với tư cách đại diện cho cử tri, tiến hành đánh giá một cách toàn diện đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước và các vị được lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm đòi hỏi mỗi Đại biểu Quốc hội phải khách quan, thận trọng và chính xác và hết sức công tâm để đảm bảo chất lượng hoạt động của Quốc hội.

"Tôi cũng là một người tham gia bỏ phiếu và cũng là người được Quốc hội đánh giá tín nhiệm, bỏ phiếu. Vì vậy, tôi có hai tâm trạng, vừa hồi hộp chờ đợi kết quả xem Quốc hội đánh giá mình thế nào để tiếp tục phấn đấu; đồng thời cũng có tâm trạng đánh giá, bỏ phiếu đồng chí khác," Chủ tịch Quốc hội nói.

Đây thực sự là cuộc bỏ phiếu kép. Cử tri bỏ phiếu cho đại biểu Quốc hội còn đại biểu Quốc hội thì bỏ phiếu, thực hiện quyền năng chính trị, quyền năng pháp lý của chính đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng, Quốc hội sẽ hoàn thành tốt trọng trách trước Đảng, Nhà nước; trước cử tri và nhân dân cả nước.

Liên quan đến tiêu chí để xem xét danh sách những người thuộc diện được bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, phải thỏa mãn các điều kiện như đang giữ chức vụ được Quốc hội bầu và phê chuẩn; có thời gian giữ chức vụ đó khoảng 1 năm. Danh sách này do Quốc hội quyết định tại phiên họp lấy phiếu tín nhiệm.

Đối với trường hợp ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ông Huệ từng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính nhưng đã được Quốc hội miễn nhiệm để nhận nhiệm vụ công tác khác. Ông Huệ có đủ thời gian giữ chức vụ theo quy định nhưng hiện không còn là Bộ trưởng Tài chính, vì vậy ông Huệ sẽ được tiến hành lấy phiếu ở đơn vị công tác mới.

Ông Đinh Tiến Dũng mới được Quốc hội bầu giữ chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính, chưa đủ thời gian công tác để tiến hành đánh giá tín nhiệm. Ông Dũng cũng đã được Quốc hội miễn nhiệm, còn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước nên không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Ông Nguyễn Hữu Vạn, mới được Quốc hội bầu giữ chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước nên chưa đủ điều kiện về thời gian để đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm.

Vì vậy, không đưa các vị này vào danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp lần này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 47 người được tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp lần này.

Cũng ngay trong sáng nay, Quốc hội thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người thuộc danh sách trên.

Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn và báo cáo về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, Quốc hội sẽ bầu Ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả bỏ phiếu sẽ được công khai với đồng bào, cử tri cả nước tại buổi làm việc sáng mai 11/6./.

Theo Quang Vũ (TTXVN)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Không nên có tâm lý buông xuôi, ỷ lại các cơ quan mới sau sắp xếp bộ máy

Không nên có tâm lý buông xuôi, ỷ lại các cơ quan mới sau sắp xếp bộ máy

(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan đang được giao chủ trì soạn thảo, thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết mà trong diện dự kiến sắp xếp bộ máy cần phát huy trách nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ được giao đến ngày cuối cùng hoạt động.

Hương Giang

18:54 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm