Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tạo chuyển biến rõ rệt trong phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm

Thứ tư, 23/01/2013 - 16:05

(Thanh tra)- Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh như vậy khi chủ trì hội nghị về việc triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Nghị quyết 37/2012/QH13 của QH về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, sáng 23/1, tại Hà Nội.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị. Ảnh Trọng Đức - TTXVN

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, tham nhũng còn diễn biến phức tạp; trong một số lĩnh vực có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất. Công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, tham nhũng hiệu quả chưa cao, hiệu lực răn đe, phòng ngừa còn thấp. Công tác điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm, việc thực hiện kiểm sát các hoạt động tư pháp, công tác thực hành quyền công tố còn bỏ lọt tội phạm hoặc vẫn để xảy ra một số trường hợp oan sai; chất lượng tranh tụng tại phiên toà thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp… Những vấn đề này đang gây bức xúc trong nhân dân. Trong bối cảnh đó, lần đầu tiên QH đã ra Nghị quyết về công tác tư pháp, về đấu tranh phòng, chống tội phạm và sửa đổi Luật PCTN để có những giải pháp tích cực, kiên quyết khắc phục trong thời gian tới.

Tại hội nghị này, các cơ quan hữu quan báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết của QH và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN; trao đổi về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và bàn giải pháp tháo gỡ trong triển khai thực hiện - Chủ tịch QH nêu rõ.

Nghị quyết của QH giao năm 2013 Chính phủ, các cơ quan của Chỉnh phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Toà án Nhân dân Tối cao những nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể và yêu cầu phải tăng cường trách nhiệm, khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Theo báo cáo công tác triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCTN của Thanh tra Chính phủ, sau khi QH thông qua Luật năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu gúp Chính phủ ban hành Chương trình Hành động thực hiện công tác PCTN giai đoạn 2012 - 2016 (Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 6/12/2012), đồng thời triển khai một số hoạt động như  thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ triển khai thực hiện Luật, đồng thời chỉ đạo Cục Chống tham nhũng tổng kết kinh nghiệm thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN; đề xuất kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2013 gắn với đôn đốc, hướng dẫn, tập huấn việc thực hiện các quy định của Luật cho cán bộ, ngành, địa phương được thanh tra, kiểm tra; triển khai các hoạt động rà soát, nắm thông tin tình hình trên các lĩnh vực để kịp thời phát hiện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng để đề xuất các cuộc thanh tra đột xuất, tập trung vào những lĩnh vực nhậy cảm, dễ xảy rat ham nhũng và chú trọng những công tác liên quan đến nội dung điều chỉnh, bổ sung của Luật như công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, công khai tài sản, thu nhập, trách nhiệm giải trình…

Các báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của QH thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Toà án Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, cũng như những kiến nghị, đề xuất cụ thể cũng được báo cáo trong hội nghị này.

Thảo luận, góp ý để tiếp tục hoàn thiện các giải pháp triển khai thực hiện, nhiều ý kiến đại biểu đã tán dương việc sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 37/2012/QH13 của QH, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã khẩn trương triển khai nghiêm túc thực hiện; đề ra các giải pháp thực hiện tương đối đồng bộ, bám sát vào chỉ tiêu của Nghị quyết QH.

Một số ý kiến thẳng thắn cho rằng, để thực hiện tốt Nghị quyết cần đánh giá tình hình một cách sâu sắc hơn nữa mới thực hiện được chỉ tiêu đề ra (tránh chạy theo bệnh thành tích); cần có biện pháp cụ thể trong sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng.

Về báo cáo việc sửa đổi Luật PCTN, có ý kiến kiến nghị cần tiếp tục sửa đổi bổ sung một số điều bất cập liên quan đến chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, cũng như xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Đối với hành vi tham nhũng, liên quan đến tài sản không chứng minh được nguồn gốc cũng cần được tiếp tục nghiên cứu để có sửa đổi, bổ sung. Đồng thời để Luật triển khai đi vào cuộc sống, Thanh tra Chính phủ cần có giải pháp cụ thể trong việc tăng cường năng lực cán bộ ngành thanh tra.

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH quan ngại về tình hình gia tăng trộm cướp và cướp giật, giết người ở TP Hô chí Minh. Bà đề nghị Bộ Công an khi triển khai thực hiện Nghị quyết cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý điều hành bảo đảm an toàn tính mạng của người dân.

Đối với ngành Toà án, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH đưa ra 2 vụ án điển hình, đó là vụ Phạm Đình Tiến nhận hối lộ đã 7 năm qua mà chưa tuyên án có tội hay không? Vụ Trần Mình Anh (Hà Nội) tạm giam từ năm 2009 đến nay, vẫn chưa mở phiên toà nào xét xử… Do đó, bà Nga cho rằng, để khắc phục giải quyết các vụ án tồn đọng, ngành phải rà soát cụ thể từ Trung ương đến địa phương.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu vấn đề trong báo cáo của Bộ Công an chưa có giải pháp cụ thể trong việc phối hợp giữa các bộ ra sao trong việc chuẩn bị các phương điều kiện để thực hiện - thực hiện án tử hình; báo cáo của ngành Toà án chưa đề ra giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu chống 2 khuynh hướng không xử oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm…

Để việc triển khai đạt hiệu quả, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng mong muốn qua hội nghị này sẽ thúc đẩy nâng cao hoạt động tư pháp, nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, tạo chuyển biến tích cực tích cực, rõ rệt trong công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng, lãng phí; công tác điều tra xét xử, thi hành án đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Do đó, “cần đề ra các giải pháp cụ thể; rà soát khẩn trương các giải pháp hữu hiệu; các nghị định hướng dẫn kịp thời cũng như có kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các ngành các cấp… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2013” - Chủ tịch QH chỉ đạo.


Ánh Tuyết

Phát hiện 1.518 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về kinh tế, tham nhũng đạt kết quả cao, đã phát hiện và xử lý 1.518 vụ.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết: Qua hơn 1 tháng triển khai cao điểm tấn công trấn áp tội phạm (từ 15/12/2012 - 15/1/2013), công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện 4.961 vụ tội phạm hình sự; điều tra, khám phá 3.827 vụ; bắt xử lý 8.484 đối tượng (đạt 77,1%), triệt phá 390 băng, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm với 1.577 đối tượng.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy được đẩy mạnh trên tất cả các tuyến, địa bàn trọng điểm đã phát hiện 1.884 vụ, bắt giữ 2.268 đối tượng, thu giữ 57,36kg heroin, 2,68kg và 9.941 viên ma túy tổng hợp.

Công an các đơn vị, địa phương đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ bắt 912 đối tượng truy nã, trong đó có 231 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.

Lực lượng công an triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, biện pháp tăng cường chống buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết nguyên đán trên các tuyến biên giới và địa bàn trọng điểm. Các biện pháp quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật được tăng cường, nhất là trên các lĩnh vực quản lý cư trú, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ tài nguyên, môi trường...

Các lực lượng chức năng đã huy động lực lượng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, phát hiện, xử lý trên 532.000 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt trên 280 tỷ đồng.


T.S

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm