Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 19/03/2013 - 16:32
(Thanh tra) - Tiếp tục ngày làm việc thứ 2 (19/3) phiên họp thứ 16, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Tiếp công dân (TCD). Vấn đề phạm vi điều chỉnh và một số nội dung cụ thể của Dự án Luật đã được tập trung làm rõ.
Phiên họp thứ 16 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự Luật Tiếp công dân. Ảnh: na.gov.vn
Luật phải đổi mới toàn diện về tổ chức và nội dung
Theo tờ trình của Chính phủ, TCD là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TCD của các cấp, các ngành và Trụ sở TCD của Trung ương Đảng và Nhà nước trong thời gian qua còn có những hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu như: Lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác TCD, chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Việc TCD còn hình thức, chưa hiệu quả, có tình trạng khoán trắng... Về tổ chức TCD còn thiếu thống nhất từ Trung ương đến địa phương như tên gọi, mô hình tổ chức, cơ cấu thành phần tại nơi TCD; về cán bộ, về điều kiện làm việc, chế độ chính sách đối với công chức TCD...
Đa số các ý kiến Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật TCD và cho rằng, mặc dù thời gian gấp rút, nhưng Ban Soạn thảo đã cố gắng trong quá trình soạn thảo. Dự thảo Luật được xây dựng công phu, thể hiện sự quyết tâm cao trong việc đưa Dự án Luật đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn và cho rằng Dự thảo Luật TCD lần này thực tế mới chỉ pháp điển hóa một phần các quy định hiện có về công tác TCD (chủ yếu là việc tiếp công dân tại các cơ quan hành chính Mhà nước).
Qua thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, nhiều quy định trong Dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức và hoạt động TCD như đã nêu trong quan điểm chỉ đạo xây dựng luật này và nhất là cơ chế, mô hình tổ chức, hoạt động TCD của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và một số cơ quan Nhà nước khác.
Cho ý kiến cụ thể từng nội dung, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh trong Dự thảo Luật, một số ý kiến cho rằng, Luật TCD nên đặt trong tổng thể Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đã được Quốc hội thông qua. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhận định, phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo Luật chưa bao quát và đại diện cho toàn bộ hệ thống chính trị. Do đó, Ban Soạn thảo cần phân chia rõ từng nhóm - nhóm cơ quan hành pháp; nhóm cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị, chính trị xã hội… và mức độ giải quyết, trình tự TCD của từng loại nhóm này cũng sẽ khác nhau.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề: Nếu giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước... quy định riêng về việc TCD trong cơ quan, tổ chức mình thì sẽ tiếp tục tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong công tác này. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu cụ thể hóa các quy định về TCD của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan Mhà nước khác ngay trong Luật TCD để luật thực sự là văn bản pháp lý cao nhất quy định về công tác TCD.
Riêng về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc TCD, nhiều ý kiến chỉ ra các quy định trong dự thảo chưa đầy đủ, chưa xác định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm TCD và chưa phân định cụ thể đây là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức hay của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm TCD trong dự thảo Luật này. Bên cạnh trách nhiệm của người đứng đầu cũng cần bổ sung quy định về những trường hợp được ủy quyền TCD và trách nhiệm của người được ủy quyền; đồng thời không nên quy định trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Luật này để tránh trùng lặp với các luật khác.
Trụ sở TCD chỉ nên ở 3 cấp
Đó là đề nghị của Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh trong buổi thảo luận cho ý kiến về Dự thảo Luật TCD.
Nội dung mô hình tổ chức TCD trong dự luật nhận nhiều ý kiến.
Theo tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật hiện đang kế thừa Luật Khiếu nại quy định việc TCD được tiến hành tại Trụ sở TCD của Đảng và Nhà nước được tổ chức ở Trung ương và địa phương hoặc địa điểm TCD do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bố trí và đây cũng là mô hình được xác định trong Đề án Đổi mới công tác TCD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về mô hình các Trụ sở TCD của Dự thảo Luật đã liệt kê 3 loại trụ sở TCD gồm Trụ sở TCD của Trung ương Đảng và Nhà nước, trụ sở TCD cấp tỉnh, trụ sở TCD cấp huyện. Theo quy định tại Chương IV của Dự thảo Luật, Trụ sở TCD của Trung ương Đảng và Nhà nước, trụ sở TCD cấp tỉnh được xác định là cơ quan có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, được giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.
Tuy nhiên, ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trụ sở TCD chỉ là địa điểm để công dân có thể trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; không thể coi đây là một cơ quan độc lập, có tư cách pháp nhân như quy định trong Ddự thảo Luật vì vô hình chung sẽ tạo ra một cơ quan trung gian giữa người dân với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Do vậy, đề nghị Dự thảo Luật chỉ nên tập trung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất, việc bố trí vị trí của trụ sở, địa điểm TCD, cách thức phối hợp các hoạt động tại trụ sở TCD, trách nhiệm quản lý trụ sở TCD cũng như một số nguyên tắc để xây dựng nội quy của trụ sở, địa điểm TCD...
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật TCD, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; phối hợp với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội để hoàn thiện hơn dự luật này.
Riêng về mô hình tổ chức TCD, Tổng Thanh tra đề nghị vẫn giữ nguyên trụ sở TCD ở 3 cấp Trung ương, tỉnh, huyện như trong Dự thảo Luật. Đồng thời, để bảo đảm tương đối độc lập cơ quan có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, được giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.
Ánh Tuyết
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều nay 13/12, nhiều đại biểu đã chất vấn tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá tại kỳ họp HĐND thứ 24, khóa XVIII liên quan đến việc gia hạn các dự án chậm tiến độ, có dự án gia hạn đến lần thứ 8 vẫn chưa hoàn thành, gây bức xúc, hoài nghị, dị nghị trong nhân dân.
Văn Thanh
20:01 13/12/2024(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
19:00 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình
Phương Anh