Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai

Thứ năm, 06/06/2013 - 23:23

(Thanh tra)- Ngày 6/6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến. Ảnh: QH

Vẫn còn một số ý kiến khác nhau, nhưng đa số đại biểu thống nhất tên gọi là Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT) như đề nghị trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH và Tờ trình của Chính phủ.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), tên gọi này là ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động PCTT, thể hiện thái độ chủ động trong PCTT; đồng thời, phản ánh và khái quát được những nét chung nhất về bản chất, nội hàm và mục đích của việc ban hành Luật. Hơn nữa, khái niệm “PCTT” đã quen dùng trong đời sống (phòng, chống lụt, bão; phòng, chống hạn hán; phòng, chống rét...) và cũng đã được sử dụng trong nhiều văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước.

Một số ý kiến khác lại đề nghị lấy tên là Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Việc đề nghị lấy tên luật như vậy đã được đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đưa ra với các lý do là thể hiện đúng bản chất thực tế đặt ra và các quan hệ xã hội mà Dự án Luật cần điều chỉnh; phù hợp với quan điểm tiếp cận của quốc tế và các nước trong khu vực về phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai; tên gọi này đã được QH quyết định trong Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của QH Khóa XIII.

Nhiều đại biểu QH tán thành với quy định về nguồn nhân lực trong PCTT; vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) trong PCTT như Dự thảo Luật.

Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) thống nhất với quy định vai trò nòng cốt của LLVTND như Dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của LLVTND trong PCTT để Nhà nước có sự đầu tư tài chính, trang thiết bị trong đào tạo, huấn luyện, diễn tập cho lực lượng này để hoạt động hiệu quả hơn trong lĩnh vực PCTT; đồng thời, khẳng định rõ nguyên tắc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong PCTT.

Nhằm tránh sự ỷ lại của tổ chức, cá nhân trong công tác PCTT, đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre) đề xuất quy định rõ vào luật về nguồn nhân lực là tình nguyện viên được tổ chức tại chỗ hay từ đâu tới, nhiệm vụ chính của họ là gì. Quy định rõ như vậy khi có thiên tai thì tổ chức lực lượng cũng được chủ động, chặt chẽ và hoạt động cũng hiệu quả hơn. Đại biểu Tuấn còn đề nghị bổ sung vai trò của các tổ chức xã hội, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên, lực lượng giáo viên, sinh viên, học sinh, thanh niên, lực lượng dự bị động viên trên địa bàn xảy ra thiên tai.

Về tài chính cho hoạt động PCTT, đa số ý kiến nhất trí cho rằng, đầu tư cho PCTT là đầu tư phát triển, phải khẳng định ngân sách Nhà nước là chủ đạo trong cơ cấu nguồn lực tài chính cho PCTT và đề nghị Dự thảo Luật phải quy định rõ về nguồn tài chính hàng năm cho PCTT. Việc phân bổ nguồn ngân sách cho hoạt động PCTT từ Trung ương đến địa phương, việc cấp phát kinh phí phải đúng, đủ và kịp thời.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, bên cạnh nguồn lực tài chính chủ đạo thì phải có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Không nên dùng khoản dự phòng ngân sách Nhà nước cho phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai vào việc tu sửa bệnh viện, trường học mà nên dùng quỹ này hỗ trợ trực tiếp, xử lý bảo vệ môi trường, xử lý nước sạch cho thiết thực, hiệu quả hơn...

Một quy định mới được nhiều đại biểu QH quan tâm là thành lập Quỹ PCTT mang tính chất bắt buộc đóng góp. Theo báo cáo của Chính phủ, Quỹ Phòng, chống lụt, bão hiện nay sẽ được nâng lên thành Quỹ PCTT khi luật này có hiệu lực. Quỹ Phòng, chống lụt, bão được hình thành do việc đóng góp bắt buộc của tổ chức, cá nhân. Thực tiễn hoạt động của Quỹ Phòng, chống lụt, bão thời gian qua cho thấy, đã bổ sung nguồn lực không nhỏ cho công tác PCTT của các địa phương, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cộng đồng với công tác PCTT.

Đa số ý kiến tán thành với quy định về Quỹ PCTT như Dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đặt vấn đề phải làm sao tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, quy trình thực hiện như thế nào cho tốt. Vì vậy, cần quy định rõ mục chi của quỹ, quy định quản lý chặt chẽ tránh thất thoát, chi sai mục đích; đồng thời công khai minh bạch thường xuyên trước dân.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị làm rõ hơn về độ tuổi cũng như đối tượng bắt buộc phải đóng góp. Cần quy định phương thức xác định, mức đóng góp của từng loại đối tượng, quy định các đối tượng được miễn, giảm đóng góp cho Quỹ PCTT. Việc sử dụng quỹ cần phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, hàng năm phải được báo cáo HĐND các cấp xem xét…

Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cơ quan  huy động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng Quỹ PCTT, tính pháp nhân của tổ chức quản lý quỹ...

Cùng ngày, QH đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).


Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: “Truy vấn” Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư về “gia hạn” các dự án chậm tiến độ

Thanh Hoá: “Truy vấn” Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư về “gia hạn” các dự án chậm tiến độ

(Thanh tra) - Chiều nay 13/12, nhiều đại biểu đã chất vấn tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá tại kỳ họp HĐND thứ 24, khóa XVIII liên quan đến việc gia hạn các dự án chậm tiến độ, có dự án gia hạn đến lần thứ 8 vẫn chưa hoàn thành, gây bức xúc, hoài nghị, dị nghị trong nhân dân.

Văn Thanh

20:01 13/12/2024
Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm