Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những nhân tố làm nên thành công của đoàn tàu không số

Thứ tư, 03/08/2011 - 08:46

(Thanh tra)- Nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày 1/8/1961, khi chiếc thuyền gỗ đánh cá thô sơ chở Bông Văn Dĩa, Tư Quang, Tư Phước, Ngô Văn Tân, Sáu Dũng, Bảy Của, Trần Văn Đang, Võ Tấn Thành rời Cà Mau. Sau 6 ngày vượt biển đã đến Nhật Lệ, Quảng Bình. Sau đó, những anh hùng mở đường khai phá này đã được gặp T.Ư, Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn…

Chuyển vũ khí xuống tàu không số - Ảnh tư liệu của Lữ đoàn Hải quân 125

Từ ngày lịch sử ấy cho đến ngày 23/10/1961, rồi ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước đã có hàng trăm chuyến tàu chỉ với quân số trên dưới 1 trung đoàn chuyển tới miền Nam hàng nghìn tấn vũ khí, trang bị cho hàng trăm tiểu đoàn tạo điều kiện để quân dân miền Nam “đồng khởi” mở hết chiến dịch này đến chiến dịch khác để cuối cùng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Thắng lợi vĩ đại, chiến công chói lọi ấy là của con người, không phải chỉ ở con tàu. Làm sao mà cán bộ, chiến sĩ con tàu ấy biết khó khăn, biết ra đi có thể bị thương, hy sinh nhưng vẫn tự tin, tự hào, quyết tâm lên tàu chiến đấu và tự nguyện hy sinh khi cần bảo vệ tàu, bảo vệ vũ khí, bảo vệ con đường Hồ Chí Minh trên biển ấy? Câu trả lời có thể như sau:

1. Tinh thần yêu nước vô hạn của cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số

Bác Hồ từng nói: Hễ là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước, mỗi người yêu nước theo cách của mình.

Lòng yêu nước của con người Việt Nam, con Rồng, cháu Tiên, của giống nòi Lạc Việt, Giao Chỉ hình thành nên, đúc kết nên đã mấy nghìn năm nay. Tinh thần yêu nước của dân Việt đã giúp họ lấy “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, giúp “lá lành đùm lá rách”, cùng nhau định cư lập nước, xây dựng nên một quốc gia độc lập.

Lòng yêu nước của dân Việt được thử thách qua bao nhiêu cuộc đấu tranh chế ngự thiên nhiên, mưa giông, gió bão, thiên tai, thú dữ, bệnh tật… để bảo tồn cộng đồng, gắn kết, đồng lòng với nhau tạo nên sức mạnh. Họ đã chiến thắng nhiều cuộc xâm lược của kẻ thù từ phía Bắc xuống, phía Nam lên, từ biển Đông vào. Yêu nước mãnh liệt, họ nhất tề đứng lên theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, đánh tan quân Hán, quân Tống, 3 lần đánh bại quân Nguyên - Mông, 10 năm gian khổ đánh dẹp quân Minh. Hay, chỉ 7 ngày đánh tan mấy chục vạn quân Thanh. Người dân Việt cũng đã đoàn kết “đào mồ chôn” chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên mảnh đất quê hương mình.

Lòng yêu nước của dân ta, lúc thường hiền lành như sông Hồng, sông Hương, sông Tiền, sông Hậu… Nhưng, khi có kẻ vác gươm đao vào đất Việt, lòng yêu nước ấy sẽ là cơn sóng giữ của Triệu Trinh Nương cuốn lũ người xấu, ác độc ấy ra biển Đông, vùi dập chúng trong lòng biển, răn đe những kẻ khác định “vác mai đi đào tiếp…”.

Những con người yêu nước ấy hợp lại thành một sức mạnh không có thế lực nào chiến thắng được. Đó là những thủy thủ, thuyền trưởng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, những cô bác, anh chị dân quân trên hàng chục bến của hơn 10 tỉnh có bến dỡ hàng, tranh giành từng hòm đạn với địch. Đó là những chiến sĩ vận tải chuyển hàng nghìn tấn sắt thép đến tay người cầm súng chiến đấu.

Đó là sức mạnh nội thân sẵn có từ nghìn đời, đời này bổ sung cho đời sau, cho đời trước.

2. Xã hội văn minh của một dân tộc như một dòng sông chảy. Nhưng, bản sắc dân tộc mới chính là dòng sông ấy. Không có bản sắc dân tộc vững chắc, kiên định thì không thể bảo vệ được dân tộc. (1)

Yêu mến dân tộc, tự hào dân tộc, tủi nhục khi thấy đất nước, dân tộc bị đàn áp, coi khinh, mạt sát, đe dọa… sức mạnh dân tộc trong mỗi con người Việt Nam trỗi dậy, như ngọn lửa bốc cao trong trái tim họ, trong đầu họ, chuyển thành một sức mạnh vô địch. Những cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số buộc phải cầm súng, buộc phải chuyển lòng yêu nước, yêu dân tộc, tự hào dân tộc thành ý chí sắt đá “tuyệt đối trung thành với nước, với dân”, quyết đấu tranh bảo vệ dân tộc, Tổ quốc bằng bất cứ giá nào. Họ là những con người đã hiến dâng cuộc đời mình cho cách mạng thì chẳng còn gì đáng sợ nữa.

Đây không chỉ là một truyền thống tốt đẹp, là hòn ngọc quý của dân tộc Việt Nam, của người Việt Nam mà còn là khẳng định khoa học lịch sử qua mọi thời đại. Mang tính khoa học của truyền thống nên truyền thống không phải là một điều “nhắm mắt noi theo”, noi theo thụ động không phản biện mà noi theo có phân tích, có tư duy độc lập, có phán xét phải trái, đúng sai… Mà, khi đã thấy rõ tính chính xác, chân lý của truyền thống, truyền thống ấy cần được nhân lên sức mạnh mới…

Bác Hồ đã dạy: “Chính là do dân ta yêu nước… mà đánh được quân giặc”. Yêu nước là tinh thần yêu dân tộc, là một trong bản sắc Việt của dân tộc ta… “Chủ nghĩa dân tộc ở dân tộc Việt Nam là động lực lớn của đất nước”. (2)

Chủ nghĩa yêu nước, bản sắc dân tộc, chủ nghĩa dân tộc ở cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số là bức thành dài, cao, vĩ đại, xây đắp lên bằng sức mạnh của cả dân tộc. Sức mạnh ấy, không có một uy lực nào phả nổi, như đã chứng minh qua nghìn năm lịch sử, như đã chứng minh trong “gan vàng, da sắt” của cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số: Biết người trước đã hy sinh, người sau vẫn đàng hoàng, không sợ hãi, do dự, ngồi lên hàng tấn thuốc nổ để trực tiếp làm nhiệm vụ.

3. Từ thủa hình thành nên bộ Lạc Việt, người Việt đã có thủ lĩnh, người cầm đầu. Người đứng đầu Nhà nước Văn Lang là Hùng Vương, là người thủ lĩnh, đại diện, hội tụ tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí giữ nước, dựng nước, hội tụ trí tuệ, sức sáng tạo của dân tộc để tìm ra một đường lối, một phương pháp tối ưu.

Cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số hiểu rõ, họ và đơn vị mình là một đơn vị đặc biệt. Một đơn vị không theo hệ thống phân cấp thông thường trong lực lượng vũ trang mà là một đơn vị, tuy nhỏ nhưng lại trực thuộc, trực tiếp với một vài đồng chí trong Bộ Chính trị, đặc biệt là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Có thể gọi họ là đội cận vệ Hồ Chí Minh vì chính Người từng là thủy thủ trong 10 năm, đã biết giá trị, sức mạnh, sự thuận lợi của con đường biển trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Không chỉ đề ra đường lối, phương pháp tổ chức, Hồ Chí Minh còn quan tâm từ người chỉ huy con tàu đến từng chiến sĩ; lo lắng, đợi chờ mỗi chuyến ra đi của họ.

Sự quan tâm của Bác, của lãnh tụ đối với chiến sĩ tàu không số được nhân lên bội phần sức mạnh, ý chí chiến đấu, hy sinh. Họ tin vào dân tộc, tin vào sức mạnh của tinh thần yêu nước, tin tưởng tuyệt đối vào lãnh tụ để không hề có một gay cấn nhỏ, do dự giây phút, không hề có một suy tính cá nhân…

Niềm tin và sức mạnh ấy tạo ra cho họ một thoải mái, trong sáng trong tâm hồn, tập trung vào nhiệm vụ, phát huy được “cách đánh khéo” như lời Bác Hồ khen, để hoàn thành nhiệm vụ mà Bác đã trực tiếp giao cho. Tin vào Bác, cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số biết rõ là lúc nào Bác cũng nghĩ về họ, yêu mến họ, quan tâm theo dõi họ trong mỗi chuyến ra khơi… Họ biết, công việc của mình tuy làm bí mật, ít ai biết, nhưng luôn có một người ông, người cha đại diện cho dân tộc, cho Tổ quốc, cho nhân dân, ở vị trí cao nhất cả trong thực tế và trong tình cảm của họ... biết đến họ. Những chiến sĩ tàu không số cũng không kịp nghĩ tới gian khổ, chiến đấu dù lập chiến công 10 năm, 20 năm, 30 năm, 40 năm, 50 năm, dù ai không biết, không tri ân, họ vẫn dũng cảm hy sinh.

Có thể ở đâu đó, ở thời gian nào đó, khi lòng tin của những người phụ trách, người thủ lĩnh không có hoặc sút kém… không phải cứ có lòng yêu nước, tự hào dân tộc mà có thể làm nên chiến thắng…

Ba bài học kinh nghiệm, ba yếu tố bảo đảm thắng lợi về công tác Đảng, công tác chính trị này trong đoàn tàu không số đã quyết định những chiến công lừng lẫy huyền thoại của cán bộ, chiến sĩ anh hùng muôn thủa của đoàn tàu không số - đoàn tàu cận vệ của Hồ Chí Minh trên con đường Hồ Chí Minh trên biển, của tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc.
Ngày nay, trước tình hình chung của khu vực và thế giới, bài học kinh nghiệm giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; phẩm chất đạo đức người chỉ huy; niềm tin tưởng tuyệt đối vào lãnh tụ không chỉ cần vận dụng sáng tạo cho riêng hải quân nhân dân Việt Nam, cho lực lượng vũ trang mà là toàn thể người dân đất Việt để dựng nước, giữ nước, để làm lạnh bớt những cái đầu nóng.

(1): Vang mãi lời Bác dặn, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội, 2011, trang 11.
(2): Hồ Chí Minh, Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, năm 1924.

Cả nước vì con đường Hồ Chí Minh trên biển
Đoàn tàu không số thuộc Lữ đoàn 125 là một đơn vị đặc biệt. Điều đặc biệt thứ nhất vì cán bộ, chiến sĩ, thuyền trưởng, chiến sĩ máy, thông tin… đều trực thuộc một số đồng chí trong Bộ Chính trị (Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng, Trường Chinh…) và cao nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi lần tàu xuất phát, rời bến là có một Ủy viên Bộ Chính trị đến kiểm tra, động viên hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt thứ hai là, không phải bất cứ đơn vị nào trong lực lượng vũ trang, dù là quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng… lại có quân số thuộc nhiều địa phương như đoàn tàu không số - 35 địa phương.

Danh sách 117 liệt sĩ của đoàn tàu không số cho biết: Thái Bình có 18 liệt sĩ, Thanh Hóa có 16, Hải Phòng 8, Quảng Ninh 7, Quảng Nam 6, Bến Tre 3, Hà Nam 6, Bình Định 7, Cao Bằng 1, Quảng Bình 5, Nam Định 6, Nghệ An 6, Hà Tĩnh 5, Cần Thơ 3… Các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bạc Liêu, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Phú Thọ… đều có liệt sĩ thuộc đoàn tàu không số. Tổng cộng 33 địa phương có con em hy sinh.

Những số liệu trên chứng tỏ, nhân dân các dân tộc cả nước đều chung tay với đoàn tàu không số trên con đường vận tải mang tên Hồ Chí Minh trên biển.
Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan

Phan Thắng
Nguyên Trợ lý Giáo dục Sư đoàn 338
Trưởng Ban Tuyên huấn Đoàn 125 (giai đoạn 1960 - 1970)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phương án sắp xếp bộ máy của Hà Nội

Phương án sắp xếp bộ máy của Hà Nội

(Thanh tra) - Hà Nội thống nhất phương án hợp nhất 2 ban Đảng thuộc Thành ủy, chấm dứt hoạt động 2 Đảng ủy khối, hợp nhất 10 sở để giảm 5 sở; sáp nhập 4 cơ quan báo chí…

Hải Hà

15:12 13/12/2024
Thanh Hóa: Vẫn còn những bất cập trong thu hút đầu tư

Thanh Hóa: Vẫn còn những bất cập trong thu hút đầu tư

(Thanh tra) - Sáng nay 13/12, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiếp tục ngày làm việc thứ 2, các đại biểu thảo luận tại hội trường, tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong khâu tổ chức thực hiện để đưa ra các giải pháp.

Văn Thanh

15:10 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm