Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nên bầu hay lựa chọn hòa giải viên ở cơ sở

Thứ năm, 22/11/2012 - 17:49

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Dự án Luật Hoà giải cơ sở và Dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQPAN) tiếp tục được Quốc hội thảo luận ở hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hoà Bình) cho rằng: Phạm vi hoà giải cơ sở trong Dự thảo Luật còn chung chung, khó hiểu. Ảnh: na.gov.vn


"Trăm cái lý không bằng một tý cái tình"

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành luật nhằm tăng cường cơ sở pháp lý để tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở có hiệu quả hơn, tạo cơ chế hỗ trợ cho người dân thông qua hoạt động này giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ góp phần ổn định trật tự xã hội, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, giảm bớt các vụ việc chưa cần thiết phải đưa tới cơ quan hành chính Nhà nước hoặc Tòa án giải quyết.
 
Một số nội dung liên quan đến hoàn thiện Dự thảo Luật Hòa giải ở cơ sở là vấn đề hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; việc bầu hay lựa chọn hoà giải viên đã được nhiều ý kiến tập trung làm rõ.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cho rằng, Dự thảo quy định Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất và phương tiện cần thiết cho công tác hòa giải cơ sở theo quy định của Chính phủ đều chưa rõ.

Đại biểu đề nghị cần xác định luôn trong luật là Nhà nước hỗ trợ kinh phí để kiện toàn tổ chức tổ hòa giải, tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật sơ kết, tổng kết thi đua khen thưởng, mua tài liệu và văn phòng phẩm để phục vụ công tác hòa giải cơ sở. Đồng thời Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp hỗ trợ cho công tác hòa giải cơ sở phát triển là phù hợp với thực tế.
 
Việc bầu hay lựa chọn hoà giải viên nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất: Quy định theo hướng tổ chức họp đại diện các gia đình ở cơ sở để bầu hòa giải viên (biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín). Phương án thứ hai: Quy định theo hướng không bầu hòa giải viên mà chỉ lựa chọn, giới thiệu và công nhận hòa giải viên.
 
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đồng tình với phương án bầu hòa giải viên để đảm bảo dân chủ, người dân được trực tiếp lựa chọn người có uy tín làm hòa giải viên. Mặt khác, người được bầu làm hòa giải viên cũng sẽ có được ý thức, trách nhiệm cao hơn với người dân về hoạt động hòa giải của mình. Tuy nhiên, cũng cần quy định đơn giản hóa về quy trình, thủ tục bầu hòa giải viên đảm bảo cho người dân có điều kiện để lựa chọn, quyết định một cách công khai dân chủ về hòa giải viên của mình.

Cũng theo đại biểu Thuỷ, quan niệm ở Việt Nam là "trăm cái lý không bằng một tý cái tình", do đó không nên quy định là hòa giải viên có hiểu biết về pháp luật vì chất lượng hòa giải phụ thuộc vào uy tín, khả năng thuyết phục của hòa giải viên và điều quan trọng là hòa giải viên là hoạt động tự nguyện.
 
Đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) thì nhận định việc hòa giải nói cho đúng là việc của dân, không nên hành chính hóa, tại sao lại phải có việc chủ tịch ủy ban nhân dân xã ra quyết định công nhận là thế.
 
Về phạm vi hòa giải cơ sở, Dự thảo Luật quy định trong phạm vi các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, chủ yếu là giữa các cá nhân với nhau. Một số ý kiến băn khoăn về phạm vi của mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, trên thực tế rất khó “lượng hóa” hay phân định được vấn đề này? 
 
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, việc liệt kê 5 hình thức vi phạm pháp luật và tranh chấp ở cơ sở mà hòa giải viên được phép hòa giải tại khoản 1 còn quá chung chung, mơ hồ, khó hiểu vì với mục đích quy định về mức độ tranh chấp và vi phạm pháp luật là nhỏ hay không nhỏ, nhưng trong 5 hình thức này lại không hề nhắc gì đến mức độ vi phạm là mấu chốt của vấn đề mà chủ yếu là liệt kê các hình thức.

Một số ý kiến khác cho rằng, Dự án Luật chưa đáp ứng được việc thể chế hóa Hiến pháp thông qua các quy định cụ thể đối với nội dung mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ.
 
Ngoài ra, một số vấn đề khác như số lượng của tổ, ban hoà giải; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở nhằm tăng cường nêu cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và xã hội đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt là có sự phân công rõ ràng, phân định giữa chức năng quản lý Nhà nước với vai trò nòng cốt của Mặt trận và các tổ chức thành viên cũng được các đại biểu đề cập.
 
Cần quy định cơ chế tổ chức hoạt động xã hội
 
Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật GDQPAN theo Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, công tác GDQPAN trong thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, qua tổng kết của Chính phủ cũng như kết quả giám sát của Uỷ ban QPAN của Quốc hội cho thấy, thực tiễn đang tồn tại những bất cập làm hạn chế chất lượng, hiệu quả GDQPAN.
 
Trong các ý kiến về những nội dung cụ thể của Dự thảo Luật về tên gọi, phạm vi điều chỉnh; bồi dưỡng kiến thức QPAN cho đối tượng trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, người quản lý doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tổ chức về GDQPAN, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến nội dung tính khả thi và yêu cầu xã hội hóa của Dự thảo Luật.
 
Một số ý kiến cho rằng, nhiệm vụ GDQPAN được giao cho quá nhiều bộ, ngành, khó thể hiện tính đồng bộ về nội dung và chương trình. Do đó cần quy định cụ thể, chi tiết hơn các nội dung trong dự thảo nhằm bảo đảm tính khả thi thì mới đủ điều kiện ban hành luật, vì hiện nay có đến 50% điều khoản giao Chính phủ và các bộ hướng dẫn thi hành.  
 
Nhiều ý kiến băn khoăn về chất lượng, số lượng của giáo viên và giảng viên GDQPAN trong hệ thống nhà trường ở các cấp học; nội dung, chương trình cho học sinh tiểu học; quy định tiêu chí bố trí giáo viên, tiêu chuẩn giáo viên GDQPAN rất cao, theo quy định của Dự thảo Luật thì cần bao nhiêu giáo viên, giảng viên QPAN? Có đáp ứng được không?

Các đại biểu đề nghị quy định lộ trình đào tạo, chuẩn bị lực lượng giáo viên giảng dạy môn GDQPAN và chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu khi luật có hiệu lực pháp luật và bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi về trình độ chuẩn đối với giáo viên, giảng viên cho từng cấp học, bậc học trong nhà trường, hệ thống các trung tâm GDQPAN thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại Điều 23 Dự thảo Luật cần cân nhắc lộ trình quy định tại khoản 5 Điều 22 cho hợp lý.
 
Có ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật còn thiên về xu hướng hành chính, tính xã hội hóa chưa cao, chưa phát huy được tổng hợp nguồn lực xã hội cho GDQPAN, nhất là GDQPAN toàn dân.
 
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong tình hình mới, cùng với vai trò của cơ quan Nhà nước, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể và chặt chẽ về yêu cầu, nội dung, hình thức và cơ chế tổ chức hoạt động xã hội hóa theo hướng thu hút sự tham gia rộng rãi của cơ quan, tổ chức và cá nhân với các hình thức thích hợp, nhằm huy động tổng hợp nguồn lực xã hội cho công tác GDQPAN, nhất là GDQPAN toàn dân. Trên cơ sở đó khơi dậy lòng yêu nước, đề cao trách nhiệm công dân tự giác học tập và thực hiện nhiệm vụ QPAN, hạn chế những quy định mang tính hành chính bắt buộc...
 
Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.

Chính Bình

21:26 12/12/2024
Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

T.T

21:06 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm