Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khắc phục tình trạng thi đua, khen thưởng còn hình thức, tràn lan

Thứ năm, 21/03/2013 - 23:05

(Thanh tra) - Đó là một trong nhiều nội dung của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đã được Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến trong chương trình nghị sự phiên họp thứ 16, sáng nay (21/3).

Theo tờ trình của Chính phủ, trong tổng số 103 điều của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, bổ sung 53 điều (trong đó bổ sung thêm Điều 65a), được sửa đổi, bổ sung từ Chương I đến Chương IV, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng. Ngoài ra có sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành, hình thức thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

Đa số ý kiến của Thường vụ Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quy định hiện hành và tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, qua thẩm tra, Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội cho rằng dự án Luật cần quan tâm các vấn đề như: Việc sửa đổi, bổ sung phải tiếp tục đảm bảo quy định thống nhất các hình thức khen thưởng cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các điều kiện bảo đảm mục đích tăng cường khen thưởng cho các tập thể nhỏ, khen thưởng cho công nhân, nông dân, người trực tiếp sản xuất, công tác, lao động sáng tạo và cần thực hiện mục tiêu giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi góp ý không nên phân biệt danh hiệu “Lao động tiên tiến” và “Lao động giỏi” trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, mà nên giữ như quy định hiện hành - danh hiệu “Lao động tiên tiến” được dùng chung, đồng thời quan tâm đến việc hướng dẫn tổ chức thực hiện, quy định về thẩm quyền tặng danh hiệu, quy trình bình xét để bảo đảm tính khả thi của quy định này đối với khu vực ngoài Nhà nước. Nội dung danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nhà khoa học nhân dân”, “Nhà khoa học ưu tú”, theo ông Thi, danh hiệu kèm theo hai chữ “nhân dân” chỉ nên gắn với những “nhà” phục vụ nhân dân, cống hiến cho xã hội, những người của công chúng như nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ. Nhà khoa học cơ bản là vinh danh thành tựu sáng tạo của họ bằng giải thưởng.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đặt vấn đề, các đại biểu Quốc hội chuyên trách có được khen thưởng không. Bà Nương băn khoăn về đối tượng áp dụng của Luật Thi đua, khen thưởng là các cá nhân, tập thể, tất cả đều bình đẳng trong tham gia thi đua, trong xét tặng danh hiệu thi đua và xét khen thưởng theo tiêu chuẩn, phạm vi, mức độ thành tích. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa bao quát được hết các đối tượng cũng như chưa quy định cụ thể đối với một số đối tượng, lĩnh vực hoạt động. Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ công tác thi đua, khen thưởng đối với tổ chức chính trị, đại biểu dân cử.

Góp ý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, mong muốn bổ sung, sửa đổi Luật lần này cần khắc phục được tình trạng khen thưởng tràn lan, phổ biến hình thức; khen không đúng đối tượng và thiếu thống nhất. Ông Hiển đề nghị cần làm rõ cấp độ khen thưởng; giải thích thế nào là lao động xuất sắc và khen thưởng ở bậc cao cần phải chặt chẽ và quy định rõ ràng…

Những nội dung khác như thẩm quyền ban hành các hình thức khen thưởng cờ thi đua và bằng khen của cấp tổng cục, quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng và tương đương thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; việc không lấy các danh hiệu thi đua làm căn cứ để xét khen thưởng hay Huy chương thanh niên xung phong kháng chiến… cũng được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý hoàn chỉnh Luật. Nhằm đáp ứng yêu cầu khắc phục được tồn tại yếu kém: Thi đua khen thưởng còn tình trạng tràn lan, không thực chất; không đúng đối tượng; không thống nhất trong hệ thống chính trị... nhằm góp phần hạn chế tiêu cực trong công tác này.


Quỳnh Trang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm